Thứ 5, 16/01/2025, 23:03[GMT+7]

Từ khuyến học, khuyến tài đến xây dựng xã hội học tập Kỳ I: Thay đổi thực chất từ một đề án

Thứ 3, 07/09/2021 | 08:07:03
893 lượt xem
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự nghiệp giáo dục mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là cuộc vận động mang ý nghĩa sâu sắc, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng dân cư, hướng đến xây dựng xã hội học tập trong điều kiện chuyển đổi số.

Đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của thành phố Thái Bình.

Ngày 20/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (Đề án 281). Đề án đã đánh dấu một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển từ việc xây dựng các mô hình khuyến học trước đây sang giai đoạn xây dựng các mô hình học tập, phù hợp với trào lưu học tập suốt đời của thế giới ngày nay. Sau 1 năm thực hiện thí điểm và 5 năm thực hiện đại trà, Đề án 281 được đánh giá là đã thay đổi thực chất phong trào học tập suốt đời.

Nòng cốt của các phong trào

Năm 2003, gia đình ông Nguyễn Văn Đạo, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) đạt danh hiệu gia đình hiếu học. Năm 2014, gia đình ông là một trong những gia đình được chọn thực hiện thí điểm mô hình gia đình học tập tại địa phương. Khi tham gia mô hình, ông cùng các thành viên trong gia đình được tham gia tập huấn, được tuyên truyền về các kiến thức làm giàu và nuôi con giỏi, dạy con ngoan. Nhờ vậy, sau 5 năm tham gia mô hình, gia đình ông nhận thấy rõ tác động, hiệu quả của việc học tập suốt đời. Ông Đạo chia sẻ: Những tiêu chí của gia đình học tập là động lực to lớn thúc đẩy việc học không chỉ của các con tôi mà còn giúp vợ chồng tôi mạnh dạn học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu trong phát triển kinh tế. Từ mảnh đất 200m2, đến nay tôi đã mở rộng diện tích trang trại lên 7.000m2 để nuôi gia cầm, trồng rau màu, cây ăn quả, nuôi cá và trồng nho đen không hạt ứng dụng công nghệ cao. Mỗi năm gia đình tôi tạo việc làm cho 5 - 7 lao động địa phương với thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận thu được gần 500 triệu đồng. Mặc dù làm kinh tế nhưng đối với chúng tôi, việc học của các con vẫn được đặt lên hàng đầu. Ngay từ khi các cháu còn nhỏ, vợ chồng tôi đã phân chia thời gian để kèm cặp, bảo ban các con. Cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của các cháu, 12 năm phổ thông, các con luôn là học sinh giỏi toàn diện, được nhà trường và các tổ chức, đoàn thể khen thưởng. Hiện nay cháu lớn đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa, công tác tại nhà máy gạch men Mikado (Tiền Hải), cháu nhỏ đang học năm thứ ba Học viện Bưu chính viễn thông.

Những cố gắng, nỗ lực của gia đình ông Nguyễn Văn Đạo chính là kết quả của quá trình học tập không ngừng theo gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trở thành gia đình học tập tiêu biểu của thành phố Thái Bình và của tỉnh. Ông Bùi Hữu Thạnh, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố cho biết: Nếu gia đình là tế bào của xã hội thì gia đình học tập là hạt nhân của xã hội học tập. Xây dựng gia đình học tập là xây dựng phong trào học tập từ gia đình, các thành viên trong gia đình đều học tập. Các gia đình Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp xã hội đều gắn kết với một dòng họ cụ thể mang tính trực hệ, gắn với một cộng đồng như thôn làng, tổ dân phố, do đó xây dựng gia đình học tập là tiền đề để xây dựng dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập. Đây được xác định là những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện để nuôi dưỡng và phát triển phong trào hiếu học, xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Theo thống kê, hết năm 2020 thành phố Thái Bình có 80,8% gia đình học tập, 89,6% dòng họ học tập, 91% cộng đồng học tập và 100% đơn vị học tập.

Sự thay đổi thực chất

Sau 1 năm thực hiện thí điểm và 5 năm thực hiện đại trà, hiện toàn tỉnh có 75,7% số hộ đạt gia đình học tập; 67,6% dòng họ đạt dòng họ học tập; 70,1% cộng đồng học tập; 82,3% đơn vị học tập; 81% trung tâm học tập cộng đồng xếp loại khá, tốt; bình quân mỗi năm các trung tâm học tập cộng đồng huy động được 1,5 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề. Tất cả các chỉ số đều vượt so với mục tiêu Đề án 281 đề ra. Nhờ sự phát triển, nhân rộng của các mô hình, công tác phát triển quỹ khuyến học thông qua việc huy động sự đóng góp từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... cũng có sự thay đổi rõ nét. Tính đến cuối năm 2020, quỹ khuyến học toàn tỉnh đạt 155 tỷ đồng (tăng 90 tỷ đồng so với năm 2015), bình quân đầu người 81.500 đồng. Hàng năm, hội khuyến học các địa phương đã trao hàng nghìn suất học bổng cho cả người lớn và học sinh các cấp học có nhiều thành tích trong học tập, trong nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh đạt kết quả tốt và học sinh nghèo vươn lên học tốt để các em có cơ hội tiếp tục đến trường học tập.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Cầm, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” (Đề án 89). Để triển khai thực hiện Đề án 89, các bộ, ngành... đã xây dựng các đề án và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, ngày 20/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án 281. Sau 6 năm thực hiện Đề án 281, phong trào xây dựng các mô hình học tập tác động rõ nét nhất là thúc đẩy các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở cơ sở. Đó là sự thúc đẩy phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang; thúc đẩy các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, số người dân tham gia học tập tại trung tâm luôn được ổn định và phát triển. Đề án đã có tác động đến các phong trào, các cuộc vận động của địa phương như: việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tấm gương học tập suốt đời của Bác; phong trào xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho quê hương; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến với cách làm hay, sáng tạo, góp phần lan tỏa rộng khắp phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Đặng Anh 

(còn nữa)