Thứ 7, 18/05/2024, 10:58[GMT+7]

Mùng 3 Tết thầy

Chủ nhật, 14/02/2021 | 17:59:17
6,396 lượt xem
Phong tục tập quán của người Việt, Tết chủ đạo gồm 3 ngày. Ngày mùng 3 Tết, các học trò thường đến chúc tết thầy cô giáo để bày tỏ sự biết ơn đối với thầy cô, cũng là để thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp đầu năm mới.

Từ câu chuyện nghĩa thầy trò...

Tết nào cũng vậy, với nhà ông bà giáo Anh ở thôn Cao Mộc, xã Đồng Tiến huyện Quỳnh Phụ thì mùng 3 là ngày đông khách nhất. Năm nay, ông giáo đã bước sang tuổi 85, bà giáo tuổi 84. Những cô cậu học trò đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, mái đầu cũng đã bạc trắng. Ông chia sẻ: năm nay, covid-19 nên các cô, các chú ấy đến rải rác từ mùng 1, mùng 2 Tết, nên hôm nay (mùng 3 Tết) không đông như mọi năm. 

Ông Phạm Công Sủng năm nay đã 72 tuổi, là học sinh của thầy giáo Anh từ năm 1965. Ông bảo: bao năm nay rồi, đám học trò chúng tôi dù địa vị ra sao, đều giữ được nếp truyền thống này. Câu chuyện muôn thủa là ôn lại những ngày cơ hàn, khó khăn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Ngày ấy lương giáo viên mỗi tháng 13 kg gạo. Thế nhưng chẳng mấy tháng là không bớt chút cho những trò nghèo. Chuyện đến đây, ông giáo nhìn tôi và mấy cô chú học trò rồi quay lại cầm tay bà giáo nói: tất cả một tay bà ấy quán xuyến lam lũ nuôi lợn gà và trồng cấy thêm. 

Trong số học trò được ông bà giáo giúp, có cô Vũ Thị Cam năm nay đã 71 tuổi,  ở xã An Tràng huyện Quỳnh Phụ. Cô Cam tâm sự: ngày đó đi học gian nan lắm, An Tràng cách chỗ học có 4 km nhưng đi bộ, rồi qua đò tới lớp cũng mất hơn tiếng đồng hồ. Vậy nên, có lúc gia đình túng bấn phải bỏ học đi làm phụ giúp gia đình, song thầy cô động viên nên quyết tâm học đến cùng. Quý thầy, trọng thầy lúc nào cũng lấy tấm gương thầy cô để phấn đấu, nên sau này cô Cam cũng theo nghề giáo và 2 cô con gái cũng thế. 

Cô Cam nói thêm, khó như nhà thầy cô giáo Anh có đến 6 người con, song đều được học hành tới nơi tới chốn, trong đó 5 cô con gái theo nghề sư phạm của bố mẹ. Ngày đấy, nghề giáo tuy nghèo song là nghề thiêng liêng, được xã hội tôn kính. Thế hệ học trò trước kia cũng khác nay nhiều. Trong gian khó đôi khi thầy cô giúp đỡ chỉ là cái bút, trang giấy song quý vô cùng. Ngày đó đâu có mạng, đâu có nhiều sách vở tham khảo như bây giờ, nên thầy luôn là hình mẫu của trò. Thầy đâu chỉ dạy chữ mà còn rèn luyện nếp sống, tư cách, đạo đức cho từng học trò của mình. Người thầy gắn bó với học trò, trò có nên người là do thầy. 

Ông Đỗ Quang Khính, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ học trò của thầy giáo Anh giãi bày: học thầy đến nay đã hơn nửa thế kỷ, từ lớp 6A rồi lên đến 7A của trường cấp II Đồng Tiến ngày đó hơn 40 học sinh, sau đó 1/3 số học sinh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Số còn lại ở xa thì khó, chứ quanh tỉnh thì cứ Tết đến Xuân về là tập hợp đến thăm thầy, vừa là tỏ lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu.  

