Thứ 6, 17/05/2024, 12:30[GMT+7]

Băn khoăn dạy – học Tâm lý học

Thứ 5, 18/10/2012 | 15:27:46
1,429 lượt xem
Tâm lý học được coi là môn nghiệp vụ trong đào tạo giáo viên và một số ngành học có đối tượng tác nghiệp là con người. Ngay từ khi được đưa vào giảng dạy ở các trường đào tạo cán bộ của Việt Nam thì Tâm lý học được dạy trước hết trong trường sư phạm. Tuy nhiên, việc dạy và học môn học này trong các trường ĐH, CĐ hiện nay vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Tâm lý học trường học được coi là ngành học hấp dẫn. Ảnh: Chuyên viên tâm lý học đường

Chất lượng dạy học còn hạn chế

Để đánh giá thực trạng dạy học Tâm lý học, Khoa Tâm lý Giáo dục – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tiến hành khảo sát ý kiến của giảng viên và sinh viên về những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình dạy học. Theo khảo sát này, khó khăn lớn nhất của giảng viên gặp phải là chương trình môn học nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn (44,4%); tiếp theo là thiếu giáo trình tài liệu (40%). Một số khó khăn khác xoay quanh vấn đề chương trình môn học như: thời lượng môn học ít, không đủ trang bị kiến thức và hình thành kỹ năng ở sinh viên hoặc sinh viên chưa tích cực học tập.

Về phía sinh viên, theo kết quả khảo sát, có đến 65,8% cho rằng khả năng tìm kiếm thông tin liên quan đến môn học hạn chế; 64,7% phản ánh thiếu tài liệu, giáo trình cho môn học; 50% cho rằng nội dung môn học nặng về lý thuyết, ít thực hành nên khả năng vận dụng yếu. Sau đó là những hạn chế như: học nhiều nội dung nhưng không sâu, phân bố chương trình nặng, môn học chưa cập nhật,  phương pháp dạy của giảng viên chưa hấp dẫn, chưa phù hợp.
     
Chất lượng dạy học Tâm lý học nói chung còn yếu, trong đó đa số giảng viên dạy Tâm lý học chưa thật hấp dẫn, chưa có phương pháp dạy học phù hợp là ý kiến đánh giá của các chuyên gia về thực trạng dạy và học môn học này hiện nay. Nhiều giảng viên giảng dạy Tâm lý học thừa nhận, ngoài những khó khăn khách quan cũng phải kể đến việc bản thân người dạy còn thiếu vốn sống, trong khi môn học này quá trừu tượng, do giảng viên chưa thể nghiệm những điều mình dạy nên rất khó khăn trong việc làm cho bài dạy sinh động.

Theo PGS.TS Trần Quốc Thành - Khoa Tâm lý Giáo dục –Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trên thực tế, nhiều giảng viên còn yếu về phương pháp, ít chịu đọc thêm tài liệu do trình độ ngoại ngữ kém, không sử dụng được iternet nên ít thông tin. Một số giảng viên trẻ chưa có vốn sống thực tiễn nên dạy Tâm lý học rất khó hấp dẫn. Một số cơ sở đào tạo Tâm lý - Giáo dục thành lập sau chưa đủ cán bộ và thiếu nhiều cán bộ cốt cán nên chất lượng dạy học còn những hạn chế nhất định.

Cần phải đổi mới cả nội dung và phương pháp

PGS.TS Trần Quốc Thành cho rằng, để có một bước bứt phá trong việc nâng cao chất lượng dạy học Tâm lý học cần có sự mạnh dạn đổi mới nội dung môn học, không nên đi quá sâu vào các quan điểm lý luận mà cần quan tâm đến những kiến thức sát thực tiễn, có thể vận dụng trong dạy học và giáo dục nhiều nhất. Đặc biệt cần quan tâm đến việc hình thành các kỹ năng tìm hiểu tâm lý học sinh, cần trang bị cho sinh viên các phương pháp nghiên cứu tâm lý học sinh và kỹ năng vận dụng lý luận vào việc đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục...

Cũng theo PGS.TS Trần Quốc Thành, do yêu cầu có nhiều vốn sống, vốn kinh nghiệm trong khi thời gian dành cho môn học này rất hạn chế nên trong chương trình Tâm lý học cần mở rộng các kiến thức xã hội cho sinh viên để sinh viên có thêm hiểu biết về xã hội, huấn luyện các kỹ năng mềm, giảm thời lượng lý thuyết, dành thời gian cho các hoạt động thực hành, thực tế nhiều hơn nữa.

Như vậy, phương thức dạy học Tâm lý học phải được tổ chức một cách đặc biệt. Nghĩa là phải tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho các hoạt động học lý thuyết trên lớp nhằm tăng cường vốn sống và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho sinh viên; quan tâm nhiều hơn đến kỹ năng vận dụng cho sinh viên trong nghiên cứu và đưa kiến thức Tâm lý học vào thực tiễn dạy học và giáo dục; dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thực tiễn.

Về phía giảng viên, ngoài việc trang bị tri thức ở mức độ nhuần nhuyễn, có khả năng thể nghiệm tri thức đó, đồng thời phải có phương pháp giảng dạy sinh động, có thể cho sinh viên tranh luận, trao đổi và giảng viên không được áp đặt các tri thức đó. Sử dụng nhiều các tình huống xảy ra trong thực tiễn; thậm chí sử dụng ngay các tình huống sinh viên đã gặp để làm tư liệu giảng dạy bên cạnh các kiến thức lý luận thì bài giảng sẽ có sứ cuốn hút.

Theo giaoduc&thoidai

  • Từ khóa