Thứ 5, 09/05/2024, 08:31[GMT+7]

Dạy thêm học thêm - Cần sự đồng thuận của phụ huynh

Thứ 6, 30/11/2012 | 10:48:35
1,474 lượt xem
Dạy thêm học thêm (DTHT) dường như là một căn bệnh khó chữa vì vậy gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên ngoài việc DTHT có vẻ là “tự nguyện” nhưng thực chất nhiều phụ huynh vẫn buộc lòng phải đăng ký cho con theo học vì nhiều lý do riêng.

Học sinh Tiểu học học 2 buổi/ngày đã đủ thời lượng để hoàn thành chương trình

Nguyên nhân dẫn đến việc DTTH

Tại các địa phương, đặc biệt  những thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh còn xảy ra vấn đề dạy và học thêm chưa thực hiện theo đúng quy định. Chị Hà có con học tiểu học tại Trường Tiểu học T. M (Hà Nội) cho biết mặc dù con chị hiện đang học lớp 1 nhưng vào học vài tuần chị đã được biết cô giáo có tổ chức dạy học thêm cho HS. Theo chị với kiến thức của HS lớp 1 còn khá đơn giản, với sự hướng dẫn của GV trên lớp cả 2 buổi/ ngày thì cha mẹ chỉ cần kèm thêm con ở nhà là đủ. Hơn nữa vào những ngày nghỉ cuối tuần dù muốn cho con nghỉ ngơi nhưng được cô gợi ý con phải học thêm để nắm vững các kiến thức trên lớp nên mặc dù không muốn nhưng cũng đành phải đăng ký cho con tham gia.

Anh Hùng ở quận Hai Bà Trưng cũng chia sẻ về việc cho con học thêm: Hiện nay nhu cầu cho con học lớp chọn và trường điểm là ước nguyện của nhiều phụ huynh vì vậy ngay từ lớp 2 ngoài buổi học chính khóa anh chị đều đăng ký cho con học thêm ở nhà cô. Hy vọng với những kiến thức được rèn rũa cháu sẽ thuận lợi hơn khi học ở những cấp học trên. Nhưng cũng có những bất cập là thời gian vui chơi của cháu bị hạn chế.

Thực tế, không chỉ ở Hà Nội mà tại các tỉnh lân cận như Hà Nam thì việc dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học cũng trở thành việc hết sức bình thường. Theo tìm hiểu trên địa bàn thành phố Phủ Lý, đặc biệt ở các trường được coi là điểm như Tiểu học MK, LKT… phần lớn phụ huynh đều gửi cô dạy kèm con vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Đối với cấp THPT tình trạng DTHT còn diễn ra với nhiều hình thức đa dạng. Ngoài việc dạy ở trường còn có hình thức dạy tổ chức theo nhóm với các mức thu khác nhau. Chị Lan ở Thanh Xuân cho biết hiện tại con chị học cấp 2 cháu vừa đăng ký học thêm ở trường cả hai hình thức đại trà và theo nhóm. Và vì chuẩn bị cho các kỳ thi vượt cấp nên chị lại phải đăng ký cho con học ở một trung tâm uy tín. Nghĩ đến việc cho con học thêm qúa nhiều chị cũng thấy ái ngại nhưng nếu không học ở trường chị lại sợ thầy cô không vừa lòng...

Sở dĩ diễn ra tình trạng dạy thêm học thêm ở các bậc học nói chung và ở bậc tiểu học nói riêng xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân về áp lực thành tích. Hiện nay nhiều trường đã lấy chỉ tiêu phấn đấu HSG cuối năm để giao cho các lớp và hơn nữa để được dự thi vào các trường chuyên, lớp chọn nhiều trường căn cứ vào danh hiệu HSG hàng năm của HS.

