Thứ 5, 16/01/2025, 19:58[GMT+7]

Trăm sự có nên ... nhờ thầy?

Thứ 2, 13/09/2021 | 15:31:58
2,049 lượt xem
Năm học 2021 - 2022 đã chính thức bắt đầu. Tạm gác sang một bên những khó khăn khi triển khai nhiệm vụ năm học mới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vấn đề an toàn trường học, đổi mới sách giáo khoa... mà ngành Giáo dục, báo chí, dư luận đã nói rất nhiều. Dễ thấy trong muôn vàn gửi gắm của phụ huynh với các giáo viên, nhất là thời điểm đầu năm học, có một câu nói đã trở nên rất quen thuộc từ xưa đến nay: “Trăm sự nhờ thầy/Trăm sự nhờ cô” mà càng nghĩ càng thấy nhiều điều đáng suy ngẫm.

Ảnh minh hoạ.

Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo “Không thầy đố mày làm nên” hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Vậy nên kính thầy, trọng thầy, tin tưởng ở người thầy thể hiện tinh thần hiếu học, cũng là nét đẹp, là ứng xử văn hóa của người Việt. Với nhiều phụ huynh, “Trăm sự nhờ thầy” là cách nói khiêm nhường, thể hiện sự kính trọng thầy cô giáo của con và mong mỏi, tin tưởng thầy cô dạy dỗ con mình nên người. Sự gửi gắm toàn tâm này nghĩa là nhờ thầy cô không chỉ dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà còn dạy đạo đức, lối sống, dạy cách cư xử... vì coi thầy cô là những người mẫu mực, là những tấm gương tốt cho học sinh noi theo.

Song không thể phủ nhận, vẫn có những phụ huynh “khoán trắng” việc giáo dục con cái cho nhà trường, theo đúng kiểu trăm sự... nhờ hết thầy. Họ viện lý do công việc bận rộn mặc nhiên đặt lên vai thầy cô tất cả trách nhiệm để đào tạo một đứa trẻ trưởng thành, từ truyền thụ kiến thức văn hóa, kỹ năng đến giáo dục nhân cách, hướng dẫn phát triển tâm sinh lý. Nhiều giáo viên chia sẻ, có những vấn đề liên quan đến việc học tập của con cần sự quan tâm, đóng góp ý kiến thì phụ huynh thờ ơ, mời năm lần bảy lượt không đến, nhưng chỉ cần nghe con bị giáo viên phạt vào tay là… xông vào trường hoặc lên facebook la lối, trách mắng thầy cô giáo, đẩy vụ việc đi quá xa trên mạng xã hội. Cá biệt có những phụ huynh mặc định chỉ cần “chăm sóc” thầy cô cho chu đáo, học thêm đầy đủ thì mặc nhiên con phải giỏi, không giỏi được là tỏ thái độ ra mặt khiến giáo viên rất áp lực. Họ đã không hình dung và chia sẻ với những vất vả của nghề giáo khi trong 1 lớp học có đến 50, 60 cháu học sinh (nhất là ở các trường trung tâm), giáo viên phải bao quát lớp, giữ trật tự, khởi động giờ học, giảng bài, trao đổi, dặn dò học sinh... trong thời lượng tiết học chỉ có 30 - 45 phút (tùy theo từng cấp học) thì làm sao giáo viên có thể sát sao tới hết các học sinh được. Vả lại mỗi đứa trẻ có một năng lực nhận thức riêng, điểm mạnh riêng, các cháu không thể đều giỏi như nhau được.

Nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục đã chỉ ra: công tác giáo dục trẻ muốn có được kết quả toàn diện cao nhất phải là sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa của ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Cho dù thầy cô có nỗ lực dạy dỗ, chăm sóc bao nhiêu đi chăng nữa nhưng nếu không có sự đồng hành, sự chung tay của gia đình thì đó chính là sự thiệt thòi của trẻ trong quá trình trưởng thành. Cha mẹ có thể không cần phải giỏi nhưng lại rất cần đồng hành, hỗ trợ trẻ để trẻ học tập có nền nếp, kỷ luật, nhất là rèn luyện kỹ năng tự học - kỹ năng vô cùng quan trọng để thích ứng bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Đối với việc rèn luyện đạo đức, lối sống cũng vậy, trước hết và trên hết phải bắt đầu từ chính gia đình: giáo dục cho trẻ biết yêu thương, chia sẻ với những người ruột thịt, học những quy tắc xử sự cơ bản nhất ngay từ khi còn tấm bé; rồi khi tới trường, ở mỗi cấp học trẻ sẽ được học những bài học về đạo đức, kỹ năng sống tương thích với lứa tuổi. Cả một quá trình kết hợp bền bỉ, lâu dài giữa gia đình, nhà trường và xã hội mà trực tiếp nhất là cha mẹ, thầy cô giáo mới giúp trẻ hình thành nhân cách, định hình các giá trị chuẩn mực khi là người trưởng thành.

Chúng ta đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định: Lấy mục tiêu số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy... làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Để việc giáo dục mang lại hiệu quả như mong muốn, học sinh hạnh phúc khi đến trường, thiết nghĩ các bậc phụ huynh cần đặt mình vào vị trí của giáo viên để hiểu và đồng hành trong việc giáo dục con cái. Giáo viên cũng phải làm hết trách nhiệm của người thầy bằng năng lực thật sự và biết lắng nghe tâm tình của học sinh. Rộng hơn, chỉ khi có sự chia sẻ, đồng hành và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội mới có thể tạo những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.

Phương Loan
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa