Thứ 5, 08/08/2024, 21:23[GMT+7]

Ghi được từ một chuyến đi

Thứ 4, 30/01/2013 | 08:13:17
1,809 lượt xem
Một ngày cuối tháng Chạp âm lịch, trời lúc nắng, lúc mưa, khi nóng, khi lạnh. Còn mươi ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, chúng tôi theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Đặng Phương Bắc và lãnh đạo Công đoàn ngành về thăm và tặng quà các thầy, cô giáo có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng chí Đặng Phương Bắc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tặng quà cô giáo Lê Thị Hoài, giáo viên Trường THCS Thụy Tân (Thái Thụy).

Đến đầu cầu Vô Hối, xe chạy theo đường Thái Giang vào xã Thái Hà. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi, gây xúc động mạnh, khi bước vào một căn nhà nhỏ có hai ông bà già, người nằm đắp chăn, người ngồi bất động, không khí trong nhà lạnh lẽo đến nao lòng, không có tiếng cười, có người mà vẫn cảm thấy cô đơn. Đây là gia cảnh của cô giáo Phạm Thị Thơm giáo viên Trường Mầm non Thái Hà, cô không có chồng, ở vậy chăm sóc bố ốm đau, mẹ già yếu, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Rời nhà cô Thơm, chiếc xe lao lên đê, hướng về xã Thái Thành – một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Thái Thụy, chúng tôi thấy đường đi còn vất vả hơn ở miền núi. Mặt đê lồi lõm, bên phải là sông Trà mênh mông nước đang mùa đổ ải chờ cấy lúa xuân; bên trái là ruộng, ao...

Con đường về Thái Thành như dài hơn, xa hơn chúng tôi tưởng. Không như cô Thơm, cô giáo Phí Thị Lá, 44 tuổi, từng có chồng, bị đánh đập, hành hạ nhiều phải bỏ chồng về sống cô đơn, với đồng lương ít ỏi của nghề nuôi dạy trẻ. Nhận món quà do Giám đốc Sở trao, cô nghẹn ngào, xúc động nói không nên lời. Câu được, câu chăng, giọng đứt quãng như chính hạnh phúc của cô “Đứt gánh giữa đường”. Qua Thị trấn Diêm Điền, xuôi về Thụy Hải, Thụy Xuân, chúng tôi về nhà cô giáo Lê Thị Hoài, một tấm gương giàu nghị lực, chiến thắng bệnh tật, mang căn bệnh hiểm nghèo suốt 13 năm qua, vẫn là giáo viên có thành tích cao của Trường THCS Thụy Tân. Cô Hoài chính là nhân vật trong bài báo: “Em đã sống, bởi vì em đã thắng” đăng trên Thái Bình cuối tuần và Thái Bình Điện tử, được  dư luận xa gần quan tâm.

Có bạn đọc gửi tin nhắn và gửi qua tác giả một triệu đồng tặng cô giáo. Giám đốc Đặng Phương Bắc thay mặt lãnh đạo Sở và Công đoàn ngành biểu dương cô giáo vượt khó vươn lên, xứng đáng là tấm gương sáng của ngành Giáo dục – Đào tạo Thái Bình. Tác giả bài báo trích toàn bộ nhuận bút bài báo (500.000 đồng) tặng cô giáo. Chúng tôi được biết, cháu Lê Phương Anh, 13 năm trước khi mẹ ốm đi viện K, cháu còn nhỏ, phải nhờ các thầy, cô hai trường THCS Thụy Tân và Mầm non Thụy Tân chăm sóc. Nay cháu Phương Anh vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hải Dương loại giỏi; người nhà cháu có ý định đưa cháu vào Nam hoặc lên Hà Giang công tác. Biết tin ấy, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy – Trần Xuân Nhuệ đã đặc cách quyết định cho cháu về công tác ở Trường Tiểu học Thụy Tân, để cháu có điều kiện chăm sóc mẹ. Các phòng Giáo dục – Đào tạo và Nội vụ đã khẩn trương hoàn tất các thủ tục để sau Tết Nguyên đán cháu đi làm việc. Đây là nguồn động viên vô cùng lớn để cô giáo Hoài vươn lên, chiến thắng bệnh tật. Trở lại Thụy Liên, chúng tôi chứng kiến hoàn cảnh một gia đình cô giáo rất thương tâm: Cô Nguyễn Thị Hưng, giáo viên Trường Mầm non Thụy Liên, cô bị bệnh K; những ngày điều trị, mỗi ngày tiêu tốn 2,5 triệu đồng tiền thuốc. Hàng ngày, cô vẫn lên lớp, tối về làm thêm hoa lụa bán tết lấy tiền cầm cự cuộc sống.

Buổi chiều, về Đông Hưng, Trưởng phòng GD-ĐT Đông Hưng – Phí Trọng Quang, đưa đoàn vào xã Đông Hoàng thăm cô giáo Tô Thị Thúy Hằng. Căn nhà đẹp, gọn gàng nhưng lạnh lẽo. Khi nghe giới thiệu mới biết: Chồng cô bị bệnh ung thư vừa mất. Cô có thai 7 tháng, tin chồng mất đã ngất lên, ngất xuống và đẻ non, phải nuôi cháu trong lồng ấp. Lên xe về Trọng Quan thăm cô giáo Nhung, mà chúng tôi vẫn ám ảnh, day dứt về trường hợp cô giáo Hằng (Đông Hoàng). Chúng tôi về Phú Châu, thăm cô giáo Hảo; sang Nguyên Xá thăm, tặng quà cô Nguyệt và về Đông Động thăm cô giáo Lê Thị Lìu... Mỗi con người một hoàn cảnh, mỗi số phận khác nhau mà sao họ giống nhau đến thế. Quà tết chỉ có 500.000 đồng tiền mặt và trị giá 200.000 đồng vật chất do lãnh đạo Sở và công đoàn ngành trao tặng... mà sao nặng nghĩa, nặng tình đến thế. Cô Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT nói rằng: Có 200 trường hợp khó khăn, được lên danh sách cụ thể, như những trường hợp vừa đến thăm. Các cụ ta vẫn nói: “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Quả là không sai.

Bài, ảnh: Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa