Thứ 6, 22/11/2024, 21:59[GMT+7]

Mở đường cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ 2, 13/09/2021 | 11:40:02
1,221 lượt xem
Ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Đây là quyết sách quan trọng mở đường cho chương trình GDPT mới.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy) đọc sách trong thư viện nhà trường.

Động lực đổi mới

Nghị quyết số 88 là động lực quan trọng giúp toàn ngành Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thực hiện đổi mới chương trình GDPT. Nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ của Nghị quyết, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh không ngừng được nâng lên, đồng thời phát huy hiệu quả sự tham gia đóng góp của xã hội cho giáo dục. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Với quyết tâm đổi mới giáo dục và đào tạo, toàn ngành đã thực hiện đổi mới căn bản trong dạy và học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; áp dụng nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy trực quan, sinh động, chú trọng các hoạt động giáo dục trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin để học sinh vận dụng kiến thức, phát triển năng lực và tư duy. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai tốt chương trình GDPT mới. Để thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021, ngay từ năm học 2019 - 2020 ngành Giáo dục Thái Bình đã tuân thủ nghiêm chỉ đạo, định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh; huy động toàn bộ lực lượng để có thể làm tốt ngay từ khâu chuẩn bị hệ điều kiện. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa được xem là động lực, bước ngoặt giúp ngành Giáo dục phát triển cao hơn nữa.

Điểm mấu chốt quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 là nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên, tạo sự thống nhất cao với chỉ đạo của cấp trên, từ đó có thể triển khai tốt vào thực tế. Ông Vũ Minh Quyết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư cho biết: Trước bất kỳ đổi mới nào, toàn ngành cũng chú trọng công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của cán bộ, giáo viên; động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88 là luồng gió mới thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành. Đó là tinh thần tự học, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên; sự chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh. Vì vậy, việc tuyên truyền được các trường thực hiện lồng ghép trong hầu hết các buổi sinh hoạt chuyên môn của cán bộ, giáo viên; đồng thời, sử dụng các hình thức tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh và nhân dân chung sức thực hiện hiệu quả chương trình mới. Nhờ thế, sau 1 năm triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục huyện đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ, giáo viên; sự ủng hộ, tạo điều kiện của phụ huynh học sinh; chất lượng giáo dục ở lớp 1 được giữ vững, nhiều đơn vị có kết quả nổi trội hơn so với năm học trước. Đây là tiền đề quan trọng để toàn ngành bước vào năm học thứ hai đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Vũ Hội (Vũ Thư) học nội quy nhà trường đầu năm học mới.

Luôn trong tâm thế sẵn sàng

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 88 là sự chuẩn bị chu đáo hệ điều kiện của ngành Giáo dục Thái Bình. Theo ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến thời điểm này, nhìn lại quá trình chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ngành Giáo dục Thái Bình đã tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng như: rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở vật chất, trường lớp; thống kê, kiểm tra lại đội ngũ giáo viên; tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và cuối cùng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Theo thống kê, toàn ngành hiện có 23.193 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục. Trong năm học vừa qua, toàn tỉnh tuyển dụng được 1.582 giáo viên, trong đó 677 giáo viên tuyển dụng qua thi tuyển, 915 giáo viên mầm non tuyển dụng đặc cách. Thái Bình là tỉnh đứng tốp đầu cả nước về bồi dưỡng thực hiện chương trình GDPT 2018.

Cùng với sự chuẩn bị, cố gắng của toàn ngành Giáo dục, những năm qua, các cơ sở giáo dục đã nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố. So với hơn 6 năm trước, cơ sở vật chất trường lớp ở các địa phương trong tỉnh đã thay đổi rõ rệt. Từ thành thị đến nông thôn, nhiều ngôi trường khang trang, bề thế đã thay thế những ngôi trường xuống cấp. Trong hai năm 2020 và 2021, tỉnh đã bố trí trên 8,1 tỷ đồng mua tài khoản học trực tuyến cho 100% giáo viên các cấp học phổ thông tham gia các khóa bồi dưỡng trực tuyến; trên 127 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất, cải tạo, nâng cấp thư viện các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng mở, hiện đại, thân thiện; đồng thời, mua sắm thiết bị dạy học các khối lớp 1, 2, 6; mua sắm thiết bị cho các trường mầm non; bổ sung tài liệu dạy học các cơ sở giáo dục phổ thông và biên soạn tài liệu nội dung giáo dục địa phương. Để có được kết quả như hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm tốt công tác tham mưu triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT; đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Bình luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT theo tinh thần Nghị quyết số 88.

So với lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88, thời gian áp dụng chương trình GDPT, sách giáo khoa mới được lùi lại 2 năm và thực hiện theo hình thức cuốn chiếu do bước đầu gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hệ điều kiện. Tuy nhiên, đến thời điểm bắt đầu thực hiện và sau 1 năm thực hiện, có thể khẳng định Nghị quyết số 88 là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thực tế của tỉnh. Tính đến thời điểm này, Thái Bình cùng với cả nước đang bước vào năm thứ hai thực hiện chương trình GDPT 2018 ở lớp 2 và lớp 6. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, toàn ngành sẵn sàng tâm thế đổi mới và quyết tâm triển khai hiệu quả chương trình trong những tuần đầu tiên của năm học 2021 - 2022.

Ông Nguyễn Viết Hiển
(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)

Đặng Anh