Chủ nhật, 12/01/2025, 22:05[GMT+7]

Kỳ vọng chương trình giáo dục phổ thông (Kỳ 1)

Thứ 2, 01/06/2020 | 08:31:25
1,867 lượt xem
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ chính thức triển khai vào năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1 và triển khai ở tất cả các cấp học vào năm học 2024 - 2025. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, kỳ vọng sẽ đem đến sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Là một trong những tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về các điều kiện cần thiết song Thái Bình đã và đang quyết tâm, nỗ lực vượt khó để thực hiện chương trình GDPT mới đạt kết quả tốt nhất.

Lễ chào cờ của học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình).

KỲ 1: PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC MỞ, HIỆN ĐẠI

Trong những năm qua, chương trình GDPT hiện hành được đánh giá là nặng về lý thuyết và nhẹ về thực hành. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đổi mới, chương trình GDPT mới sẽ vừa kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình GDPT hiện hành, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình này. Những điểm cần khắc phục cũng chính là những khác biệt chủ yếu của chương trình mới so với chương trình hiện hành.

Sự kế thừa từ chương trình GDPT hiện hành


Chương trình GDPT hiện hành được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006. Ban hành kèm Quyết định này, chương trình GDPT bao gồm: chương trình GDPT, những vấn đề chung; chương trình GDPT cấp tiểu học, chương trình GDPT cấp THCS, chương trình GDPT cấp THPT; chương trình GDPT của 23 môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình hiện hành được đánh giá là một bước tiến so với các chương trình GDPT trước đó bởi sau 13 năm học thực hiện chương trình, sự nghiệp giáo dục đã có nhiều đổi mới như: giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ; học đi đôi với hành… Kết quả các kỳ thi quốc tế, khu vực, quốc gia… hay chất lượng nhiều trường đại học được xếp vào tốp đầu thế giới đã chứng tỏ tác động tích cực của chương trình GDPT hiện hành trong giáo dục học sinh những năm qua. Tuy nhiên, chương trình cũng bộc lộ những nhược điểm như: nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành; chưa đáp ứng yêu cầu mới về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; năng lực ngoại ngữ và tin học của học sinh... Bên cạnh đó, sự phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đặt ra yêu cầu không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Vì vậy, ngày 27/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32 về ban hành chương trình GDPT (gọi tắt là chương trình GDPT mới hoặc chương trình GDPT 2018). 


Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới, có nhiều điểm mà chương trình GDPT mới sẽ kế thừa từ chương trình GDPT hiện hành. Về mục tiêu giáo dục, chương trình GDPT mới tiếp tục được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu GDPT là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ. Về phương châm giáo dục, chương trình GDPT mới kế thừa các nguyên lý giáo dục nền tảng như: học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội. Về nội dung giáo dục, bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong chương trình GDPT mới chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ chương trình GDPT hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn. Về hệ thống môn học, trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là: Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT. Về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.

Sự khác biệt thể hiện phương pháp giáo dục mở, hiện đại


Nói về những khác biệt chủ yếu của chương trình GDPT mới so với chương trình GDPT hiện hành, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới cho biết: Chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực. Trong khi chương trình GDPT hiện hành có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh; việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay cả ở cấp THPT chưa được xác định rõ ràng thì chương trình GDPT mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình. Bên cạnh đó, chương trình GDPT mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. 


Theo đánh giá chung, chương trình GDPT mới là chương trình mở. Các địa phương, nhà trường và giáo viên có nhiều quyền và trách nhiệm hơn trong quá trình phát triển; triển khai chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của địa phương và cơ sở giáo dục. Năm học 2019 - 2020 được coi là khoảng thời gian “nước rút” để các trường chuẩn bị hệ điều kiện triển khai chương trình GDPT mới. Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục Thái Bình vẫn đang còn nhiều khó khăn cần sớm được giải quyết, đặc biệt là về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện Thái Bình là một trong những tỉnh thiếu nhiều giáo viên biên chế, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non và tiểu học. 


Trước những yêu cầu đặt ra, ngành Giáo dục Thái Bình đang có những lộ trình thực hiện cụ thể, hướng đi rõ ràng và kiên định, việc triển khai chương trình GDPT mới sẽ được thực hiện đồng bộ, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

(còn nữa)

Đặng Anh