Thứ 7, 18/05/2024, 07:56[GMT+7]

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông - Góc nhìn từ cơ sở

Thứ 2, 22/10/2012 | 08:02:14
1,491 lượt xem
Sau hơn 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, giáo dục phổ thông nói riêng, GD và ĐT nói chung đã giành đựơc nhiều thành tựu quan trọng cả về phát triển quy mô và chất lượng. Một trong các thành tích nổi bật đó là đội thi tuyển Olympic châu lục và thế giới hàng năm của chúng ta đều có huy chương vàng, bạc, năm sau cao hơn năm trước. Nhiều năm thành tích các đội tuyển Việt Nam đứng trong tốp 10 - 20 Quốc gia có vị trí cao nhất…Nhưng trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại ho

Ảnh minh họa

 Nói chung trong các bất cập có vấn đề về chất lượng giáo dục nguồn nhân lực là yếu tố mang tính hạt nhân trung tâm. Như chúng ta đã biết điều kiện để làm nên chất lượng của giáo dục bao gồm 6 yếu tố: Chương trình và sách giáo khoa; đội ngũ nhà giáo và phương pháp dạy học; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; chất lượng đầu vào của mỗi cấp học, lớp học; phương pháp quản lý; khả năng tài chính huy động cho giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng lượng, chúng ta phải cải cách cả 6 yếu tố này.

Về chương trình và sách giáo khoa: chúng tôi cho rằng hệ thống giáo dục phổ thông vẫn nên duy trì 12 năm học như hiện nay. Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đang duy trì hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm và một số quốc gia như Triều Tiên chẳng hạn đang tiến hành thay đổi hệ thống 11 năm thành 12 năm. Hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm vừa phù hợp xu thế thời đại vừa phù hợp với luật pháp của nước ta quy định về tuổi trưởng thành - tuổi thành niên là 18 cũng là lứa tuổi phù hợp với đa số thanh niên khi học xong chương trình trung học phổ thông. Gần đây có một số ý kiến đưa giáo dục phổ thông về 10 hoặc 11 năm. Trước khi tiến hành cải cách Giáo dục lần thứ ba bắt đầu từ năm 1979, giáo dục phổ thông của chúng ta đã duy trì là 11 năm bao gồm 1 năm vỡ lòng và 10 năm theo cấp lớp. Sau cải cách số môn và chương trình đều tăng lên. Nên chăng giáo dục phổ thông cần thay đổi theo mấy hướng sau:

Cần phải tiến hành giảm tải chương trình, bộ môn ở các cấp học, lớp học mạnh mẽ hơn nữa theo hướng nhẹ nhàng và có phân hoá. Cụ thể là câu hỏi bài tập trong phần hướng dẫn học bài hiện nay còn quá nặng nề. Ở cấp THPT chẳng hạn đối với môn Ngữ văn thời gian học ở nhà của học sinh trung bình là 3 tiếng/ngày nếu không học buổi 2 ở trường, các em chỉ học 1 môn này có lẽ chưa chắc đã hoàn thành được yêu cầu công việc. Trong khi các môn học khác như Toán, Vật lý, Hoá học, Ngoại ngữ…. cũng có lượng câu hỏi hướng dẫn tương tự !?.

Nên sớm thực hiện chương trình phổ cập THCS đối với toàn quốc. Học sinh PTCS được miễn học phí nếu cơ sở giáo dục PTCS không có điều kiện tổ chức học buổi 2. Đồng thời GDPTCS cũng phải có chương trình giáo dục nghề phổ thông để mỗi học sinh phải có được 1 nghề đạt trình độ sơ cấp chứ không học nghề mang tính hình thức như hiện nay. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và phân luồng để đảm bảo khoảng 70 % học sinh tốt nghiệp học tiếp lên chương trình THPT, số còn lại tham gia chương trình học nghề hoặc trực tiếp tham gia thị trường lao động phổ thông.

Ở cấp học THPT nên có 2 cấu trúc chương trình:

Thứ nhất là chương trình phân ban theo thiên hướng nghề nghiệp của học sinh tập trung nhiều hơn nữa về thời lượng cho 3 môn học Văn hoá và 1 môn ngoại ngữ theo hướng chuyên sâu chiếm khoảng 2/3 dung lượng chương trình. Các môn khác có thể bỏ hẳn hoặc chỉ chọn theo hướng giáo dục chuyên đề cùng với việc chú trọng giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, giáo dục phổ biến pháp luật, hoạt động ngoại khoá cho khoảng 1/3 dung lượng còn lại.

Thứ hai là chương trình cơ bản thực hiện các môn học hiện nay theo hướng giảm tải như đã đề cập trên đây chiếm khoảng 2/3 dung lượng chương trình. Thời gian còn lại khoảng 1/3 dung lượng sẽ tiến hanh cùng chương trình giáo dục giá trị, kỹ năng sống, phổ biến GD pháp luật và thực hiện chương trình giáo dục nghề phổ thông để mỗi học sinh có từ 1 đến 2 nghề tương đương trình độ sơ cấp nghề.

