Thứ 7, 30/11/2024, 03:56[GMT+7]

Mô hình mới - Tín hiệu vui

Thứ 2, 02/08/2021 | 09:16:56
2,860 lượt xem
Phát huy những kết quả đạt được trong việc triển khai các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, đầu năm 2021, Hội Khuyến học tỉnh lựa chọn đa dạng các cá nhân, tập thể thực hiện thí điểm xây dựng mô hình công dân học tập (CDHT) giai đoạn 2021 - 2030, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau thời gian ngắn thực hiện thí điểm, mô hình CDHT đã mang lại những tín hiệu vui cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Học sinh Trường THPT Lý Bôn thi đua học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.

Thay đổi tích cực

Là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện Vũ Thư, đầu năm 2021, xã Hiệp Hòa được Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập huyện chọn thực hiện thí điểm mô hình CDHT. Sau thời gian ngắn thực hiện thí điểm, các đối tượng tham gia thí điểm đều có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sự cần thiết mỗi công dân phải là một CDHT, đơn vị phải là đơn vị học tập trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. 

Ông Đỗ Ngọc Tú, Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho biết: Mô hình CDHT là hạt nhân của xã hội học tập và là cách để cụ thể hóa các mô hình học tập trước đây. Việc triển khai mô hình CDHT đã tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng và Hội Khuyến học xã để xây dựng các cơ quan, đơn vị trở thành đơn vị học tập. Thời gian qua, Trung tâm Học tập cộng đồng xã đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, báo cáo chuyên đề phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mở các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt... phục vụ cho ngành nghề của người dân địa phương. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động cũng chủ động, tích cực đọc sách, báo, tài liệu hoặc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để cập nhật, khai thác thông tin trên mạng internet nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng công việc, cuộc sống.

Ông Bùi Trọng Trâm, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: CDHT là hạt nhân của xã hội học tập. Để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập thì trước hết phải có những CDHT. Trong một gia đình, nếu có thành viên nào không là CDHT thì gia đình đó không đạt được tiêu chí gia đình học tập. Trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học mà người lao động làm việc không tham gia học tập thì không thể đạt đơn vị học tập. Vì vậy, CDHT là yếu tố cơ bản để xây dựng xã hội học tập. Tại Thái Bình đã có 33 xã, phường, thị trấn, 338 gia đình và 628 người tham gia thực hiện thí điểm mô hình CDHT. Qua kiểm tra, đánh giá mô hình vào cuối tháng 6 vừa qua, toàn tỉnh có 535 người đạt CDHT. Đây là những người thuộc 3 nhóm đối tượng: Nông dân và người lao động nông thôn; công nhân, lao động thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng; những người có trình độ từ cao đẳng trở lên, chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức từ cấp xã, phường trở lên.

Theo ông Bùi Trọng Trâm, nhờ tích cực xác định, thu thập thông tin, làm tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của mô hình trong các tầng lớp nhân dân nên nhận thức về việc học trong các gia đình đã tăng lên. Cán bộ và người dân quan tâm hơn đến việc học tập của con em, đẩy mạnh việc học tập suốt đời. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng tự nguyện tham gia đọc sách, báo tìm kiếm thông tin, trau dồi kiến thức hoặc sử dụng máy vi tính, điện thoại để cập nhật, khai thác thông tin trong nước và quốc tế.

Tháo gỡ khó khăn, cụ thể các tiêu chí

Hiện nay, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức tập huấn, phổ biến kế hoạch, kỹ năng xác định, chấm điểm tiêu chí đánh giá CDHT cho các đơn vị. Bộ tiêu chí CDHT gồm ba nhóm năng lực cốt lõi là năng lực tự học và học tập suốt đời; năng lực sử dụng các công cụ tương tác và năng lực xây dựng, thực hiện các mối quan hệ xã hội. Đây là những năng lực và phẩm chất mà ai cũng có nhưng để đạt được thì không dễ. 

Anh Nguyễn Đức Thành (phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình) chia sẻ: Sau khi nghiên cứu kỹ các chỉ số đánh giá kỹ năng trong bộ tiêu chí do Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra, tôi thấy một số chỉ số còn chung chung. Ví dụ như chỉ số về kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Theo tôi, chỉ số này không phù hợp với điều kiện thực tế vì môi trường giao tiếp tiếng Anh tại địa phương còn hạn chế, chủ yếu diễn ra trong khuôn khổ lớp học, phục vụ các kỳ thi nên một số công dân dù đã qua đào tạo ngoại ngữ song do không có môi trường sử dụng thường xuyên nên khả năng giao tiếp còn hạn chế.

Về vấn đề này, ông Bùi Trọng Trâm, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh thông tin: Trong các trường hợp chưa đạt CDHT hầu hết không đạt ở chỉ số 6, nghĩa là không dùng được một ngoại ngữ hoặc ngôn ngữ của đồng bào thiểu số để chào hỏi, làm quen, xã giao, hiểu được một số hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài đối với một số mặt hàng như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia cầm, gia súc. Về cơ bản là tự đánh giá ở mức 1, tức là không biết ngoại ngữ gì hoặc chỉ biết chào hỏi và không sử dụng thường xuyên. Một số ít được đánh giá ở mức 2, tức là có biết một số câu thông dụng hay tiếng dân tộc thiểu số, đọc được chỉ dẫn trên các sản phẩm nước ngoài nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Việc đánh giá ở 2 mức này rất khó xác định vì không có minh chứng kèm theo cho nên cần có những định lượng cụ thể hơn với các đối tượng trên. Bên cạnh chỉ số trên, qua kiểm tra, đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình CDHT, Hội Khuyến học tỉnh đã đề xuất Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam giảm bớt các loại giấy tờ trong hồ sơ công nhận CDHT. 

Ông Bùi Trọng Trâm cho biết thêm: Công dân phải kê khai minh chứng theo các chỉ số mang tính định tính không thu thập được, khi đánh giá gặp khó khăn cho từng cá nhân và cấp có thẩm quyền cho điểm, vì vậy cần định lượng chia nhỏ các chỉ số cụ thể hơn.

Hiện Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam mới đưa ra dự thảo bộ tiêu chí khung về việc đánh giá mô hình CDHT, tùy từng điều kiện cụ thể, các địa phương có thể linh hoạt điều chỉnh các chỉ số sao cho phù hợp. Tháng 10 tới đây, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện mô hình CDHT và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá CDHT dựa trên các đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mô hình CDHT sẽ được nhân rộng trên cả nước, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.

Đặng Anh

(Tác phẩm tham dự cuộc thi “Báo chí viết về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập” năm 2021)