Thứ 4, 22/05/2024, 02:12[GMT+7]

Về trường mang tên Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ

Thứ 6, 21/09/2012 | 10:02:43
3,514 lượt xem
Con đường đi không bằng phẳng, cộng với bản tính ít nói và thái độ khiêm nhường nên rất ít nhà báo có thể tiếp cận được với thầy Trần Ngọc Sáng. Vốn quen thân cả chục năm nay, vậy mà khi điện về làm việc, thầy vẫn nói cái giọng nhát gừng: Về chơi thăm nhau thì được, nhưng viết gì thì chưa. Chính cái lối nói lấp lửng ấy lại có sức hấp dẫn tôi, để rồi vào một cái buổi chiều đầu mùa thu, tôi đã về với thầy Hiệu trưởng Trần Ngọc Sáng, về với mái trường mang tên Trạng nguyên Phạm Ðôn Lễ.

Giờ lên lớp của học sinh trường THCS Lê Quý Ðôn xã Ðộc Lập (Hưng Hà). Ảnh: HIỀN TRÂM

Ngồi chưa ấm chỗ, thầy Sáng đã nói ngay với tôi rằng: “Hôm khai giảng năm học 2012 – 2013, nhà trường biểu thị quan điểm: Xây dựng thương hiệu nhà trường có môi trường học tập tốt, kỷ cương, thân thiện và chất lượng giáo dục cao để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển tài năng, tư duy sáng tạo”. Tôi bật hỏi thầy: Trước đây là Trường THCS Tân Lễ… sao bây giờ… Chưa kịp hỏi hết câu, thầy Sáng nói luôn: Ðây là ý tưởng của Chủ tịch Nguyễn Hồng Chuyên và chủ trương của Thường trực Huyện ủy Hưng Hà, sau đó đưa ra Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất: Ðể tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và phù hợp với nội dung cuộc vận động: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Ðào tạo phát động, từ năm 2010, tất cả các trường tiểu học, THCS ở địa phương nào gắn với tên của danh nhân văn hóa, danh nhân lịch sử ở địa phương đó, thay vì tên địa phương như cũ. Chẳng hạn ở Văn Cẩm thì mang tên Kỳ Ðồng; ở Ðộc Lập có trường Lê Quý Ðôn và ở Tân Lễ thì mang tên Phạm Ðôn Lễ. Việc nhà trường được mang tên mới đã kích thích sự tò mò của học sinh. Có em thông thạo hơn thì vào thư viện xem sách, hay mở mạng để tra cứu; em không có điều kiện thì hỏi ông, bà, cha mẹ… Hầu hết các em ở Trường THCS Phạm Ðôn Lễ đều cảm thấy tự hào về mái trường mình đang học và những hiểu biết về Trạng nguyên Phạm Ðôn Lễ đã là nguồn động lực thôi thúc các em rèn luyện, phấn đấu học tập thật giỏi để xứng đáng với truyền thống của mảnh đất, truyền thống của cha ông mình. Thầy Sáng kể cho tôi nghe đôi nét về Trạng nguyên Phạm Ðôn Lễ: Triều đình mở khoa thi chọn hiền tài, Phạm Ðôn Lễ lên kinh đô dự thi. Cả 3 lần thi Hương, thi Hội, thi Ðình thì Ðôn Lễ đều đỗ thủ khoa. Vua ngự ở Ðiện Kính Thiên, thảo ra văn sách hỏi về lý số, Phạm Ðôn Lễ trả lời trôi chảy, ứng đối lưu loát, văn phong khoáng đạt. Vua xét đỗ Tiến sĩ đệ cập. Sau khi đỗ được bổ dụng chức Hàn lâm thừa chỉ ở Viện Hàn lâm, sau thăng chức Tả Thị Lang hàm Thượng thư. Năm Hồng Ðức thứ 15 (1484) dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Minh, nhờ ứng đáp, được người Minh khâm phục. Trong thời gian đi sứ, ông để tâm quan sát cách thức dệt chiếu ở Trung Quốc. Khi về nước, xin vua cho mở mang nghề dệt chiếu ở quê, được nhân dân yêu mến gọi là Trạng Chiếu, khi chết được suy tôn là Phúc Thần. Dân làng Hải Triều nhớ ơn lập đền thờ, mở hội lễ tế rất linh đình. Ngôi đền thờ ấy dân làng gọi là “Ðền quan Trạng” để ghi nhớ, cảm phục vị Trạng nguyên, làm quan Tả Thị Lang, chức Thượng thư có công lao phát triển nghề chiếu nơi đây mà truyền mãi tới ngày nay.

Trở lại với nhiệm vụ năm học 2011 – 2012, thầy Sáng tâm sự: Cũng có việc chưa được vui, nhưng nhìn tổng thể thì vẫn là năm mà Trường THCS Phạm Ðôn Lễ hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra như: 19,77% học sinh xếp loại giỏi; 46,41% khá; 32% trung bình và 1,76% yếu. Về hạnh kiểm có 79,65% tốt; 18,16% khá; 2,19% trung bình. 160 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện; 100% tốt nghiệp THCS có 81,15% thi vào lớp 10 THPT, tăng 11,45% so với năm học 2010 – 2011. Có một giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, 19 giáo viên giỏi cấp huyện, trường. Chi bộ Ðảng đạt “Trong sạch vững mạnh”, các đoàn thể khác đạt vững mạnh. Có thể gói gọn trong mấy dòng sau: Năm học 2011 – 2012 Trường THCS Phạm Ðôn Lễ có chuyển biến rõ nét về kỷ cương, nền nếp trong các hoạt động giáo dục, chất lượng dạy và học được nâng cao. Ðặc biệt là chất lượng thi cuối kỳ, cuối năm và thi vào lớp 10 THPT.

Trao đổi về con đường đi sắp tới, nhất là các mục tiêu trước mắt của năm học 2012 – 2013, thầy Sáng nói khái quát về 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, có tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; sơ kết cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 08 của UBND huyện Hưng Hà về việc: “Tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục học sinh giỏi giai đoạn 2011 - 2015”. Phát huy những thành tích đã đạt được, nhà trường khẳng định mình bằng chất lượng giáo dục, trước hết là giáo dục đạo đức lối sống, chất lượng đại trà và chất lượng thi vào lớp 10. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn. Ðộng viên khuyến khích khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, thật sự là những người “Có tâm, có tầm”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao 5 tiêu chuẩn trường trung học đạt chuẩn Quốc gia.

Chia tay thầy Sáng trong buổi chiều nắng thu đã tắt. Tiếng trống tan học lại vang lên. Âm thanh ấy rộn rã trong nhịp bước của các em học sinh. Con đường đi phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống đoàn kết, lòng tự hào và cả tự trọng ở một mái trường mang tiếng thơm của Trạng nguyên, bậc hiền tài của đất nước, chúng tôi tin Trường THCS Phạm Ðôn Lễ sẽ làm được điều họ mong ước và xã hội kỳ vọng.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa