Thứ 6, 29/11/2024, 22:45[GMT+7]

Giáo dục STEM: Rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn

Thứ 4, 23/12/2020 | 08:44:27
5,525 lượt xem
Ứng dụng khoa học công nghệ trong dạy học đang là một trong những mục tiêu hàng đầu của ngành Giáo dục Thái Bình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt, với việc đưa phương pháp giáo dục STEM vào các trường học, học sinh có cơ hội thực hành và tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, từ đó có tư duy phản biện, kỹ năng làm việc theo nhóm và kỹ năng quản lý thời gian.

Câu lạc bộ STEM của Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy).

Thái Thụy là huyện đi đầu trong việc triển khai và nhân rộng phương pháp giáo dục STEM trong các trường học. Đến nay, tất cả các trường tiểu học, THCS và trường liên cấp trong huyện đều có ít nhất một câu lạc bộ STEM hoạt động 1 buổi/tuần, mỗi câu lạc bộ có từ 20 - 30 học sinh tham gia trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Đặc biệt, ngành Giáo dục huyện đã xây dựng được bộ giáo án các tiết dạy sáng tạo khoa học kỹ thuật bao gồm 60 bài giảng để hướng dẫn học sinh trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ. 

Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy) là một trong những trường tiên phong trong việc triển khai giáo dục STEM. Những năm qua, nhà trường luôn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chọn làm điểm tổ chức chuyên đề giáo dục STEM cấp huyện. Gần đây nhất, qua tiết dạy minh họa “Giải pháp nhà ở cho người dân ở vùng thường xuyên bị lũ lụt” của cô giáo Nguyễn Thị Thương cùng với học sinh lớp 9A2 đã cho thấy khả năng tư duy và các ý tưởng sáng tạo. Dựa trên kiến thức đã học, các nhóm đã đưa ra nhiều giải pháp tốt để người dân có thể áp dụng làm nhà “sống chung với lũ” để bảo đảm cuộc sống và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Phần phản biện của các nhóm diễn ra sôi nổi với các bản thiết kế để hoàn thiện ý tưởng được các thầy cô giáo tham dự đánh giá cao.

Cô giáo Trịnh Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh chia sẻ: Ngay từ đầu các năm học, câu lạc bộ STEM của trường được thành lập. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các nhóm học sinh trong câu lạc bộ đều có những ý tưởng sáng tạo để có sản phẩm STEM, những dự án khoa học kỹ thuật về các lĩnh vực: y sinh và sức khỏe đời sống, khoa học trái đất và môi trường, năng lượng vật lý, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật môi trường, rô bốt và máy thông minh... Với tư duy sáng tạo, vận dụng kiến thức trong sách vào các sản phẩm khoa học gắn liền với thực  tế, các em đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú về thể loại như: mô hình chạy được tàu thủy lực, ca-nô điều khiển từ xa, rô bốt quét nhà, thùng rác phân loại, máy phun thuốc trừ sâu, máy tra hạt, máy tưới nước tự động, đèn bắt muỗi... Có nhiều vật liệu tưởng chừng như không còn giá trị trong đời sống nhưng với sự sáng tạo và niềm đam mê nghiên cứu khoa học, công nghệ của học sinh đã trở thành những sản phẩm ấn tượng và thiết thực như máy lọc nước sạch trong gia đình, máy hút rác, máy báo trộm... 

Theo cô giáo Trịnh Thị Hiền, sáng tạo khoa học kỹ thuật ở trường nhiều năm qua thực sự là sân chơi trí tuệ và bổ ích nhằm thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, định hướng học sinh biết ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn đời sống. Qua đó, các em có dịp thể hiện nhiều ý tưởng sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

Từ cách triển khai thực hiện và hiệu quả phương pháp giáo dục STEM của Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, nhiều trường học trong và ngoài huyện Thái Thụy đã tích cực nhân rộng phương pháp này. 

Tại chuyên đề dạy học STEM “Làm đèn kéo quân theo mô hình lăng trụ đều” của học sinh lớp 9A, Trường THCS thị trấn Vũ Thư, các em được tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Từ những vật liệu thông thường như gỗ, nhựa, bìa, trục, giấy, nến, băng dính... kết hợp với kiến thức đã học của các môn: Toán, Vật lý, Công nghệ, Mỹ thuật, các em đã chế tạo thành công chiếc đèn kéo quân hình lăng trụ đều. 

Theo cô giáo Đoàn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vũ Thư, với mong muốn tìm ra phương pháp giảng dạy mới, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, nhà trường đã đưa giáo dục STEM đến với học sinh bằng cách kết hợp giảng dạy STEM trong các tiết học, khuyến khích giáo viên tham gia để nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo hứng thú và cảm hứng cho học sinh sáng tạo. Qua các sản phẩm STEM cho thấy học sinh đã biết vận dụng kiến thức đã học vào giải thích, thiết kế, lắp đặt những sản phẩm đa phần đều có tính ứng dụng trong thực tiễn.

Có thể nói, việc từng bước đưa phương pháp giáo dục STEM vào trường học đã mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, khuyến khích phát huy năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh. Giáo dục STEM là phương pháp mới phù hợp với việc tiếp cận và triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đặng Anh