Chủ nhật, 12/01/2025, 18:39[GMT+7]

"Hoa thơm, trái ngọt" trên vùng đất mặn

Thứ 3, 13/11/2012 | 14:40:52
1,646 lượt xem
Năm học 2011 – 2012, giáo dục Thái Thụy tiếp tục khẳng định là đơn vị mạnh, đây là năm thứ 6 liên tục được Sở Giáo dục – Đào tạo xếp loại tốt và xếp thứ nhất, nhì tỉnh. Kết quả hôm nay là sự  kết tinh những cống hiến không mệt mỏi của bao thế hệ các thầy, cô giáo, các em học sinh trong suốt những năm qua; là kết tinh của truyền thống hiếu học trên quê hương Anh hùng.

Giờ thao giảng ở trường THCS Thụy Tân

Cơn bão số 8 vừa đi qua, để lại những mất mát lớn lao cho nhân dân huyện biển Thái Thụy. Cầu Diêm Điền “gãy” nhịp, chỉ hai ngày sau đã có đường, có phà cho nhân dân đôi bờ đi lại. Gác lại những bộn bề âu lo sau cơn bão, các thầy, cô giáo và học sinh ngành giáo dục Thái Thụy vừa khắc phục sự tàn phá của thiên tai, vừa chuẩn bị tâm thế cho ngày Nhà giáo Việt Namon>. Trước thềm kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (1982 – 2012) và Tổng kết 5 năm cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức,tự học và sang tạo”, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thái Thụy, Phạm Đức Phiệt vẫn giành cho chúng tôi khoảng thời gian hiếm hoi và thật sự quý giá lúc này để trao đổi kết quả của sự nghiệp “trồng người”. Bất giác, tôi liên tưởng đến hình ảnh: Hoa thơm, trái ngọt vẫn ngát thơm trên vùng đất mặn và trong gian khó giáo dục huyện ven biển vẫn phát triển bền vững và đạt nhiều thành tựu đáng tự hào.

Năm học 2011 – 2012, giáo dục Thái Thụy tiếp tục khẳng định là đơn vị mạnh. Đây là năm thứ 6 liên tục được Sở Giáo dục – Đào tạo Thái Bình xếp loại tốt và xếp thứ nhất, nhì tỉnh. Đó là khẳng định của Trưởng phòng GD – ĐT Phạm Đức Phiệt. Từ bức tranh tổng thể ấy, anh muốn tôi đi sâu tìm hiểu từng “mảng”, từng cấp học để có cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển bền vững của giáo dục Thái Thụy. Ngành học mầm non số cháu đến nhà trẻ và mẫu giáo đều tăng: Nhà trẻ đạt 76,3% (tăng 1,3%); mẫu giáo: 100% và là đơn vị huy động trẻ đến trường cao của tỉnh. Đã có 44/48 xã đạt phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. ở cấp tiểu học, do làm tốt công tác số lượng nên sĩ số luôn ổn định, không có học sinh bỏ học. Tỷ lệ phổ cập tiểu học đúng độ tuổi có chất lượng cao. 45/48 xã, thị trấn đạt phổ cập đúng độ tuổi mức 2. Quy mô cấp THCS ổn định, là đơn vị có số học sinh bỏ học thấp nhất tỉnh (một em), các tiêu chí phổ cập THCS đều đạt và vượt bình quân chung của tỉnh. Các trung tâm GDTX, Trung tâm học tập cộng đồng được củng cố, hoạt động có hiệu quả: Đã xóa mù cho 4 đối tượng, huy động và xét công nhận cho 4 học viên bổ túc tiểu học, xét và công nhận tốt nghiệp 81 học viên bổ túc THCS, vượt 62% kế hoạch. Có gần 32.000 lượt người học tại các Trung tâm học tập cộng đồng, đạt 119% kế hoạch.

Có được những con số nêu trên phải kể đến công sức, trí tuệ và cả mồ hôi, nước mắt của các thầy, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục đã ngày đêm lo sao cho chất lượng học tập của học sinh ngày một nâng cao. Để có kết quả ấy, nhiều nhà giáo cũng đã thể hiện năng lực, trình độ qua các cuộc thi, hội giảng do huyện, tỉnh và Bộ tổ chức. Riêng hội thi cấp cụm, cấp tiểu học có 52% số giáo viên tham gia; THCS có 57,7%. Có giáo viên được Sở GD – ĐT Thái Bình chọn cử đi thi cấp toàn quốc tại Đà Nẵng (cấp tiểu học). Tại hội thi giáo viên giỏi cấp THCS, toàn đoàn Thái Thụy đạt giải ba gồm: 1giải nhất (lịch sử), 1 giải nhì (sinh), 3 giải ba (ngữ văn, địa lý và giáo dục công dân)… Có rất nhiều tấm gương tiêu biểu như thầy Bùi Văn Bằng (Thụy Phong) nhất cụm, nhì tỉnh môn toán. Giáo viên trẻ Nguyễn Phương nam (THCS Nguyễn Đức Cảnh) lần đầu dự thi tỉnh đạt giải nhì môn sinh. Cô giáo Đinh Thị Ngoan (Thụy Lương) giải nhất môn lịch sử. Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh có 3 giáo viên dự hội thi cấp tỉnh.

Với học sinh, chưa bao giờ như bây giờ, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, ươm mầm tài năng trẻ được chăm chút nhiều như thế. Việc cho ra đời Phân hiệu chất lượng cao, rồi Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Huyện ủy, UBND huyện về bồi dưỡng nhân tài cho tương lai. Sự quan tâm ấy đã là động lực mạnh mẽ giúp toàn ngành giáo dục tập trung cho yêu cầu giáo dục mũi nhọn. Sau mỗi năm học nhìn lại thấy kết quả đạt được càng làm ấm lòng các thầy,cô giáo, các nhà quản lý giáo dục. Chỉ tính  năm học 2011 – 2012, rất nhiều HCV, HCB đã lấp lánh trên ngực các em học sinh: Giao lưu toán tuổi thơ cấp tỉnh có 10 học sinh tiểu học tham gia, cả 10 em đạt Huy chương vàng, toàn đoàn Thái Thụy đạt giải nhất tỉnh. 3 học sinh Thái Thụy, trong 6 học sinh của Thái Bình đi dự giao lưu toán tuổi thơ toàn quốc tại đất mùi Cà Mau đã giành thắng lợi: cả 3 em đạt giải. Em Tạ Bá Cát Tường (tiểu học Thụy Hải) giành HCV; Ngô Thị Thanh Hương (Tiểu học Thụy Hà) HCĐ và Vũ Trung Hiếu (tiểu học thị trấn) giải khuyến khích. Học sinh lớp 9 có 4 đội tuyển có giải: Địa lý, hóa học giải nhì; sinh học và tiếng Anh giải ba. 59/80 học sinh đạt giải cá nhân: 2 giải nhất, 10 giải nhì, 24 giải 3; 23 giải khuyến khích. Thi giải toán qua mạng cấp tỉnh, Thái Thụy có 24/32 học sinh tiểu học dự thi đạt giải THCS có 12 học sinh đạt giải, toàn đoàn xếp thứ 3. Em Bùi Thu Hà đạt Huy chương bạc cấp Quốc gia. Thi viết chữ đẹp cấp tỉnh, Thái Thụy đạt giải nhì toàn đoàn. 5 giáo viên dự thi đều đạt giải gồm: 3 giải nhất, 2 nhì. 25 học sinh có bài thi, 17 em giải nhất, 7 giải nhì, 1 giải ba. Trường tiểu học Thụy Thanh có 10 em dự thi, 7 em giải nhất, 3 giải nhì.

Không chỉ dành giải cao trong các cuộc thi văn hóa, các cuộc thi khác như: Hội khỏe Phù Đổng cũng là đơn vị giành thứ hạng cao: bóng đá tiểu học giành HCĐ, bóng đá THCS HCV; điền kinh giải ba, bóng rổ nữ: khuyến khích.

Với 48 xã, thị trấn, Thái Thụy là huyện có số đơn vị hành chính cao nhất tỉnh. Hoàn cảnh “con đông”, “cha mẹ nghèo” nên giáo dục Thái Thụy gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất. Với quan điểm: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai”, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chắt chiu, dành dụm từng đồng ngân sách để bố trí cho giáo dục đỡ khó khăn hơn. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện đã có 97/145 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, mầm non 21 trường (43,6%) có 4 trường đạt mức 2; tiểu học 48/48 trường, 7 trường mức 2; THCS 28 trường (58,33%).

Giáo dục Thái Thụy là đơn vị đi từ rất sớm việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy và quản lý. Phòng trao đổi thông tin với trường qua hộp thư điện tử tên miền riêng. Hoàn thành việc nâng cấp Website theo hướng phân quyền quản trị tới 100% các trường, cấp email tên miền riêng đến từng cán bộ, giáo viên. Hiện nay, 75% cán bộ giáo viên có máy tính riêng, 80% giáo viên biết soạn giáo án vi tính; 60% biết thiết kế giáo án trình chiếu và 42% biết thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E.Learning. Phòng tổ chức cho CBGV tham gia cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E.Learning do Bộ GD – ĐT tổ chức lần 2; tổ chức hội thi CNTT và trưng bày đồ dùng dạy học tự làm từ cấp trường, cụm và huyện. Phòng đã tranh thủ sự giúp đỡ của TS. Trần Đình Châu, Vụ trưởng, Giám đốc dự án giáo dục THCS II (Bộ GD – ĐT) trực tiếp tập huấn cho CBGV nội dung dạy học bằng bản đồ tư duy. Cục CNTT (Bộ GD- ĐT) tập huấn 3 lần cho CBGV nòng cốt: tiểu học, THCS về thiết kế bài giảng điện tử E.Learning.

Với những nỗ lực ấy có thể ví giáo dục Thái Thụy “gặt thành quả” trong giông bão. Nhiều vinh dự lớn đã đến từ cuộc hành trình đầy gian khó như thế: Năm học vừa qua, được ngành giáo dục Thái Bình xếp nhì tỉnh; tặng giấy khen cho 3 đơn vị dẫn đầu các ngành học, bậc học; 25 đơn vị đạt “Gương mẫu mọi mặt”, 99 đơn vị tập thể tiên tiến; 160 CSTĐ cấp cơ sở; 176 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 724 giỏi cấp huyện. 5 cá nhân, 7 tập thể được Bộ tặng bằng khen; 11 tập thể “lao động xuất sắc”, 7 CSTĐ cấp tỉnh. Chính phủ tặng Bằng khen cho 2 cá nhân, 3 tập thể.

Kết thúc bài viết này, xin được trích câu nói của trưởng phòng Phạm Đức Phiệt: “Kết quả hôm nay là sự  kết tinh những cống hiến không mệt mỏi của bao thế hệ các thầy, cô giáo, các em học sinh trong suốt những năm qua. Đó còn là kết tinh của truyền thống hiếu học trên quê hương Anh hùng”.

Bài, ảnh: Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa