Thứ 2, 13/01/2025, 18:53[GMT+7]

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép năm học 2020 - 2021

Thứ 2, 07/09/2020 | 09:40:11
2,723 lượt xem
Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1. Đây cũng là năm học được đánh giá sẽ có nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Bởi vậy, ngành Giáo dục Thái Bình đã có những chuẩn bị cả về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và các phương án để vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên.

Đọc sách là hoạt động hàng ngày của học sinh Trường Tiểu học Trần Lãm (thành phố Thái Bình).

Nhân dịp khai giảng năm học mới, phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, năm học vừa qua ngành Giáo dục Thái Bình đã đạt được những kết quả nổi bật gì? Những điểm mạnh của ngành trong một năm học chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19?

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Năm học 2019 - 2020 là năm học đặc biệt vì phải đối phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong học kỳ II có thời gian trẻ em mầm non, học sinh phổ thông phải nghỉ học ở trường, giáo viên thực hiện kết hợp nhiều hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến một cách linh hoạt... Mặc dù vậy, cùng với ngành Giáo dục cả nước, đến thời điểm này ngành Giáo dục Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, chuẩn bị chu đáo cho khai giảng năm học 2020 - 2021. Theo đó, ngành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Đã chủ động, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn các cơ sở giáo dục các phương án chỉ đạo tổ chức hoạt động dạy và học, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường bảo đảm theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, bảo đảm đủ thời lượng cho các môn học, hoạt động giáo dục và kết thúc năm học theo đúng kế hoạch. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn trường học. Với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Đài PTTH Thái Bình, Báo Thái Bình thực hiện dạy học trên truyền hình với nội dung là các chuyên đề, chủ đề ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT năm 2020, dạy bài mới. Qua đó, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đã được nâng lên một bước. Điểm mạnh của ngành Giáo dục Thái Bình trong một năm học chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đó là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với học sinh, sẵn sàng thay đổi trước yêu cầu thực tế. Về chất lượng giáo dục, học sinh có hạnh kiểm xếp loại tốt, học lực giỏi tăng so với những năm học trước. Phổ điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 xếp thứ 11 trong cả nước (tăng 5 bậc so với năm 2019 và 8 bậc so với năm 2018).

Phóng viên: Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, ngành Giáo dục đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện hiệu quả chương trình này, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Đến thời điểm hiện tại, công tác lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn chương trình, tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 1 đã hoàn tất. Sách giáo khoa lớp 1 đã về đến các cơ sở giáo dục phục vụ năm học mới. Về kế hoạch giáo dục nhà trường và tổ chức dạy học lớp 1, Sở đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng tập trung vào các vấn đề cơ bản: các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định của chương trình; các môn học tự chọn; các hoạt động củng cố; các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh. Đồng thời, chủ động xác định nội dung, hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng cho các nội dung dạy học trên cơ sở thực hiện đầy đủ nội dung, thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực, chủ động tham mưu chính quyền địa phương quan tâm đầu tư để bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ để dạy các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định. Nói chung là các cơ sở giáo dục phải ưu tiên nguồn lực để thực hiện việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa lớp 1 tạo nền tảng để thực hiện ở lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022 và các năm học tiếp theo.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết phương hướng, nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp? Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về sự chuẩn bị của ngành để vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm học mới vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên, trước mắt là bảo đảm an toàn trong ngày khai giảng năm học mới?

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Ngành Giáo dục Thái Bình tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm học 2020 - 2021, cụ thể như sau: Thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển mạng lưới trường, lớp, trong đó quan tâm tới hệ thống trường, lớp ở khu đô thị, khu kinh tế, cụm công nghiệp; chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục mũi nhọn; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh. Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, cân nhắc việc lựa chọn môn tiếng Anh là môn thi bắt buộc tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý giáo dục. Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo.

Các nhóm giải pháp cơ bản gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới công tác tài chính; tăng cường xã hội hóa giáo dục. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

Đối với sự chuẩn bị của ngành để vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm học mới vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên, trước mắt là bảo đảm an toàn trong ngày khai giảng năm học mới, ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời phối hợp với ngành Y tế cụ thể hóa các văn bản của các cấp, các bộ, ngành để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.

Phóng viên: HĐND tỉnh vừa ban hành một số nghị quyết về lĩnh vực giáo dục, trong đó có nghị quyết điều chỉnh một số khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập. Ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện như thế nào để khắc phục tình trạng lạm thu tại một số cơ sở giáo dục như những năm học trước?

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Tài chính ban hành Hướng dẫn liên ngành số 901/HDLN-STC-SGDĐT, ngày 1/9/2020 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND, ngày 11/7/2020 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Bình và hướng dẫn các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập tỉnh Thái Bình từ năm học 2020 - 2021. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành văn bản số 902/SGDĐT-KHTC, ngày 1/9/2020 về việc hướng dẫn thực hiện công tác tài chính, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học năm học 2020 - 2021.
Để khắc phục tình trạng lạm thu trong các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra; kịp thời triển khai trong các hội nghị của ngành nắm được tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở với tinh thần: Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện nghiêm việc công khai các khoản thu, quản lý, sử dụng các khoản thu, huy động của người học và gia đình người học.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Đặng Anh (thực hiện)