Thứ 5, 16/01/2025, 15:56[GMT+7]

Mô hình công dân học tập thời kỳ 4.0

Thứ 2, 31/05/2021 | 09:00:32
5,499 lượt xem
Nếu như năm 2020, nhiều công dân tại xã Thanh Tân (Kiến Xương) chưa biết cách tiếp cận điện thoại thông minh, máy tính bảng hay các thiết bị điện tử thông minh khác thì đến nay, sau một thời gian ngắn thí điểm mô hình công dân học tập, rất nhiều công dân của xã đã sử dụng thành thạo các thiết bị này. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả mô hình công dân học tập mà Hội Khuyến học xã Thanh Tân đang triển khai thực hiện.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Thanh Tân (Kiến Xương) đọc sách tại thư viện xanh nhà trường.

Mỗi đảng viên là một công dân học tập

Đối với phong trào xây dựng xã hội học tập, đội ngũ đảng viên trên địa bàn xã Thanh Tân không chỉ thường xuyên tự học, tự rèn, nâng cao trình độ mà còn tích cực tuyên truyền, vận động con cháu trong gia đình, các tầng lớp nhân dân ở địa phương tham gia hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực. Với ý nghĩa đó, trong những năm vừa qua, cô giáo Phạm Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thanh Tân luôn tích cực giúp đỡ, chỉ bảo đồng nghiệp trong quá trình công tác; đồng thời, tích cực tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương. 

Cô giáo Phạm Thị Hạnh chia sẻ: Là một đơn vị được Hội Khuyến học xã chọn thí điểm xây dựng mô hình đơn vị học tập, mỗi cán bộ, giáo viên, nhất là đảng viên Trường Tiểu học và THCS Thanh Tân luôn phấn đấu để trở thành công dân học tập. Vì vậy, việc tự học suốt đời, sử dụng những công cụ tương tác hay xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội... là những năng lực mà mỗi đảng viên cần thực hiện hàng ngày để trở thành công dân học tập kiểu mẫu. Trong đó, kỹ năng đọc, cập nhật những thông tin và tri thức trên các phương tiện thông tin đại chúng rất quan trọng. Từ những kiến thức được học tập thường xuyên, việc tổ chức xây dựng các mối quan hệ trong gia đình cô giáo Phạm Thị Hạnh ngày càng được coi trọng, các thành viên ra sức học tập và rèn luyện, phấn đấu trở thành những công dân học tập.

Ông Phạm Quang Phúng, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thanh Tân cho biết: Nếu như những đảng viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, trường học thường xuyên, liên tục học tập những tri thức liên quan đến lĩnh vực mà bản thân mình phụ trách thì những đảng viên trong độ tuổi lao động ở địa phương lại tích cực học tập để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Bởi vậy, Hội Khuyến học xã đã xây dựng 4 tổ chuyên môn để luân phiên tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng bao gồm: chính trị và pháp luật, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội và văn hóa cơ bản. Thực tế cho thấy, những năm qua, đặc biệt là trong thời gian thí điểm thực hiện mô hình công dân học tập, số lượng người dân tham gia các buổi tập huấn tại Trung tâm Học tập cộng đồng xã tăng lên đáng kể so với trước. 

Ông Phạm Quang Phúng cho biết thêm: Trong các buổi tập huấn, bồi dưỡng tại các Trung tâm Học tập cộng đồng, 100% đảng viên của xã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc vận động con cháu đến học các nội dung phù hợp với bản thân và công việc hiện tại. Điều này thể hiện sự gương mẫu, trách nhiệm của đảng viên trong học tập để góp phần thực hiện hiệu quả mô hình công dân học tập tại địa phương.

Từ công dân học tập  đến công dân số

Từ ngày con trai lên lớp 7, anh Trần Ngọc Đương, thôn An Cơ Bắc, xã Thanh Tân đã quyết định mua cho con một chiếc máy tính xách tay để phục vụ việc học. Đối với anh, đây là một quyết định đúng đắn bởi việc sử dụng thành thạo công nghệ thông tin là một trong những nền tảng rất quan trọng trong thời đại công nghệ số. 

Anh Trần Ngọc Đương chia sẻ: Trước đây, vợ chồng tôi cũng chỉ biết sử dụng các tính năng trên chiếc điện thoại thông minh. Sau khi mua máy tính cho con, khi cả nhà rảnh rỗi, con dạy chúng tôi cách sử dụng máy tính. Dần dần, tôi học được cách tiếp nhận tin tức trên máy tính, cách đánh văn bản và trao đổi thông tin. Để so sánh sự khác nhau giữa các tháng, tôi thường đối chiếu và tự đánh giá dựa trên bảng các tiêu chí khung và chỉ số đánh giá mô hình công dân học tập. Qua đó tôi thấy sự thay đổi rõ nét về các tiêu chí của các thành viên trong gia đình.

Khác với gia đình anh Trần Ngọc Đương, gia đình ông Vũ Đình Kiệm và bà Nguyễn Thị Mười, thôn An Cơ Bắc, xã Thanh Tân được mọi người biết đến bởi sự hòa thuận, đoàn kết của một đại gia đình có 4 thế hệ cùng sinh sống. Đây là điều kiện thuận lợi để các thành viên trong gia đình học tập thường xuyên, học tập suốt đời. 

Ông Vũ Đình Kiệm chia sẻ: Vợ chồng tôi cao tuổi rồi nên khó tiếp cận với máy tính, vì vậy chúng tôi thường xuyên cập nhật tin tức trên ti vi để trong bữa cơm gia đình tôi phổ biến lại cho con cháu cách giữ gìn mối quan hệ, cách đối nhân xử thế. Ngược lại, con cháu biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh thì lại cung cấp cho chúng tôi những thông tin nhanh nhất, điển hình như diễn biến của dịch Covid-19, các biện pháp phòng, chống dịch... Nhờ đó, gia đình tôi lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, hòa thuận và đoàn kết.

Bà Trần Thị Nảy, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học thôn An Cơ Bắc, xã Thanh Tân cho biết: Gia đình anh Trần Ngọc Đương hay gia đình ông Vũ Đình Kiệm là 2 trong 4 gia đình đang thực hiện thí điểm mô hình công dân học tập trên địa bàn thôn. 2 gia đình còn lại chúng tôi lựa chọn 1 gia đình là nông dân và 1 gia đình là giáo viên. Điều này cho thấy sự công bằng, khách quan khi thực hiện và đánh giá các tiêu chí của mô hình công dân học tập. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của mô hình trong các tầng lớp nhân dân nên nhận thức về việc học trong các gia đình đã tăng lên. Cán bộ và người dân quan tâm hơn đến việc học tập của con em, đẩy mạnh việc học tập suốt đời. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng tự nguyện tham gia đọc sách, báo để tìm kiếm thông tin, trau dồi kiến thức hoặc sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh để cập nhật, khai thác thông tin trong nước và quốc tế.

Tháng 6 tới đây, Hội Khuyến học tỉnh sẽ tiến hành nghiệm thu việc thực hiện thí điểm xây dựng mô hình công dân học tập trên địa bàn xã Thanh Tân. Với những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, mô hình công dân học tập sẽ sớm được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Đặng Anh

Tác phẩm tham dự cuộc thi “Báo chí viết về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập” năm 2021.