Thứ 5, 28/11/2024, 20:45[GMT+7]

Kỳ vọng chương trình giáo dục phổ thông mới (Kỳ 4)

Thứ 4, 03/06/2020 | 09:43:29
2,493 lượt xem
Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh, đổi mới nào cũng tạo ra bước chuyển tích cực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới khi Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng xây dựng một thế hệ có năng lực, giàu phẩm chất, vì tương lai đất nước.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Minh Quang (Vũ Thư).

(Tiếp theo và hết)

Tâm thế vững vàng

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng theo hướng phát triển năng lực của người học. Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Từ khi Nghị quyết số 88 của Quốc hội ban hành ngày 28/11/2014 về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT ra đời, cấp tiểu học nói riêng đã tập trung đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo yêu cầu thực tế, đi trước một bước để tạo nền tảng vững chắc khi thực hiện chương trình GDPT mới. Các trường tiểu học xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, phù hợp với đối tượng học sinh, đồng thời từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Các trường tiểu học triển khai mô hình trường học mới toàn phần hoặc vận dụng việc dạy học mô hình trường học mới, tổ chức dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

 Cô giáo Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Theo tôi, quan trọng nhất đối với giáo viên là phải nhận thức sâu sắc tinh thần đổi mới của chương trình GDPT mới và sẵn sàng vào cuộc. Thực tế, hàng ngày chúng tôi đã thực hiện các kỹ thuật dạy học tích cực trong giờ học; đổi mới việc kiểm tra, đánh giá phù hợp với đổi mới phương pháp dạy học. Tôi tin khi bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình GDPT mới sẽ không bỡ ngỡ và chắc chắn làm tốt.

Hiện nay, các trường tiểu học đã hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 để triển khai dạy học trong năm học mới. Cô giáo Giang Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diêm Điền (Thái Thụy) cho biết: Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đã thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm ban giám hiệu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được lựa chọn. Tranh thủ những ngày học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Hội đồng đã tiến hành thẩm định 5 bộ sách giáo khoa mới là: Cùng học để phát triển năng lực; Kết nối tri thức với cuộc sống; Cánh diều; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; Chân trời sáng tạo. Việc tìm hiểu, nhận xét cũng đã được các thành viên trong Hội đồng thực hiện khá bài bản theo từng tổ nhóm và từng bộ môn khác nhau. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, nhà trường đã công khai danh sách sách giáo khoa được chọn, sau 5 ngày nhà trường không nhận được phản hồi của phụ huynh học sinh. Thực hiện theo đúng quy trình, trường đã tổng hợp gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đề xuất phương án lựa chọn. 

Theo cô giáo Giang Thị Lan Anh, giáo viên được chọn dạy lớp 1 theo chương trình GDPT mới đã có sự chuẩn bị nên chắc chắn sẽ không bỡ ngỡ; phòng học, thiết bị dạy học cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng; tất cả đã sẵn sàng vì sự đổi mới toàn ngành.

Kỳ vọng tương lai

Chương trình GDPT mới khi đi vào thực hiện sẽ đánh dấu sự đổi mới mang tính lịch sử và đột phá đối với ngành Giáo dục và Đào tạo. Những điểm mới của chương trình được nhận định sẽ khắc phục những hạn chế và bất cập hiện nay. Vai trò của nhà giáo sẽ được phát huy, học sinh không còn học thụ động mà chuyển hướng sang việc tự giác, tự tìm hiểu kiến thức, biết khai thác và tự hình thành những kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu bản thân và yêu cầu của xã hội. Với mục tiêu, ý nghĩa và định hướng cụ thể, chương trình GDPT mới đang tạo ra sự kỳ vọng hết sức mới mẻ không chỉ trong ngành Giáo dục mà còn với các bậc phụ huynh. 

Chị Nguyễn Minh Tâm, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Tháng 9 này con gái tôi sẽ bước vào lớp 1. Đây là năm học đầu tiên đối với con lại học theo chương trình GDPT mới nên lúc đầu tôi và gia đình khá lo lắng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về chương trình qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã chuyển từ lo lắng sang tâm trạng hồi hộp và hào hứng đón nhận sự đổi mới quan trọng này. Bởi theo tôi, ở mầm non, con đã quen với việc vừa học vừa chơi, đặc biệt con rất thích xem tranh, ảnh và nghe nhạc. Sau khi tham khảo một vài cuốn sách giáo khoa của chương trình mới, tôi thấy rất hấp dẫn. Hy vọng rằng chương trình mới sẽ giúp con tôi tự hình thành những kỹ năng quan trọng như: rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống và biết nhận thức những giá trị xung quanh mình.

Không chỉ hướng đến mục tiêu xây dựng thế hệ trẻ có năng lực, giàu phẩm chất, vì tương lai của đất nước, chương trình GDPT mới còn được kỳ vọng sẽ xây dựng đội ngũ nhà giáo có tâm và có tầm; đồng thời tạo nền tảng vững chắc về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là cơ sở cho những đổi mới tiếp theo của ngành Giáo dục. 

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Bình chia sẻ: Chất lượng GDPT trước hết phụ thuộc vào trình độ của đội ngũ giáo viên, càng ngày càng đòi hỏi trình độ giáo viên cao hơn, vấn đề này hiện nay chúng ta phải quan tâm. Đội ngũ giáo viên hiện nay nói về đạt chuẩn có thể vượt chuẩn rất cao, nhưng quan trọng còn ở phương pháp dạy học. Trước đây là truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thái độ theo cách tách rời. Nhưng hiện nay, yêu cầu phải dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực. Tôi cho rằng quan trọng nhất phải bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực thì mới đạt được yêu cầu. Cách dạy trước đây chưa rèn cho học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, thái độ, kỹ năng để thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực. Nếu chúng ta muốn xây dựng nền giáo dục theo hướng mở, theo chuẩn hóa thì cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học phải được chuẩn hóa và được hiện đại. Do đó, khi làm chương trình thì chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở phải làm song song, thậm chí phải làm trước.  

Với nhận thức đúng đắn, tinh thần quyết tâm cao cùng với lộ trình thực hiện, giải pháp cụ thể, tâm thế sẵn sàng của cả hệ thống chính trị, cán bộ, giáo viên và phụ huynh, Thái Bình đã sẵn sàng cho chương trình GDPT mới hướng tới mục tiêu cùng cả nước xây dựng thế hệ trẻ có năng lực, giàu phẩm chất.

Đặng Anh