... Đến cô giáo của những học trò đặc biệt

Điểm đến trong mùng 3 Tết năm nay đó là gia đình cô giáo Lã Hoài Thu ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình. Là thế hệ 7X nên học trò của cô Thu đều từ 8X, 9X. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 nên học trò nơi xa không về mà chỉ điện thoại hỏi thăm và chúc Tết. Nhìn dáng vẻ thoăn thoắt luôn chân luôn tay đảm đang mọi việc, gặp lần đầu không ai nghĩ cô Thu bị mù 2 mắt từ nhỏ. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn và tự ti của các em nhỏ khiếm thị nên sau khi học xong cô Thu trở thành giáo viên dạy chữ nổi và dạy năng khiếu âm nhạc. Vì hoàn cảnh gia đình, đã gần 20 năm cô Thu không còn đứng trên bục giảng, nhưng đám học trò thủa nào vẫn thường xuyên liên lạc. 

Chị Phạm Thị Thao nguyên là học sinh lớp 4 năng khiếu nhạc của Hội người mù tỉnh Thái Bình chia sẻ: không chỉ học trò của cô Thu, mà ngày ấy các bạn học sinh ở Hội người mù tỉnh đều yêu quý cô giáo Thu bởi sự gần gũi, sẻ chia, giúp đỡ mà cô dành cho mọi người. Sau này, khi cô Thu không dạy nữa nhưng tôi và các bạn vẫn liên lạc thường xuyên. Học ở cô không chỉ trên lớp mà chính tấm gương vượt khó, luôn tự tin và khẳng định bản thân của cô đã truyền cảm hứng cho chúng tôi. 

Buổi chiều mùng 3 Tết, ánh nắng vàng đủ dịu chiếu qua khung cửa, khiến tôi cảm nhận cô giáo Thu thật đẹp bên cành bích đào. Nét mặt rạng ngời, cô Thu kể lại những kỷ niệm, có lẽ niềm vui ấy, bầu nhiệt huyết của tấm lòng thơm thảo nơi chị “cho đi là còn mãi” đã hun đúc được tình cảm gắn bó của học trò. Chị bảo: vui lắm em ạ, có những trường hợp lúc đầu tiếp xúc tưởng phải đầu hàng số phận, nhưng chính sự kiên trì nhẫn nại của cả thầy và trò đã mang lại thành công. Trường hợp của em Trần Thị Kim Chuân ở huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế bị khiếm thị và thiểu năng trí tuệ sau khi tham gia lớp học hòa nhập đã theo học và tốt nghiệp Đại học Âm nhạc Huế. Hay gần đây nhất là cháu Nguyễn Thị Thu Hiền 20 tuổi ở phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình (cũng khiếm thị và thiểu năng trí tuệ nặng) đến nhờ cô giáo Thu giúp đỡ dạy dỗ từ cuối năm 2019, sau hơn 1 năm, nay đã biết giao tiếp cơ bản và bước đầu đã có thu nhập từ nghề tấm quất. 

Cô Thu cười bảo: Tết đến Xuân về, niềm hạnh phúc không phải là nhận từ các em cái gì, mà chính sự trưởng thành của các em đã thêm câu trả lời và khẳng định về vị trí của người khiếm thị trong xã hội. 

Tiếng chuông điện thoại gọi đến, cô Thu với nét mặt rạng rỡ: thiêng thật đấy, vừa nhắc tới là cháu Hiền gọi đến liền. Mùng 3 tết Tân Sửu 2021 trôi qua trong bầu không khí đầm ấm tình thầy trò như vậy.


Ông Đỗ Quang Khính, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ
 "Bán tự vi sư, nhất tự vi sư" (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Người thầy chính là người có công giáo dục cho mình nên phải đề cao người thầy. Mùng 3 Tết thầy, là nhắc nhớ truyền thống tôn sư trọng đạo.
Ông Phạm Văn Tiết, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ
Giờ tuổi đã cao, song còn sức khỏe là học trò chúng tôi đều tổ chức đầu Xuân năm mới đến chúc sức khỏe thầy cô. Thầy cô chính là sợi dây liên lạc gắn bó các trò nay đã “tuổi xưa nay hiếm”.
Chị Lã Hoài Thu, nguyên giáo viên Hội người mù tỉnh Thái Bình  
Học trò của tôi đều là học sinh khiếm thị hoàn cảnh thường khó khăn, nên mỗi bước đường đi đến thành công rất gian nan vất vả.Với tôi Tết đến, Xuân về được đoàn tụ với học sinh cũ, biết được sự trưởng thành của các em qua từng năm chính là lời chúc tốt đẹp nhất.


Kim Thoa