Thứ 5, 09/05/2024, 18:57[GMT+7]

60 năm "Trồng người"

Thứ 5, 08/11/2012 | 08:52:29
1,788 lượt xem
Trong 60 năm ấy, đã có hơn 7.000 học sinh tốt nghiệp ra trường, hơn 4.000 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Thầy và trò nhà trường luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần

Một buổi giao ban chuyên môn ở Trường THCS Thanh Nê

Nhiều giáo viên, học sinh đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, nhiều người khác trở thành anh hùng, giáo sư, tiến sĩ, giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan của Đảng, chính quyền từ T.Ư đến địa phương… Đó là đôi nét chấm phá về chặng đường xây dựng và trưởng thành của Trường THCS Thanh Nê (Kiến Xương) 6 thập kỷ qua.

Trước thềm lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1952 – 2012) và đón nhận Huân chương Độc lập hang Ba của Trường THCS Thanh Nê, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với một cựu học sinh của trường. Ông là Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Kiến Xương. Trong câu chuyện của mình, ông Tuấn, dù đã 75 tuổi, vẫn nhớ như in những ngày học tập, rèn luyện dưới mái trường thân yêu của mình. Ngày ấy, dù khó khăn, gian khổ bộn bề, có khi vừa học vừa phải sơ tán vì giặc vây ráp, càn quét song thầy vẫn hăng say giảng bài còn trò thì “ghi từng chữ, nuốt từng lời thầy giảng” để giải tỏa cơn “đói chữ” của mình. Ông Tuấn khẳng định, chính những điều đó đã hun đúc trong ông và các bạn tinh thần đoàn kết, ý chí vững vàng, luôn kiên định trong mọi công việc sau này. Trong ngày vui, ông bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn với các thầy, các cô đã tận tâm dìu dắt, dạy dỗ ông và các bạn nên người.

Trong hồi ức của ông Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hiệu trưởng nhà trường năm 1959 – 1960 về ngôi trường 60 năm tuổi này, những kỷ niệm không thể nào quên cứ chầm chậm hiện về như một cuốn phim. Ông kể về những ngày tháng ấy: “Gọi là trường cho oai chứ có nhà đâu, lớp học mở ở đình, chùa, nhà dân, lớp đầu cách lớp cuối có khi đến vài cây số. Giáo viên thì ở trọ và ăn cơm tại nhà dân, học sinh nhiều em nhà xa cũng phải trọ học”. Khó khăn là thế song thầy trò nhà trường đã cùng nhau phấn đấu vượt qua, giành được nhiều thành tích đáng tự hào trong học tập, rèn luyện. Ngay trong những năm đầu của phong trào thi đua “Hai tốt”, trường – khi ấy còn mang tên Trường cấp II Tán Thuật, đã được công nhận là trường tiên tiến của tỉnh, năm 1963 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ, phong trào thi đua “Hai tốt” vẫn được nhà trường duy trì và đẩy mạnh, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện – đặc biệt là chất lượng giáo dục trí dục và thể dục vệ sinh, giáo dục đạo đức. Hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học được coi trọng, gây được tiếng vang không chỉ trong tỉnh mà còn ra toàn miền Bắc. Năm 1967 nhà trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ hai. Tháng 3 năm 1968, Bộ Giáo dục và Đào tạo, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng cục Thể dục thể thao phát động trong toàn miền Bắc làm theo “5 tốt” của Trường cấp II Tán Thuật. Đó là: Công tác tổ chức quản lý tốt; Công tác vệ sinh phòng bệnh tốt; Hoạt động thể dục thể thao tốt; Tổ chức vui chơi giải trí tốt; Tự lực xây dựng cơ sở vật chất tốt.

Hòa bình lập lại, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, Trường THCS Thanh Nê tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống của một trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh. Năm 1987 nhà trường vinh dự được Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trong thời kỳ đổi mới, nhà trường đã có nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó chú trọng tăng cường giáo dục văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống.

Đồng thời, nhà trường là đơn vị luôn đi đầu trong việc đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt công tác giáo dục ngoài giờ lên lớp, trong giáo dục đã kết hợp chặt chẽ ba môi trường: nhà trường, gia đình và xã hội. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường không ngừng phấn đấu, rèn luyện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, phát huy tinh thần tận tụy vì học sinh thân yêu. Hiện nay 100% giáo viên của trường đã đạt chuẩn, có 57% trên chuẩn. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi, góp phần tích cực để thầy dạy tốt, trò học tốt. Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học cũng là mục tiêu mà nhà trường luôn hướng tới, như lời khẳng định của thầy giáo Hiệu trưởng Phạm Xuân Giang. Truyền thống vẻ vang 60 năm cùng phần thưởng cao quý Đảng, Nhà nước trao tặng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để thầy và trò Trường THCS Thanh Nê vững bước đi lên trong chặng đường sắp tới.

Bài, ảnh: MINH SƠN

  • Từ khóa