Xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của việc xây dựng xã hội học tập (XHHT) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Ông Vũ Mạnh Hiền: Xây dựng XHHT ở Thái Bình đã lan tỏa đến từng gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, đến các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và các cơ sở tôn giáo. Việc xây dựng XHHT gắn liền với việc củng cố và phát triển trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Hội Khuyến học Thái Bình xác định TTHTCĐ là mô hình giáo dục của cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng. Vì thế, Thái Bình là một trong những tỉnh sớm xây dựng và phát triển TTHTCĐ. Chỉ sau gần 7 năm kể từ khi bắt đầu xây dựng thí điểm TTHTCĐ tại xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư (tháng 9/1999), đến tháng 12/2006, 100% xã, phường, thị trấn đã có TTHTCĐ. TTHTCĐ là một địa điểm học tập đáp ứng nhu cầu học thiết thực, cần gì học nấy, học để làm ngay, đã giải quyết được những vấn đề mà nhân dân cần tìm hiểu và địa phương cần giải quyết. Với chương trình, nội dung học tập đa dạng, phù hợp và xuất phát từ nhu cầu của người dân giúp nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp và cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện khuyến khích cộng đồng đi học. Bình quân mỗi năm TTHTCĐ ở Thái Bình huy động được 1,5 triệu lượt người dân tham gia học tập chuyên đề. Cùng với các TTHTCĐ, khuyến học Thái Bình xác định vấn đề cốt lõi, nền tảng xây dựng XHHT là công dân học tập và học tập suốt đời. Thái Bình đã chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và vượt mục tiêu đề ra.
Phóng viên: Xây dựng XHHT đang là xu thế tất yếu và mang tính thời đại sâu sắc. Trong việc xây dựng XHHT ở Thái Bình ngoài những kết quả nổi bật trên thì có những hạn chế, tồn tại gì, thưa ông?
Ông Vũ Mạnh Hiền: Việc xây dựng XHHT ở nhiều nơi vẫn mang tính phong trào, hình thức; việc thành lập một TTHTCĐ không khó nhưng phải làm gì và làm như thế nào để nó hoạt động, tồn tại được lâu dài và thúc đẩy việc học tập suốt đời của mọi người là vấn đề cấp thiết cần giải quyết. Nguyên nhân làm hạn chế việc xây dựng XHHT hiện nay là do nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý xã hội ở các địa phương về xây dựng XHHT mang nặng tư tưởng bao cấp, ỷ lại, trông chờ vào đầu tư của Nhà nước; chưa có biện pháp tích cực phát huy, khai thác hết tiềm năng của cá nhân và cộng đồng. Không ít cán bộ quản lý xây dựng XHHT chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động; nhiều chương trình học tập chưa thực sự thiết thực, phù hợp với cộng đồng nên hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, sự phối hợp gữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội của địa phương chưa hài hòa, chặt chẽ và thống nhất; việc xây dựng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên còn nhiều khó khăn. Mặt khác, thiếu kinh phí để hoạt động, chưa có đủ phòng học, cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý phải kiêm nhiệm; hoạt động của TTHTCĐ có nơi còn cầm chừng...
Giờ học của cô và trò Trường THCS Bách Thuận (Vũ Thư).
Phóng viên: Nước ta đang tiến vào thập kỷ của nền kinh tế tri thức, của thời đại số, của kỷ nguyên số, xin ông cho biết những giải pháp Hội Khuyến học Thái Bình đã và đang thực hiện để xây dựng XHHT trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0?
