Thứ 4, 15/01/2025, 05:57[GMT+7]

Linh hoạt trong giảng dạy sách giáo khoa lớp 1

Thứ 2, 02/11/2020 | 09:40:44
7,296 lượt xem
Sau 2 tháng thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, trước những bất cập trong các bài học của Tiếng Việt 1, các nhà trường và giáo viên trên địa bàn tỉnh đã chủ động điều chỉnh, thay thế và linh hoạt giảng dạy nhằm đáp ứng hiệu quả hoạt động dạy và học.

Cô và trò Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình).

Là giáo viên nhiều năm dạy lớp 1, cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) cho biết: Năm học 2020 - 2021, hội đồng giáo dục nhà trường đã thống nhất chọn sách giáo khoa Tiếng Việt thuộc bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn. Thời gian đầu chúng tôi gặp chút khó khăn về dạy ngữ âm. Có những âm khó, chúng tôi phải dạy 2 - 3 tiết, tuy nhiên đến nay bắt đầu dạy sang phần vần thì nhẹ nhàng hơn nhiều. 

Lý giải về điều này, cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh vào lớp 1 phải nghỉ mấy tháng học nên việc nhận biết mặt chữ cũng chậm hơn so với mọi năm. Hơn nữa, những năm trước, học sinh tiểu học có khoảng 2 tuần trước khai giảng để làm quen với chương trình nhưng năm nay thì khai giảng và học luôn. Do đó, việc tiếp cận chương trình, sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 1 cũng hạn chế. 

Nhận xét về nội dung và cách trình bày sách giáo khoa mới năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung và nhiều giáo viên của Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo cho biết, sách giáo khoa được viết theo hướng mở, vì vậy giáo viên có thể linh hoạt trong sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu khác để hoàn thành các hoạt động của bài học một cách hiệu quả nhất.

Tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trung An (Vũ Thư).

Cô giáo Hà Thị Lân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo chia sẻ: Nếu trước đây, giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức, thì hiện nay, giáo dục được thay đổi theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh theo đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, khi dạy học trực tiếp cho học sinh, chúng tôi mới gặp một số khó khăn trong giảng dạy, nhất là đối với cuốn sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều. Đó là nội dung mỗi bài âm khá dài, nhiều ngữ liệu và yêu cầu được đưa vào 2 tiết học nên khó bảo đảm về mặt thời gian để hoàn thành bài học. Phần tập đọc đưa vào sớm với câu dài, nhiều học sinh chưa đọc trơn các từ ngữ ứng dụng nên đọc rất chậm và khó ghi nhớ hết nội dung bài trong mỗi tiết học. Để linh hoạt trong giảng dạy, chúng tôi đã họp riêng với giáo viên chủ nhiệm các lớp 1 trong trường và đưa ra một số giải pháp như đối với bài âm khó, dài, giáo viên có thể dạy sang 3 tiết, đối với những âm dễ thì giáo viên có thể dạy 1-2 tiết nhưng phải bảo đảm yêu cầu kiến thức cho học sinh. 

Theo cô giáo Hà Thị Lân, Hiệu trưởng nhà trường, đối với môn Tiếng Việt, một số đoạn, bài đọc chưa phù hợp với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163; một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà quà”, “chén”…, các cô giáo trong trường đã thống nhất sẽ giải thích sâu và rõ các từ này, phù hợp với lứa tuổi để học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, trước phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020. Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa cho phù hợp hơn. Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn, bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1. Bộ cũng yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong chương trình Ngữ văn (Tiếng Việt), căn cứ vào trình độ học sinh, căn cứ vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố yêu cầu các trường xây dựng chuyên đề dạy học, trên cơ sở vừa dạy vừa điều chỉnh… Đồng thời, tăng cường kiểm tra, nắm bắt thông tin phản ánh từ giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi thông tin và giải đáp kịp thời những kiến nghị nếu có về bất cập trong quá trình triển khai thực hiện sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1, bảo đảm chất lượng giáo dục từ lớp đầu cấp.

Đặng Anh