Thứ 6, 28/06/2024, 01:54[GMT+7]

Thủ khoa Đại học Bách khoa năm 2012

Thứ 6, 03/08/2012 | 17:04:51
6,807 lượt xem
Từ nhà đến trường học xa 4 cây số, em vẫn bền bỉ trên chiếc xe đạp cũ kỹ, góc học tập sơ sài, có vài quyển sách và một căn nhà nghèo nhất của cái xã nghèo này... đã làm cháy lên ước mơ học tập, nuôi dưỡng Lưu Thế Anh thành học sinh giỏi của trường THPT Bắc Duyên Hà, rồi trở thành thủ khoa của ĐH Bách khoa Hà Nội 2012.

Bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty thương mại Hải Bình tặng em bộ máy vi tính.

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được vào nhà em. Mặc dù xã Kim Trung (Hưng Hà) là địa phương rất quen thuộc với nghiệp làm báo của tôi. Con đừng ngoằn nghèo đưa chúng tôi vào một ngôi nhà cấp 4, không có cánh cửa, chỉ có tấm liếp tre mỏng đã rách xơ xác, hai gian bếp lợp ngói brôximăng. Căn nhà nhỏ tuềnh toàng của hai mẹ con vào lúc trời mưa phải huy động hết những gì có thể để hứng nước mưa. Tìm vào nhà em quả thật là khó, nhưng đến đầu cầu sắt hỏi nhà Lưu Thế Anh ở đâu thì ai cũng biết. Vợ chồng anh bán hàng xởi lởi nói: Cậu Anh đỗ thủ khoa chứ gì, các anh đi thẳng con đường đá rồi hỏi dần chứ vào ngõ ngoắt ngoéo lắm. May có anh Bí thư đoàn trường Bắc Duyên Hà vừa đưa cô bạn đồng nghiệp ở Thông tấn xã đến làm việc, ra đón chúng tôi mới có mặt nhanh hơn dự kiến.

Trước mặt chúng tôi là một Lưu Thế Anh người nhỏ nhắn, cạnh em là thầy giáo chủ nhiệm và đối diện là cô bạn đồng nghiệp... tất cả đều ngồi trên chiếc phản, không có bàn ghế tiếp khách.
- Trước niềm vui đỗ thủ khoa của trường Đại học Bách Khoa, em nghĩ nhiều nhất đến ai lúc này? Tôi bất chợt đưa ra câu hỏi.
- Mẹ em! Mẹ là người đã vượt qua dư luận xã hội, tần tảo nuôi em ăn học bằng mồ hôi và cả nước mắt. Hôm đi lên Hà Nội thi em bảo để mồng 3 đi, mồng 4 thi, mẹ cứ bảo kiêng ngày mồng 3, phải đi ngày mồng 2 nên tiêu tốn quá, mất đến 750 nghìn đồng trong số 1 triệu đồng mẹ vay mượn cho em có tiền đi thi.

Thầy giáo chủ nhiệm ngồi bên cạnh nói với chúng tôi: Lưu Thế Anh là học sinh rất ngoan, ham học và có chí vươn lên. Ba năm học THPT đều là học sinh giỏi. Đặc biệt em có trí nhớ tốt; học đều các môn nhưng giỏi nhất là toán, lý, hóa. Em có năng khiếu triết học, ham đọc sách dã sử. Ở em có tố chất thông minh nên tìm được phương pháp học tốt. Năm học 2011 – 2012, em giành ba giải: nhất môn toán 12 của tỉnh; nhì môn hóa và giải nhì môn toán máy tính cầm tay. Thi tốt nghiệp đạt 52,5 điểm. Thi đại học Bách khoa đỗ thủ khoa 28,25 điểm gồm: lý 9,5 điểm, hóa 9,5 điểm và toán 9,25 điểm. Em cứ tiếc là có một câu toán làm đúng rồi lại xóa đi nên điểm toán hơi thấp.

Chị Lưu Thị Tẽo, 55 tuổi người sinh ra Lưu Thế Anh, chàng thủ khoa đầu tiên của Thái Bình trong năm học này, thì chốc chốc lại lấy vạt áo lau nước mắt. Chúng tôi cảm nhận được sự sung sướng của người đàn bà khi nhìn thấy con đỗ đạt cao. Nhưng chị cũng biết phía trước có rất nhiều khó khăn. Còn một tháng nữa, con nhập trường, nhưng không biết lấy tiền đâu cho con đi. Cuộc đời của chị cũng đầy nước mắt: Tháng 3/1979 đi bộ đội, vào Lữ đoàn 170, thuộc vùng 1 Hải quân; tháng 6/1982 ra quân, về địa phương làm kế toán HTX rồi bán hàng, làm y tế thôn đến năm 1988 thì nghỉ. Năm 1994, chị vượt qua áp lực dư luận, sinh cháu Lưu Thế Anh, cuộc sống một mẹ, một con bắt đầu từ đó. 13 năm làm công việc cực nhọc, vắt mồ hôi, nước mắt để nuôi con ăn học. Trong một lần chị bị tai nạn, cột điện đổ, điện giật làm cháy một bàn tay, rối loạn tuần hoàn não và viêm đa khớp.

Từ nhà đến trường học xa 4 cây số, em vẫn bền bỉ trên chiếc xe đạp cũ kỹ, góc học tập sơ sài, có vài quyển sách và một căn nhà nghèo nhất của cái xã nghèo này... đã làm cháy lên ước mơ học tập, nuôi dưỡng em trở thành học sinh giỏi của trường THPT Bắc Duyên Hà. Từ năm 2000 đến nay, xã Kim Trung có ba em đỗ thủ khoa đại học. Thầy chủ nhiệm Lưu Văn Lượng, nói với chúng tôi như vậy.

Khi bài báo này vừa lên khuôn thì chị Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty thương mại Hải Bình cùng chị em ở Hội Doanh nhân nữ Thái Bình đã đem 5 triệu đồng tặng em Lưu Thế Anh, riêng chị Hồng tặng em một bộ máy vi tính.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa