Thứ 7, 30/11/2024, 06:45[GMT+7]

Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học

Thứ 6, 09/04/2021 | 08:35:53
7,564 lượt xem
Song song với các giờ học chính khóa trên lớp, giáo dục thể chất (GDTC) đóng vai trò quan trọng góp phần rèn luyện và đào tạo học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể lực. Vì vậy, thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môn học này.

Học sinh Trường THCS Liên Giang (Đông Hưng) tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của GDTC và thể thao trường học, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ đó giúp cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm trong việc phát triển GDTC và thể thao trường học. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho việc giảng dạy môn học này, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ GDTC và thể thao trường học. Hầu hết các trường đều có sân tập, sân chơi đáp ứng nhu cầu dạy và học. 

Một trong những hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục để thúc đẩy công tác GDTC đó là Hội khỏe Phù Đổng hàng năm. Theo đó, 100% trường tiểu học, THCS, THPT định kỳ hàng năm tổ chức các giải thi đấu thể thao, Hội khỏe Phù Đổng cấp trường và tham gia Hội khỏe Phù Đổng huyện, thành phố, cấp tỉnh. 

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị... đã nâng cao chất lượng các giải thi đấu thể thao, Hội khỏe Phù Đổng. Thông qua duy trì, củng cố và phát triển hệ thống thi đấu các giải thể thao, ngày hội thể thao kết hợp với sinh hoạt, giao lưu văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của học sinh đã góp phần phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo những học sinh có năng khiếu thể thao bổ sung cho lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Liên Giang (Đông Hưng) chia sẻ: Nếu như những tiết học trước đây, học sinh khởi động, tập vài động tác rồi thi lấy điểm, thì nay, bên cạnh dạy GDTC chính khóa theo quy định, nhà trường còn đẩy mạnh hoạt động của các đội, nhóm theo sở thích: bóng rổ, bóng chuyền; điền kinh... Đồng thời, tăng cường các hoạt động ngoài giờ, lồng ghép các môn thể thao như: kéo co, nhảy lò cò, chạy tiếp sức... Song song với đó, Công đoàn và Đoàn Thanh niên nhà trường phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn để học sinh, giáo viên có cơ hội phát huy tài năng. Các hoạt động này đã lôi cuốn học sinh vào các hoạt động tập thể để rèn luyện sức khỏe, phát huy sự nhanh nhẹn, tập trung, tinh thần đồng đội. Chất lượng các giải thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng của ngành Giáo dục từng bước được nâng lên, đặc biệt là môn chạy và nhảy xa. Từ đó khẳng định vai trò của hoạt động GDTC và phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong các nhà trường. Với việc đổi mới phương pháp dạy học môn GDTC, qua các giờ học rèn luyện thể chất, học sinh sẽ lấy lại cân bằng về thể lực và hình thành các kỹ năng cho bản thân. 

Em Nguyễn Văn Tuấn, Trường THCS Liên Giang chia sẻ: Ngoài các giờ học tập trên lớp, đến tiết học thể dục chính là lúc em được vận động thông qua các bài tập thể dục và chơi các môn thể thao mà mình yêu thích. Điều đó giúp em thoải mái hơn khi vào các tiết học tiếp theo.

Không chỉ cấp học phổ thông, ở cấp mầm non, các nhà trường đã tăng cường GDTC cho trẻ thông qua chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”. 

Trường Mầm non Hồng Tiến (Kiến Xương) là điểm sáng trong thực hiện chuyên đề này. Cô giáo Trần Thị Nhuần, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các hoạt động thể dục kỹ năng luôn được các cô giáo xây dựng phù hợp với chủ đề và độ tuổi của từng nhóm, lớp. Khi xây dựng kế hoạch có sự phân loại từng nhóm vận động như vận động tinh, vận động thô, nhóm trườn, trèo, bật, ném... được phân bố đều trong năm học. Nhằm tạo tính hợp lý nhưng cũng không kém phần phong phú hấp dẫn trẻ. Khu phát triển vận động gồm khu cho trẻ chơi với cát và nước, các trò chơi dân gian như câu cá, bắt cua, bắt ngao, bắt tôm, bắt cá, trò chơi bắt vịt, chơi đong đo nước, thả thuyền, chơi vật chìm, vật nổi, vật trôi được, vật không trôi được. Thông qua các hoạt động này, trẻ được trải nghiệm cảm giác của đôi chân khi đi trong nước và đi trên cát, sỏi, nền gạch. Ngoài ra, trẻ được tham gia các hoạt động như tập thể dục hàng ngày, giờ học thể dục kỹ năng. Qua đó giúp trẻ tính dẻo dai, bền bỉ, rèn sự khéo léo nhanh nhạy đồng thời giúp trẻ có tinh thần sảng khoái, khỏe mạnh.

Mặc dù GDTC mang lại hiệu quả to lớn nhưng hiện nay khó khăn lớn nhất đối với môn học này là thiếu địa điểm tập luyện, nhà đa năng, cơ sở vật chất xuống cấp. Để nâng cao chất lượng hoạt động GDTC, việc đầu tư xây dựng, tu sửa nhà đa năng cũng như tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học là việc làm cần thiết.

Đặng Anh