Thứ 6, 29/11/2024, 23:47[GMT+7]

Giáo dục mầm non: Xây dựng phương án cho năm học mới

Thứ 4, 01/09/2021 | 10:57:30
1,191 lượt xem
Thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022, ngày 1/9/2021, các cháu mầm non tựu trường, ngày 5/9/2021 sẽ khai giảng năm học mới. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn tỉnh đã chủ động phương án và các điều kiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong năm học mới, đồng thời xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19.

Các cháu Trường Mầm non Tam Quang (Vũ Thư).

Năm học này, Trường Mầm non Tam Quang (Vũ Thư) dự kiến có khoảng 400 trẻ theo học. Cô giáo Lương Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến thời điểm này, nhà trường sẵn sàng đón trẻ đi học trở lại. Trước đó, chúng tôi đã phân công cán bộ, giáo viên tổng vệ sinh toàn bộ phòng làm việc, phòng học, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và khuôn viên bên trong và bên ngoài, bảo đảm môi trường an toàn trước khi đón trẻ. Kế hoạch của nhà trường khi trẻ đi học trở lại là thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch trong việc đón, trả trẻ; hướng dẫn phụ huynh giữ khoảng cách, quét mã QR và khai báo y tế. Hàng tuần, giáo viên phụ trách các lớp sẽ bố trí 2 - 3 buổi lau sàn nhà, cửa, cầu thang, lan can hành lang; các đồ dùng, đồ chơi sẽ thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, do đơn vị tổ chức nuôi ăn bán trú nên chúng tôi rất chú trọng đến các bữa ăn của trẻ, trong đó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồ đựng thức ăn, khăn mặt cho trẻ trước khi dùng sẽ được ngâm nước sôi và hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sẽ trước và sau bữa ăn.

Theo ông Vũ Minh Quyết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư, trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, các trường học trên địa bàn huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất để tăng cường công tác bảo quản; đồng thời, tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ năm học 2021 - 2022. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã hướng dẫn các cơ sở GDMN nói riêng, các cơ sở giáo dục khác nói chung thành lập tổ an toàn Covid-19. Cùng với việc tổng vệ sinh trường lớp, đồ dùng, đồ chơi, các cơ sở GDMN cần bố trí bảng thông tin, hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đúng quy cách; phân chia giờ đưa đón trẻ giữa các khối, nhóm lớp; niêm yết danh sách trẻ, sơ đồ, vị trí các nhóm, lớp của năm học mới ở vị trí thuận tiện để phụ huynh học sinh dễ quan sát, dễ hiểu và dễ thực hiện. Đặc biệt, chúng tôi cũng lưu ý các trường bằng mọi biện pháp phải hướng dẫn phụ huynh học sinh khai báo y tế trước khi trẻ tựu trường. Đồng thời, phối hợp với phụ huynh học sinh thống nhất việc tổ chức nuôi ăn bán trú trong ngày tựu trường trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh.

Tại thành phố Thái Bình, hầu hết các trường mầm non có sĩ số học sinh/lớp khá đông. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp giữ khoảng cách được ngành Giáo dục thành phố đặc biệt chú trọng. 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, các trường mầm non trên địa bàn thành phố hiện có đầy đủ máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, khu vực rửa tay, khẩu trang phục vụ giáo viên và học sinh. Các trường cũng xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch, có phòng cách ly tạm thời, thành lập tổ an toàn Covid-19 làm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho học sinh vào đầu buổi học và tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở giáo viên, học sinh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Phòng đã chỉ đạo các trường chưa tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động của trẻ diễn ra trong không gian lớp học. Trong thời gian ăn bán trú, các trường cần tận dụng tối đa không gian trong lớp để giãn cách các bàn ăn và số lượng trẻ/bàn. Đối với khu vực cổng trường khi phụ huynh đưa, đón trẻ, các trường cần hướng dẫn phụ huynh nhanh chóng đưa trẻ vào lớp và đón trẻ về, hạn chế tối đa việc vui chơi trong khuôn viên của trường.

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sở đã chỉ đạo các cơ sở GDMN xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các cơ sở GDMN tận dụng tối đa thời gian tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, trẻ không thể đến trường, các cơ sở GDMN tăng cường phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà để đạt được mục tiêu, kết quả mong đợi theo chương trình GDMN. Về việc tổ chức nuôi ăn bán trú, các cơ sở GDMN cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, đồ dùng cá nhân cho trẻ, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh. Giải pháp quan trọng, khả thi nhất để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường khi học sinh đi học trở lại chính là chú trọng tuyên truyền, nhắc nhở để nâng cao nhận thức, cảnh giác với dịch Covid-19 và tự giác thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế...

Lan Anh