Cần có chính sách đầu tư về đội ngũ, về cơ sở vật chất từ nguồn ngân sách và từ xã hội hoá để xây dựng các cơ sở hoặc lớp học chất lượng cao ở cấp THPT. Trong đó ở PTCS thu hút khoảng 25% lượng học sinh, ở PTTH khoảng 30% lượng học sinh theo chương trình phân ban. Các lớp học hoặc cơ sở chất lương cao này căn cứ vào xét tuyển hoặc thi tuyển đầu vào của mỗi cấp học.

Và theo chúng tôi ở địa bàn nông thôn, miền núi mỗi huyện rất nên có từ 1 dến 2 trường THPT 2 cấp theo hướng xây dựng cơ sở giáo dục trọng điểm - chất lượng cao để tạo điều kiện thuận lợi về đi lại cho người học. Có chính sách, Quy chế xét tuyển hoặc thi tuyển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và học sinh vào công tác giảng dạy và học tập ở cở sở giáo dục chất lượng cao. Biên chế lớp học ở Cơ sở này không vượt quá 30 học sinh. Cơ sở giáo dục chất lương cao cần đựơc tổ chức học tập bán trú 9 - 11 buổi học / tuần trong đó Nhà nước hỗ trợ học phí 50%, 50% còn lại do gia đình học sinh đóng góp, riêng đối tượng chính sách, con hộ nghèo và cận nghèo thực hiện miễn giảm như hiện nay kể cả học phí buổi 2. Nhà nước cần cấp bù học phí cho đối tượng này.

Về quản lý dạy thêm, học thêm: Tăng cường quản lý và thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm. Tại các cơ sở GD chất lượng cao không tổ chức dạy thêm học thêm trừ trường hợp bồi dưỡng thi tuyển học sinh giỏi các cấp (Không thu học phí). Mặt khác muốn chấm dứt tình trạng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm cần xây dựng ngân hàng đề bài thi, đề bài kiểm tra các bộ môn theo lộ trình của năm học đối với từng môn và từng lớp học để cán bộ phụ trách chuyên môn cơ sở giáo dục có thể chủ động khai thác để tự kiểm định, kiểm kê chất lượng giáo dục từng bộ môn và từng nhà giáo trong cơ sở giáo dục.

Các bài kiểm tra hệ số 2 chỉ quy định từ 1 đến 2 bài tuỳ dung lượng của từng bộ môn và được tiến hành nghiêm túc như các kỳ thi. Giáo viên bộ môn sẽ chỉ còn chấm trực tiếp điểm vấn đáp và các bài kiểm tra hệ số1. Và tình trạng giáo viên ép học sinh học thêm hoặc tình trạng học sinh vì “Nể thày’’ mà phải miễn cưỡng đăng ký học thêm sẽ không còn tồn tại.

Trong các tiêu chí đánh giá chuẩn nghề nghiệp của cán bộ quản lý và giáo viên các cấp có đề cập tới uy tín đối với phụ huynh và học sinh trong khi chúng ta chưa có cơ chế, chưa có quy định để phụ huynh, học sinh có thể tham gia cho điểm hoặc bỏ phiếu đánh giá uy tín- tín nhiệm đối với cán bộ quản lý và giáo viên. Nên chăng đối với học sinh THPT nhất là ở PTTH cần thiết tổ chức cho đại diện “Đại cử tri” học sinh (khoảng 10%) tham gia bỏ phiếu tín nhiệm hoặc cho điểm uy tín đối với cán bộ quản lý, giáo viên cuối mỗi học kỳ dựa trên khoảng 10 tiêu chí  được xây dựng và điểm số tối đa là 100 điểm.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và khuyến khích tư duy sáng tạo của người học. Trong các hoạt động dạy học, người Thầy thực sự phải là người có khả năng tổ chức các hoạt động nhận thức theo hướng: nêu vấn đề, giao việc, gợi mở, định hướng, tổ chức các hoạt động để người học lĩnh hội, chiếm lĩnh tri thức. Học sinh cần tập làm quen với những tình huống giả định và tư duy phản biện trong hoạt động nhận thức, đồng thời nhà trường cần tăng cường hướng dẫn tự học, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học trong quá trình học tập của học sinh.

Thực hiện phân phối thu nhập theo chất lượng nguồn nhân lực. Sau mỗi học kỳ, nhà trường có các chỉ số về chất lượng từng giáo viên được kiểm định, kiểm kê về sự tiến bộ - trưởng thành của học sinh đối với từng môn học, cộng với kết quả đánh giá cho điểm từng năm về chuẩn giáo viên trung học, chuẩn cán bộ quản lý trường học và chỉ số điểm tín nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên đối với học sinh.

Nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho chi thường xuyên và phần đóng góp học phí học buổi 2 của người học sẽ chi trả theo chất lượng công việc của từng vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục. Đồng thời với cơ chế ưu đãi về chế độ lương bổng cho Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sao cho đủ sức thu hút học sinh khá- giỏi thi tuyển vào học ngành Sư phạm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây, tin chắc chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên, nguồn lực giáo dục sẽ được giải phóng giống như khoán 10 trong nông nghiệp, nhất đinh giáo dục phổ thông sẽ có bước chuyển biến tích cực phục vụ cho Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Theo giaoduc&thoidai

  • Từ khóa