Bên cạnh đó thì vấn đề thu nhập của việc dạy học thêm cũng rất hấp dẫn. Thông thường một lớp học thêm tiểu học ở các thành phố khoảng 20HS, mỗi cháu đóng từ 35 đến 50 ngàn đồng như vậy mỗi buổi dạy trừ chi phí thu nhập của GV mỗi buổi là 600 đến 800, 900 ngàn đồng đó là chưa kể tới những lớp học đặc biệt trước mỗi kỳ thi chuyển cấp. Nguyên nhân đến từ phía phụ huynh, ngoài một số muốn khoán trắng cho cô giáo, ngại dạy con học thì hầu hết cho con đi học thêm đều vì sợ con bị thua thiệt bạn bè. Nếu tất cả HS cùng không học thêm, GV không dạy thêm thì "nhu cầu" học thêm kiểu như hiện nay sẽ biến mất. Trừ số ít HS giỏi cần được bồi dưỡng tài năng, HS kém phải phụ đạo thì đa số HS tiểu học ở Hà Nội không cần phải HT mới hoàn thành được chương trình học đó là nhận xét của các chuyên gia giáo dục.

Các cấp các ngành phải cùng vào cuộc

Theo quy định cũ, Hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm kiểm tra hoạt động DTHT trong, ngoài nhà trường của cán bộ, GV, nhân viên. Đây từng được coi là nhiệm vụ khó khăn đối với hiệu trưởng vì không thể kiểm soát việc dạy thêm ngoài nhà trường của vài chục giáo viên trong đơn vị. Nay, theo thông tư mới, trách nhiệm này được giao cho chính quyền địa phương. Cụ thể, UBND cấp huyện có trách nhiệm cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT hoặc ủy quyền cho phòng GD-ĐT theo quy định của UBND cấp tỉnh, đồng thời quản lý hoạt động DTHT trên địa bàn. Chính quyền địa phương cũng là nơi được giao trọng trách xử lý khi phát hiện sai phạm.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng GD Tiểu học sở GD&ĐT Hà Nội:  Trước đây, đưa vấn đề trông giữ HS ngoài giờ lên lớp vào quy định là xuất phát từ nhu cầu của không ít phụ huynh HS, cũng như do điều kiện của một số trường chưa tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Nay Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, một văn bản có tính quy phạm pháp luật cao về DTHT đã được ban hành, thì các địa phương có trách nhiệm phải tuân thủ nghiêm những điều đã được quy định…

Với địa bàn rộng, số lượng trường học, giáo viên và HS đông như Hà Nội thì việc triển khai bất kỳ quyết định quản lý nào cũng sẽ không đơn giản. Với vấn đề DTHT, ngoài các cấp quản lý, trách nhiệm của hiệu trưởng, nhận thức của GV, sự đồng thuận của phụ huynh và các lực lượng xã hội khác là rất quan trọng. Sở GD-ĐT sẽ có những giải pháp để cán bộ quản lý, giám hiệu các trường đến mỗi GV có nhận thức một cách đầy đủ, từ đó đồng lòng, nhất trí cùng quyết tâm "nói không" với DTHT.

Những người làm cha mẹ cần thấu hiểu một điều, đối với trẻ ở bậc TH, ngoài việc học chúng rất cần được tham gia các hoạt động vui chơi, giúp đỡ gia đình… để phát triển toàn diện và trong việc học thì tự học có vai trò quan trọng hơn rất nhiều. Giáo viên (GV) và phụ huynh HS cần phải nhận thức rõ rằng, đối với lứa tuổi HSTH, thời gian học và chơi cần phải được cân đối hài hòa, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi.

Hiện nay, 80% HSTH ở Hà Nội đã được học cả ngày ở trường, có nghĩa là các em đã học 7 tiết các môn văn hóa, mỗi môn trung bình 35 phút trong một ngày. Như vậy là đủ thời lượng để hoàn thành chương trình học được thiết kế cho HS cả nước, hầu hết chỉ học một buổi.

Như vậy để việc DTHT tuân thủ theo các nguyên tắc chung, đáp ứng nhu cầu của người học thì cần có sự hợp tác và đồng thuận của xã hội đặc biệt là của PH HS.

Theo giaoduc&thoidai

  • Từ khóa