Thứ 5, 16/01/2025, 23:01[GMT+7]

Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ 8/9: Từ biết đọc, biết viết đến đọc thông, viết thạo

Thứ 4, 08/09/2021 | 15:06:22
1,783 lượt xem
Năm 1965, UNESCO đã chọn ngày 8/9 hàng năm là ngày Quốc tế xoá nạn mù chữ. Ngày này được kỷ niệm hàng năm nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc biết viết đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội.

Ảnh minh họa.

Biết đọc, biết viết

Ở Việt Nam, năm 1945, đất nước ta có tới 95% dân số mù chữ. Ngay sau ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ vì "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".

Ngày 8/9/1945, Nha Bình dân học vụ được thành lập (Sắc lệnh số 19). Chỉ sau một năm hoạt động, bình dân học vụ đã có 74.957 lớp học xóa mù chữ và có hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ (ước tính cả nước lúc đó có 22 triệu người). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng và Chính phủ vẫn quan tâm lãnh đạo toàn dân tiếp tục công cuộc xóa mù chữ và tổ chức các lớp bổ túc văn hóa, góp phần đào tạo cán bộ, bồi dưỡng sức dân, đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Sau khi đất nước thống nhất, công cuộc xóa mù chữ tiếp tục triển khai phổ cập giáo dục Trung học cơ sở và giáo dục thường xuyên. Đến năm 2000, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước với 98,03% số quận, huyện; 98,53% số xã, phường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học Tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15 - 35 đã biết chữ.

Chất lượng phổ cập giáo dục ở các cấp đều được duy trì bền vững. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục.

Có thể nói, xã hội đã hoàn thành bước cơ bản của việc học là "biết đọc, biết viết”. Nhất là ở thời điểm hiện nay, xã hội phát triển, công nghệ tiên tiến được áp dụng vào trong hoạt động giáo dục, mở nhiều hình thức và phương thức học tập mới, thúc đẩy nhu cầu học tập của nhân dân.

Đọc thông, viết thạo

Từ năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đưa ra Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về việc triển khai một "cuộc cách mạng" trong giáo dục. Theo đó, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nghị quyết 29 đã được các cấp, các ngành triển khai tích cực từ trung ương tới cơ sở và từng bước đi vào cuộc sống. Đổi mới giáo dục và đào tạo được thực hiện ở tất cả các cấp học, ngành học. Ngành giáo dục đã thể hiện quyết tâm đổi mới và kiên trì thực hiện nhiệm vụ cốt lõi, đột phá, đó là: đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Giáo dục và đào tạo tại các vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa luôn được ưu tiên đầu tư phát triển. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng về số lượng, chất lượng và hiệu quả.

Tuy nhiên, đối với mỗi cá nhân, việc "đọc thông, viết thạo” lại là chuyện tưởng dễ mà không dễ.

Quá trình học đọc học viết của một cá nhân là một hành trình dài nhiều năm, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và không ngừng đổi mới. Hơn hết, đây là cũng là công việc cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Kỷ niệm ngày xóa nạn mù chữ năm nay trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cả xã hội đang hướng đến  thế giới phẳng mà ở đó, mỗi công dân chúng ta giờ đây không thể chỉ còn là những người biết đọc, biết viết như xưa. 

Xã hội phát triển đang đòi hỏi thế hệ trẻ phải thông thạo công nghệ thông tin, nắm bắt và vận dụng thuần thục được dữ liệu "không  gian mạng trong kỷ nguyên số hiện đại. Với những thành tựu của đất nước đã đạt được trong thời gian qua, chúng ta có quyền tin  tưởng vào thế hệ trẻ sẽ đủ kỹ năng để thích ứng với thời đại công nghệ số. 

Theo GD&TĐ


  • Từ khóa