Thứ 7, 18/05/2024, 03:26[GMT+7]

Có nên ép con học?

Thứ 5, 25/10/2012 | 15:19:36
1,504 lượt xem
Xã hội ngày càng phát triển cùng với sự chăm lo mọi mặt cho con cái, các bậc phụ huynh cũng đặt nhiều kỳ vọng hơn vào con em mình. Nhưng cách mà nhiều cha mẹ ép con ngồi học thật nhiều cũng không phải là việc làm tốt nhất.

Kết quả học tập của trẻ em không chỉ phụ thuộc vào môi trường giáo dục mà liên quan nhiều đến sự đầu tư của các bậc phụ huynh để giúp trẻ có thể phát triển một cách vững chắc. Một thực tế hiện nay đang diễn ra đó là nhiều gia đình chỉ có một hoặc hai con nên việc quan tâm đến con cái là điều tất yếu. Nhưng một số phụ huynh chưa hiểu rõ nếu cha mẹ quá dành thời gian chăm sóc và giúp con làm mọi việc sẽ ảnh hưởng xấu đến việc tự giác của con cái.

Chị Liên ở Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Do hiếm muộn mới có con đầu lòng lại là con trai nên cả hai vợ chồng chị đều quan tâm chiều chuộng con. Vì vậy ngay từ khi đi học cậu Nam con trai anh chị đều tỏ ra chểnh mảng việc học hành chỉ thích chơi điện tử. Nhiều lần chị phải gặp cô giáo và bị nhắc nhở về việc con không tập trung nghe giảng và ghi bài trên lớp. Vì vậy chị rất lo lắng.

Tranh thủ thời gian ở nhà bên cạnh việc thuê gia sư kèm con, anh chị đều thay nhau ngồi cạnh nhắc nhở con học bài. Nhưng xem ra hiệu quả cũng không tiến triển là mấy. Bởi ở nhà, cứ ngồi vào bàn học được hai ba phút là bé lại tìm cách làm việc riêng. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng con vẫn chứng nào tật đó...

Còn anh Hùng công tác tại Viện nghiên cứu Hóa học cũng luôn phàn nàn về sự thiếu tự giác của cậu con trai đã học lớp 5. Mỗi khi ăn cơm xong chỉ có chị dọn dẹp, cậu lại dán mắt vào ti vi xem phim hoạt hình. Anh chị phải nhắc nhở mãi cu cậu mới ngồi vào bàn học nhưng chỉ mang tính chất đối phó mà thường không tập trung.

Tâm sự của chị Liên và anh Hùng cũng là nỗi lòng của các bà mẹ có con trong độ tuổi mau ăn chóng lớn. Khi con trẻ không thể tiếp thu và ghi nhớ trọn vẹn các bài giảng trên lớp, bé sẽ không có khả năng xử lý tình huống hay giải quyết vấn đề tốt khi gặp các bài tập khó, dẫn đến thành tích học tập bị ảnh hưởng. Nhiều cha mẹ không biết làm gì hơn, ngoài việc đốc thúc, nhồi nhét, la mắng và ép con học... Những việc làm này không cải thiện thành tích của các bé mà chỉ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Khi con bước vào độ tuổi đến trường, nhiều ông bố bà mẹ lo lắng, quản lý khắt khe việc học nhằm giúp con đạt được thành tích tốt. Nhưng các bậc phụ huynh cũng cần biết rằng họ nên tạo cho con em mình một không gian và cách học tập thoải mái nhất. Trong quá trình học hỏi, trẻ cần được hướng vào việc tập trung, ghi nhớ xử lý tình huống hay giải quyết vấn đề.

Theo các chuyên gia tâm lý, trong 4 năm đầu đời của trẻ, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến mọi biểu hiện của con, ngay cả những biểu hiện bình thường nhất. Khi thấy bé ham chơi, thường xuyên lơ đãng và không chú tâm đến việc học, cha mẹ cần khuyên răn, giúp bé hiểu và tìm cách giải quyết vấn đề, tránh tạo áp lực ảnh hưởng đến tâm lý của bé”. Quá trình học hỏi của trẻ đi qua 3 bước: Sự tập trung, sự ghi nhớ và khả năng xử lý tình huống hay giải quyết vấn đề. Quá trình ấy có nhiều ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ nhỏ.

Để con có bước khởi đầu tốt nhất, bố mẹ cần là những người đầu tiên giúp bé hoàn thiện từng bước của quá trình học hỏi ngay từ khi bé còn nhỏ. Ngay từ khi trẻ chưa tới tới lớp, cha mẹ nên hướng cho bé biết học cách tự lập và dần biết chịu trách nhiệm về những hành động của mình và biết những gì được làm và không được làm.

Vào lúc 4, 5 tuổi là lúc tốt nhất giúp trẻ làm quen với sách vở qua những hình ảnh và những câu chuyện kể mang nội dung đơn giản đến phức tạp dần. Chính điều này khiến các em ham thích, gắn bó với việc học và coi đây như là những khám phá hấp dẫn gợi mở vào thế giới xung quanh. Cha mẹ nên là người bạn đồng hành lớn giúp trẻ giải đáp những khúc mắc và khuyến khích con em mình biết tự lập kế hoạch và thời gian biểu khoa học cho việc học tập. Khi trẻ đã tự thấy được động lực học tập và yêu thích khám phá các môn học thì cha mẹ không cần phải tạo áp lực đối với việc học hành của con.

Theo giaoduc&thoidai

 

  • Từ khóa