Thứ 6, 29/11/2024, 19:49[GMT+7]

11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có tên trong xếp hạng QS châu Á 2021

Thứ 5, 26/11/2020 | 15:37:03
2,131 lượt xem
Tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) vừa công bố kết quả xếp hạng đại học châu Á (QS AUR) năm 2021. Việt Nam góp mặt trong xếp hạng các đại học hàng đầu châu Á với 11 cơ sở giáo dục đại học.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lần đầu xuất hiện trong bảng xếp hạng của QS.

QS AUR 2021 xếp hạng cho 634 cơ sở giáo dục đại học thuộc châu Á, trong danh sách năm nay, có 93 cơ sở giáo dục đại học lần đầu tiên tham gia xếp hạng.

Trong bảng xếp hạng QS AUR 2021, Việt Nam có tên của các cơ sở giáo dục đại học: Trường Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG Hà Nội) vị trí 160,  Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) vị trí 158, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vị trí 163, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm 301-350, Trường Đại học Duy Tân trong nhóm 351-400, Trường Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế trong nhóm 401-500; Trường Đại học Cần Thơ trong nhóm 451-500; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong nhóm 551-600; Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh trong nhóm 601+.

Bảng xếp hạng đánh giá các cơ sở giáo dục đại học dựa trên 11 tiêu chí. Trong bảng xếp hạng QS AUR 2021, Singapore tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu  với hai cơ sở giáo dục: Đại học NUS (National University of Singapore - hạng 1 châu Á; hạng 11 thế giới) và NTU (Nanyang Technological University Singapore - hạng 3 châu Á; hạng 13 thế giới). Ngoài ra, trong khu vực Đông - Nam Á, Malaysia có nhiều cơ sở giáo dục đại học trong top 50 nhất với 5 cơ sở giáo dục. Sau Malaysia là Thái Lan với 21 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng (trong đó, hai cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 50), Philippines có 14 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng và Indonesia có 30 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng…

QS là bảng xếp hạng đại học danh tiếng của Tổ chức giáo dục QS (Quacquarelli Symonds - Vương quốc Anh).

Tổ chức giáo dục QS xếp hạng các đại học dựa trên 11 tiêu chí với trọng số khác nhau gồm: Danh tiếng về học thuật (30%); danh tiếng nhà tuyển dụng (20%); tỉ lệ giảng viên, sinh viên (10%); tỉ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%); chỉ số trích dẫn trên bài báo (10%); mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%); giảng viên quốc tế (2,5%); sinh viên quốc tế (2,5%); sinh viên học trao đổi nước ngoài (2,5%)...

Trọng số cao nhất mà QS đánh giá là danh tiếng học thuật.

QS tập hợp ý kiến của hơn 70.000 chuyên gia giáo dục đại học về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Đây là cuộc khảo sát học thuật lớn nhất thế giới về quy mô và phạm vi.


Theo nhandan.com.vn