Thứ 5, 16/01/2025, 15:57[GMT+7]

Giáo dục Thành phố chủ động với mọi tình huống dịch

Thứ 5, 07/10/2021 | 08:48:47
1,632 lượt xem
Thái Bình là một trong ít tỉnh, thành phố học sinh được trở lại trường ngay đầu năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch với 2 phương án học tập trung và trực tuyến.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.

Hơn 1 tháng nay, dù vẫn phải đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng trong ánh mắt của các em học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong vẫn ánh lên niềm hân hoan khi được đến trường, được gặp lại thầy cô, bạn bè. 

Cô giáo Hà Thị Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2021 - 2022, nhà trường có gần 2.100 học sinh. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, tại hành lang mỗi lớp học đều bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn, máy đo thân nhiệt. Hàng ngày, học sinh đến trường đều được đo thân nhiệt và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hạn chế hoạt động tập trung đông người... Giáo viên triển khai dạy chương trình chính khóa, chú trọng kiến thức trọng tâm, hướng dẫn học sinh phương pháp tự học hiệu quả và linh hoạt. Nhà trường cũng chủ động phương án dạy trực tuyến trong trường hợp dịch bùng phát, học sinh không thể đến trường. Hiện có khoảng 95% phụ huynh có đủ thiết bị thông minh để đáp ứng yêu cầu học trực tuyến. 

Cô giáo Bùi Thu Phương, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong chia sẻ: Tất cả giáo viên đều hết sức ý thức trách nhiệm của mình là làm sao duy trì việc dạy học chất lượng, dù dạy trực tiếp hay trực tuyến. 2 năm học vừa qua, chúng tôi đã làm quen và tích lũy được nhiều kinh nghiệm dạy học trực tuyến. Phụ huynh cũng tích cực phối hợp để hỗ trợ, giám sát con học tập. Cơ bản học sinh tiếp thu được kiến thức, giờ học bảo đảm kỷ cương, nền nếp.

Trường THCS Phú Xuân đã xây dựng 2 kế hoạch, phương án dạy học gồm trực tiếp và trực tuyến nhằm ứng phó khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường. Toàn trường có 731 học sinh, sau khi rà soát còn 4 em chưa có thiết bị học trực tuyến, trong đó 3 em có thể học nhờ cùng bạn bè. 

Cô giáo Bùi Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân cho biết: Khi tổ chức dạy học trực tuyến, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị học trực tuyến, nhà trường sẽ hỗ trợ để mua tặng các em, bảo đảm việc học được hiệu quả, liên tục. Hiện 100% cán bộ, giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học; chủ động, tự giác học tập, bồi dưỡng kỹ năng, xây dựng và lựa chọn học liệu; sử dụng hiệu quả các ứng dụng, phần mềm dạy học trực tuyến.

Còn tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thầy giáo Nguyễn Thiện Lợi, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Khi các con trở lại trường, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, từng giáo viên tranh thủ tối đa “thời gian vàng” để hướng dẫn học sinh những kiến thức trọng tâm, cốt lõi của từng môn học. Cùng với đó, nhà trường xây dựng phương án dạy học trực tuyến. Giáo viên thường xuyên được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức tập huấn phần mềm dạy học. Do đó, nhà trường luôn sẵn sàng chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến mà không gây xáo trộn đối với học sinh và giáo viên. Hiện toàn trường có gần 1.200 học sinh, trong đó 47 em chưa có thiết bị học trực tuyến. Nhà trường sẽ tiếp tục tuyên truyền phụ huynh đầu tư phương tiện, hỗ trợ học sinh học trực tuyến đạt hiệu quả.

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Thái Bình đang kiểm soát tốt dịch bệnh, đây là cơ hội để học sinh được đến trường học trực tiếp. Vì vậy, ngành đã quán triệt các nhà trường phải tận dụng tối đa “thời gian vàng” có được. Theo đó, công tác dạy và học phải gắn chặt với việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, xây dựng phương án dạy học trực tuyến khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường. Hiện nay, 100% trường tiểu học và THCS đã thực hiện việc dạy học trực tuyến qua K12 online, giao bài tập qua zalo... Tỷ lệ học sinh tham gia học đạt 85 - 95%.

Với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tổ chức rà soát thiết bị học trực tuyến của học sinh tiểu học và THCS. Trên cơ sở đó báo cáo, tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí và vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn chung tay ủng hộ máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh... để kịp thời giúp đỡ các em học sinh khó khăn có điều kiện học tập.

Học sinh học trực tuyến.

Minh Nguyệt