Thứ 3, 06/08/2024, 11:10[GMT+7]

Trường cạnh tranh, thí sinh cũng cạnh tranh

Thứ 6, 17/08/2012 | 09:38:40
1,566 lượt xem
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT có thông báo về điểm sàn, nhiều trường ĐH-CĐ đã thông báo điểm trúng tuyển và kế hoạch báo tuyển thêm sau nguyện vọng (NV)1 để sớm thu hút thí sinh đạt tổng điểm từ điểm sàn trở lên với mục tiêu đảm bảo đủ chỉ tiêu đã đăng kí với Bộ GD&ĐT. Nhiều trường đã đưa ra mức sàn xét tuyển chỉ ngang điểm sàn của Bộ.

Cân nhắc khi đăng ký nguyện vọng

Cạnh tranh quyết liệt thu hút thí sinh

Năm nay, Bộ GD&ĐT đã có bước đổi mới quan trọng trong phương thức xét tuyển nhằm hạn chế tình trạng thí sinh điểm cao không tìm được chỗ học trong khi nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt là các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, xem ra cuộc cạnh tranh thu hút thí sinh giữa các trường công lập và ngoài công lập vẫn khá gay gắt. Điều dễ nhận thấy là, cùng với số lượng khá lớn trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển, nhiều trường có tổ chức thi cũng đã thông báo tuyển thêm với số lượng chỉ tiêu rất lớn tạo cơ hội cho thí sinh có tổng điểm từ sàn trở lên lựa chọn thoải mái ngành nghề ưa thích. Chẳng hạn như ĐH Đại Nam, có gần 1.000 hồ sơ đăng kí dự thi, với tỷ lệ đến thi khoảng 70% tương đương 700 thí sinh, trong khi chỉ tiêu hệ ĐH chính quy của trường này là 1.400 chỉ tiêu, như vậy trường sẽ xét tuyển trên dưới 1.000 chỉ tiêu ĐH và 300 chỉ tiêu CĐ với điểm xét tuyển các khối A, A1, C, D chỉ ngang điểm sàn. Trường Đại học Nguyễn Trãi cũng thông báo xét tuyển ĐH-CĐ hệ chính qui với tổng chỉ tiêu là 1.100, trong đó có khoảng 800 chỉ tiêu hệ ĐH. Điểm xét tuyển vào các ngành từ 13 điểm trở lên đối với ĐH và từ 10 điểm trở lên đối với hệ CĐ. Trường ĐH Hùng Vương - Phú Thọ, ĐH Vinh - Nghệ An cũng đã thông báo xét tuyển bổ sung, theo đó điểm xét tuyển một số ngành khối A, B, C, D1 cũng chỉ ngang điểm sàn. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường công lập cũng có mức điểm chuẩn xét tuyển khá hấp dẫn để thu hút thí sinh. ĐH Thuỷ lợi Hà Nội có mức điểm chuẩn NV1 tại cơ sở 2 (tại TP.HCM) khối A là 13 điểm, ngang điểm sàn. Đặc biệt, để “giữ chân” thí sinh, trường này còn thông báo, những thí sinh đủ điểm chuẩn vào trường theo khối thi nhưng không đủ điểm chuẩn vào ngành học đã đăng ký, được đăng ký sang học những ngành còn chỉ tiêu và cùng khối thi; những thí sinh đăng ký dự thi vào trường tại Cơ sở 1 không đủ điểm chuẩn nhưng đủ điểm chuẩn vào Cơ sở 2 - được đăng ký lại ngành học tại Cơ sở 2 của trường... ĐH Mỏ Địa chất cũng thông báo dành hàng trăm chỉ tiêu để tuyển nguyện vọng bổ sung với điểm trúng tuyển không cao hơn so với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1… Đó là còn chưa tính đến việc các trường ĐH giữ thí sinh bằng hệ CĐ của mình với lời hứa rất hấp dẫn là sau đó sẽ học liên thông lên hệ ĐH… Về thời gian xét tuyển, ông Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Phú Xuân - Huế cho rằng, thời gian xét tuyển kéo dài chỉ có lợi cho các trường ĐH công lập. Với mức điểm sàn năm nay, các trường ĐH ngoài công lập sẽ gặp khó khăn, thậm chí ít thí sinh vào học, hơn nữa năm nay không được vận dụng điều 33 để tuyển thí sinh thì lại càng ít thí sinh đăng ký hơn…

Thí sinh cũng phải cạnh tranh

Mặc dù năm nay có số lượng lớn thí sinh đạt tổng điểm 3 môn trên sàn nhưng không có nghĩa tất cả số thí sinh này sẽ trúng tuyển vào ĐH. Theo thống kê sơ bộ, với mức điểm sàn năm nay sẽ có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Số thí sinh đạt điểm sàn đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào các trường là gần 200.000 thí sinh, trong khi đó chỉ còn lại 73.800 chỉ tiêu. Như vậy, thí sinh sẽ phải cạnh tranh khá quyết liệt trong xét tuyển. Cụ thể, khối A có 110.000 thí sinh trúng tuyển, còn 38.000 chỉ tiêu dành cho xét tuyển trong khi có tới 66.500 thí sinh đủ điểm xét tuyển. Khối A1 xét tuyển là 10.000 chỉ tiêu, có 11.500 thí sinh đủ điều kiện. Con số tương ứng của khối D1 là 15.000/43.500. Đặc biệt, khối B còn 5.800 chỉ tiêu xét nhưng số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển lên tới 60.000! Mặc dù các trường đưa ra mức điểm sàn xét tuyển rất hấp dẫn nhưng thực tế điểm trúng tuyển có thể cao hơn điểm sàn vì nếu có nhiều thí sinh cùng đăng kí xét tuyển vào một ngành, họ sẽ lựa chọn từ cao xuống thấp. Vì vậy, để nâng cao khả năng trúng tuyển, thí sinh cần lựa chọn kĩ ngành nghề sẽ đăng kí, đồng thời nên chọn mức điểm sàn xét tuyển thấp hơn tổng điểm của mình ít nhất từ 1 điểm trở lên. Thực tế, có khá nhiều thí sinh tuy đủ điểm sàn nhưng không đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH ngoài công lập mà học hệ CĐ của trường thí sinh đăng kí NV1, hoặc không đi học để chờ thi năm sau. Cùng không hiếm thí sinh có tổng điểm trên sàn nhưng ghi danh xét tuyển vào các ngành “hot” nên bị trượt và mất cơ hội đăng kí vào các trường khác khi thời gian đã hết… Vì vậy, để nâng cao khả năng trúng tuyển, thí sinh nên đăng ký vào ngành không thuộc nhóm ngành được ưa chuộng của trường.

Theo baovanhoa

  • Từ khóa