Thứ 7, 18/05/2024, 14:17[GMT+7]

Minh bạch các khoản thu - tạo lòng tin cho cha mẹ học sinh

Thứ 6, 22/01/2021 | 10:50:38
1,813 lượt xem
Học sinh toàn tỉnh vừa hoàn thành kỳ thi, đợt khảo sát chất lượng học kỳ I và bước vào học kỳ II năm học 2020 - 2021. Đây cũng là thời điểm nhiều gia đình gom góp để chuẩn bị đóng các khoản thu của học kỳ mới. Tạo hành lang pháp lý để những hoạt động thu, chi của nhà trường được minh bạch, đi vào nền nếp là chủ trương, hành động mà Thái Bình đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Tiết học trên lớp của học sinh Trường THCS thị trấn Vũ Thư.

Hành lang pháp lý cứng rắn
Thái Bình được biết đến là một trong những tỉnh thực hiện nghiêm các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập bởi UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy định rõ các khoản thu, mức thu, mức chi để tránh lạm thu trong trường học. Đây được coi là hành lang pháp lý cứng rắn đối với các nhà trường, đồng thời là cơ sở để phụ huynh học sinh giám sát các khoản đóng góp của con em mình. Ngay từ năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2814/QĐ-UBND về việc quy định các khoản thu, mức thu và quản lý, sử dụng trong các cơ sở giáo dục công lập. Quyết định số 2814 rất cần thiết trong việc chấn chỉnh công tác quản lý tài chính tại các trường học, tạo điều kiện chống lạm thu trong nhà trường, cho các nhà trường công khai hóa hoạt động thu góp tài chính và cho phụ huynh học sinh giám sát, đồng thời thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh về các khoản thu, mức thu thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện Quyết định số 2814, một số mức thu không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục. Vì vậy, sau khi kiểm tra thực tế, tập hợp, thống kê các đề xuất, kiến nghị của các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị UBND tỉnh cho phép bổ sung, điều chỉnh một số khoản thu trong Quyết định số 2814 Ngày 11/7/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16 về quy định mức học phí tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm học 2020 - 2021 và Nghị quyết số 17 quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo đó, với các khoản thu có quy định mức trần, cơ sở giáo dục được phép thỏa thuận với cha mẹ học sinh về việc thu các khoản thu và mức thu không vượt quá quy định. Với các khoản thu không quy định mức trần, HĐND tỉnh cho phép các cơ sở giáo dục được thỏa thuận với cha mẹ học sinh nhưng phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân trên từng địa bàn. Mức thu phải căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi; phải được thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và sự đồng ý của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nghị quyết số 16, số 17 chính là hành lang pháp lý cứng rắn đối với các nhà trường, tạo lòng tin với phụ huynh học sinh khi đóng góp cho con đi học.

Kiên quyết xử lý người đứng đầu nếu xảy ra lạm thu
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16, số 17, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình sẽ xử lý nghiêm thủ trưởng các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý trực tiếp nếu xảy ra lạm thu. Sau một học kỳ thực hiện các nghị quyết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhận được một số phản ánh của người dân về việc thực hiện các khoản thu của một số cơ sở giáo dục. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết các trường đã hiểu đúng và thực hiện nghiêm các khoản thu đã quy định. Tuy nhiên, một số khoản thu tăng so với những năm học trước như: tiền học phí, tiền học thêm thứ bảy, tiền coi xe... nhưng phụ huynh chưa nắm được nên đã có những phản ánh trên. Chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phải tích cực tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến phụ huynh học sinh những quy định mới về thu, chi để tạo lòng tin cho phụ huynh và nhân dân địa phương.

Nói về các khoản thu dễ xảy ra lạm thu, ông Vũ Minh Quyết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư cho biết: Có hai khoản thu ở nhà trường đó là dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục có mức trần và không có mức trần. Qua kiểm tra cho thấy, nhờ thực hiện nghiêm việc giám sát của chính quyền địa phương và ngành Giáo dục, hầu hết các trường đều thực hiện đúng quy định về thu, chi, đồng thời có văn bản thỏa thuận với phụ huynh học sinh về các khoản thu không quy định mức trần. Tuy nhiên, đầu năm học vừa qua, tại Trường Mầm non Vũ Tiến (Vũ Thư), một số giáo viên chủ nhiệm đã thực hiện thu một số khoản không đúng quy định khi không được nhà trường đồng ý. Chúng tôi đã yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh học sinh, đồng thời nhắc nhở nhà trường cần giám sát chặt chẽ hơn nữa việc thỏa thuận thu, chi giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh. Đồng quan điểm với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư, ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình cho biết: Trong học kỳ I, năm học 2020 - 2021, chúng tôi chưa phát hiện cơ sở giáo dục vi phạm các quy định về khoản thu. Tuy nhiên, nếu xảy ra lạm thu, thu không đúng quy định, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục.

Cô giáo Bùi Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân (thành phố Thái Bình) cho biết: Công khai, minh bạch các khoản thu là điều nhà trường đã thực hiện trong nhiều năm qua. Từ Quyết định số 2814 đến Nghị quyết số 16, số 17, nhà trường đều niêm yết công khai các khoản thu trên bảng thông tin của nhà trường ít nhất 2 tuần. Sau khi được phụ huynh thống nhất, chúng tôi mới thực hiện các khoản thu. Để tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh, nhà trường chia thành 2 giai đoạn thu, đó là đầu học kỳ I và đầu học kỳ II. Nhờ thực hiện nghiêm, nhiều năm qua, nhà trường không nhận được bất kỳ phản ánh nào của phụ huynh, tạo lòng tin cho nhân dân địa phương. Anh Mai Thế Huynh, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Trường THCS Phú Xuân luôn công khai các khoản thu tại bảng tin của nhà trường. Hơn nữa, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm còn giải thích chi tiết căn cứ của từng khoản thu nên chúng tôi rất yên tâm khi đóng góp cho con mình.

Có thể thấy, những năm gần đây, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao. Mặt khác, nhờ sự tuyên truyền tích cực của các nhà trường, phụ huynh học sinh đã hiểu rõ hơn những quy định về thu, chi. Đặc biệt, sự vào cuộc của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương trong giám sát việc thực hiện các khoản thu, chi đã hạn chế được tình trạng lạm thu của nhiều cơ sở giáo dục. Từ đó, tạo lòng tin cho cha mẹ học sinh và nhân dân trong tỉnh.

Đặng Anh