Ông Vũ Mạnh Hiền: Nước ta đang tiến vào thập kỷ của nền kinh tế tri thức, của thời đại số, của kỷ nguyên số, của yêu cầu phát triển con người và chia sẻ tri thức. Bối cảnh này vừa mang lại những lợi thế lớn đối với việc đa dạng hóa các cơ hội học tập cho người dân; đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc xây dựng XHHT ở Thái Bình. Thái Bình phải kịp thời nhận thức và tìm hướng đi đúng nhằm đổi mới và phát triển mô hình xây dựng XHHT. Đây là xu thế tất yếu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, đáp ứng mục tiêu xây dựng XHHT. Thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Hội Khuyến học Thái Bình xác định khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng XHHT. Vì vậy, Hội đề ra 4 nhiệm vụ cụ thể:
Một là, đẩy mạnh đổi mới cách học, cách dạy gắn liền với đẩy mạnh phong trào tự học của công dân và cộng đồng để biến quá trình học tập có hướng dẫn thành quá trình tự học, tự học suốt đời. Học nâng cao trình độ để phục vụ công tác của bản thân. Mọi công dân biết học mọi lúc, mọi nơi, học hỏi mọi người, mọi nội dung, mọi điều kiện, mọi cách; học để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bản thân, gia đình và xã hội. “Học - hỏi - hiểu - hành” là con đường hiệu quả nhất để hình thành nét văn hóa tự học, học thường xuyên, học suốt đời; coi trọng phát triển các kỹ năng tự học, tự rèn, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số trong học tập của các tầng lớp nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Người dạy/giáo viên vừa là thầy cô vừa là hướng dẫn viên. Học có sự tương tác/hợp tác giữa những người tham gia và học để thay đổi, học để tiến bộ không ngừng.
Hai là, trong XHHT thì phát triển mô hình TTHTCĐ thành một hình thái XHHT trong nền kinh tế số, xã hội chuyển đổi số và phù hợp sự phát triển bền vững của tỉnh. Vì vậy, cần chú trọng một số vấn đề như: thiết kế phần mềm các hoạt động học tập cộng đồng có chất lượng, hiệu quả; số hóa bộ tài liệu hướng dẫn tổ chức hoạt động học tập tại TTHTCĐ; giới thiệu một số hoạt động học tập/bài giảng đặc trưng bằng kỹ thuật số, công nghệ số cho các TTHTCĐ; tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ và đời sống về các lĩnh vực trên trang website, youtube và truyền hình khuyến học của Hội; giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục và sản phẩm của làng nghề, doanh nghiệp,...
Ba là, coi trọng khâu đột phá đổi mới phong trào xây dựng XHHT nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý XHHT, quản lý TTHTCĐ; vừa giỏi về kiến tạo, vừa giỏi hành động; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động học tập cộng đồng. Xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực... cho hoạt động của TTHTCĐ theo định hướng xây dựng XHHT, học tập suốt đời.
Từ nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của khuyến học giai đoạn cách mạng mới, Hội Khuyến học Thái Bình đã từng bước đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội như: lập website, youtube và truyền hình khuyến học của Hội phục vụ truyền thông, học tập, quảng bá hoạt động Hội; xây dựng phòng hội thảo, phòng họp, phòng học trực tuyến bảo đảm các hoạt động của Hội diễn ra nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, tiện ích và thông tuyến, thích hợp trong thời kỳ dịch Covid-19.
Phát huy truyền thống vẻ vang 25 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996 - 2/10/2021) và 21 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Thái Bình (2/10/2000 - 2/10/2021), chúng ta tin tưởng sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT ở Thái Bình nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững. Hội Khuyến học Thái Bình xứng đáng là một tổ chức xã hội đặc thù, làm nòng cốt xây dựng Thái Bình trở thành một XHHT, tỉnh học tập, một xã hội văn minh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đặng Anh
(thực hiện)
Tin cùng chuyên mục
- Thái Bình: 72 học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025 24.12.2024 | 15:54 PM
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Xã luậnNhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo” 20.11.2024 | 05:12 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- UBND thành phố: Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm 09.10.2024 | 18:56 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Tây Thụy Anh 05.09.2024 | 11:13 AM
- Phát động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn 26.04.2024 | 17:35 PM
- Thành phố: 32 giáo viên tham gia hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi 11.03.2024 | 17:00 PM
- Xã luậnPhát huy phẩm chất cao quý của nhà giáo Việt Nam 20.11.2023 | 08:33 AM
- Quỳnh Phụ: Tổng kết phong trào thi đua năm học 2022-2023 15.11.2023 | 15:37 PM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Thăm, tặng quà đảng viên tiêu biểu, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, người có công, người cao tuổi
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Thăm, tặng quà người có công với cách mạng, người cao tuổi và hộ nghèo tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Dự chương trình tết sum vầy với đoàn viên, người lao động huyện Vũ Thư
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình