Thứ 5, 15/05/2025, 13:46[GMT+7]

Trường THPT Thái Ninh 50 năm - Lặng lẽ một sự nghiệp "trồng người"

Thứ 6, 09/11/2012 | 16:10:33
4,200 lượt xem
Kỷ niệm 50 năm thành lập là dịp để các thế hệ học sinh được gặp gỡ, để tất cả nhớ về cội nguồn, nhớ về mái trường đã nuôi dưỡng tâm hồn, trang bị cho mình kiến thức và tri thức để vững vàng bước vào đời; cũng là dịp để giáo dục truyền thống 50 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành của nhà trường cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau.

Lớp học sinh hôm nay của Trường THPT Thái Ninh. Ảnh: Phạm Thanh

Trước thềm kỷ niệm 50 năm thành lập, chúng tôi đã về với trường THPT Thái Ninh. Không khí chuẩn bị cho lễ kỷ niệm đã hiện hữu ngay từ cổng trường, với băng, cờ, khẩu hiệu và lộ rõ niềm vui trên gương mặt các thầy, cô giáo, các em học sinh. Không biết thế hệ học sinh hôm nay đang nghĩ gì về mái trường thân yêu của mình bước vào tuổi 50, với bề dày thành tích và truyền thống thật vẻ vang?

Như đọc được suy nghĩ của tôi, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Công Khiên nói rằng: Kỷ niệm 50 năm thành lập trường là dịp để các thế hệ học sinh được gặp gỡ, để tất cả nhớ về cội nguồn, nhớ về mái trường đã nuôi dưỡng tâm hồn, trang bị cho mình kiến thức và tri thức để vững vàng bước vào đời; cũng là dịp để giáo dục truyền thống 50 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành của nhà trường cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau.

Tiền thân là Trường cấp II – III Thái Ninh, qua 4 lần đổi tên để có Trường THPT Thái Ninh như bây giờ. Đứng chân trên vùng đất mặn mòi, cát cao của huyện Thái Thụy, nhà trường không có nhiều may mắn thuận lợi như các trường bạn. Ngay từ thuở “khai sinh, lập địa” nhà trường đã trải qua những tháng, ngày hết sức khó khăn: cơ sở vật chất nghèo nàn, các lớp học được dựng lên bằng tranh, tre, nứa, lá... Rồi chiến tranh phá hoại, phải sơ tán...nhưng “Đất nghèo nuôi chí anh hùng/Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên”. Chính sự gian khổ ấy đã rèn luyện nên một thế hệ nhà giáo và những lớp học sinh giàu tinh thần ham học, hun đúc trong họ khát vọng được học tập, được cống hiến.

50 năm, với 48 khóa, 18.866 học sinh đã tốt nghiệp ra trường, để lập thân, lập nghiệp và cầm súng lên đường chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó, 8.568 học sinh thi đỗ và tốt nghiệp  các trường Đại học. 115 người có học vị Tiến sĩ, 58 người trong số đó được phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đưa 5.239 người lên đường đánh giặc. 300 người được phong quân hàm Đại tá, cấp Tướng, từng chỉ huy nhiều trận đánh và dẫn đầu các cánh quân vào giải phóng Sài Gòn. Có nhiều người đã không trở về, một số để lại máu, thịt ở chiến trường. Hai người được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang là: Nguyễn Bá Lại - cựu học sinh khóa 2 và Phạm Văn Dẫn - cựu học sinh khóa 3.

Trong bảng vàng truyền thống của nhà trường, không chỉ lấp lánh những dòng tên khắc họa chân dung các anh hùng, liệt sĩ, các cựu chiến binh... mà còn vinh danh những tên tuổi của các cựu học sinh đang giữ những trọng trách lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Họ đã ra đi từ mái trường này, từ miền quê nghèo này. Có thể những phòng học xưa, những chiếc bàn, chiếc ghế họ từng ngồi học ba năm cấp III không còn nữa, dấu ấn về ngôi trường nghèo, với những thầy, cô giáo sống đạm bạc thì mãi mãi không bao giờ phai mờ trong tâm trí họ. Dẫu cho vết bụi thời gian đã 50 năm, nhưng cái tên Trường cấp III Thái Ninh xưa, nay là Trường THPT Thái Ninh thì luôn “khắc cốt ghi tâm” trong lòng mỗi cựu học sinh. Bây giờ, dù ở cương vị và danh vọng cao sang thế nào, thì mãi mãi họ vẫn là học trò trước những người thầy của mình, theo đúng cốt cách, đạo lý Việt Nam “Bán tự vi sư” (Nửa chữ cũng là thầy).

Các thế hệ nhà giáo và học sinh hôm nay, có hạnh phúc lớn là đã được thừa hưởng một “gia tài” truyền thống của các thế hệ thầy cô học sinh lớp trước; thụ hưởng một cơ ngơi khang trang, đẹp đẽ, đủ tiện nghi cho học tập, rèn luyện và hiện tại, trường có 36 phòng học, kiên cố với hệ thống thông gió, ánh sáng đạt tiêu chuẩn; trang bị đủ bàn, ghế học sinh, bảng chống lóa, phòng học chức năng, nhà hiệu bộ, phòng thí nghiệm, phòng học ngoại ngữ, tin học với 130 bộ máy vi tính, một thư viện...; đội ngũ thầy, cô được đào tạo cơ bản, giàu tâm huyết với nghề.

Chỉ tính 5 năm gần đây (2007 – 2012) chất lượng văn hóa của trường luôn được nâng cao bền vững; tỷ lệ khá, giỏi đạt 81 đến 88%; yếu giảm từ 0,5% xuống 0,2%. Đạo đức tốt, khá từ 88% lên 94%. Kết quả thi tốt nghiệp đạt 99,8% đến 100%. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường Đại học đạt bình quân trên 40%, nằm trong tốp 200 trường của cả nước có tỷ lệ đỗ cao (năm học 2011 – 2012 có 62,5% thi đỗ vào các trường Đại học). Liên tục giành giải Nhất, Nhì, Ba tại các Hội khỏe. Chất lượng giáo viên đạt chuẩn cao: 100%, có 2/85 đạt trên chuẩn. Năm nào nhà trường cũng tổ chức hội giảng và tham gia thao giảng với tỉnh. Đều đặn mỗi năm có 2 đến 3 giáo viên đạt giải cao của tỉnh; hai giáo viên tham gia đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh. Nhiều học sinh thi đỗ hai trường Đại học ở cả hai khối A, B; đoạt giải thưởng Hoa Trạng nguyên và Lý Tự Trọng.

5 năm qua, Nhà trường có 5 CSTĐ cấp tỉnh, 100 lượt CSTĐ cấp cơ sở, 168 lượt giáo viên giỏi các cấp, trong đó 32 giáo viên giỏi cấp tỉnh. 8 cán bộ giáo viên được Bộ Giáo dục – Đào tạo tặng Bằng khen, 5 người được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng. Một nhà trường có truyền thống đoàn kết, một Chi bộ  nhiều năm đạt “trong sạch, vững mạnh”.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đây là niềm vui lớn, cũng là trách nhiệm nặng nề mà các thế hệ nhà giáo và học sinh hôm nay phải cố gắng nhiều hơn nữa để giữ vững truyền thống, xứng đáng với niềm tin yêu của các cấp, các ngành, của nhân dân và các thế hệ học sinh.

Bài, ảnh: Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa