Miền quê hiếu học
Ngồi bên bàn trà, thưởng thức hương vị quê mẹ, tay vuốt vuốt chòm râu dài và bạc, chú tôi kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện của làng: Trước khi làng có tên là La Điền, nơi đây là ấp Điền Sa, trang La Vanh thuộc trấn Sơn Nam… La Vanh thuở ấy có hai thôn là Nhiễm và Phẫn. Năm Canh Thân, ngày Rằm tháng Bẩy, triều đình Lê Trịnh triệt hạ La Vanh vì dân làng này theo Tú Cao khởi nghĩa. Mãi đến năm 1861, La Vanh mới được lập lại, lấy tên là La Điền, trực thuộc xã Thượng Điền. Dân La Điền có niềm tự hào riêng vì một thôn mà có đến hai ngôi đình (đình Trong và đình Ngoài, đình Trong còn có tên là đình Cây Trôi). Cả hai đình đều thờ một vị nhân thần, đó là hương sư Đỗ Phụng Trân - một thầy giáo của năm làng, bốn xã. Đấy là nếp “Tôn sư trọng đạo”, đấy cũng là nét duyên của nghiệp văn chương.
Ông chú tôi nhìn về cõi xa xưa, lại vuốt chòm râu dài và bạc, kể cho tôi nghe lai lịch vị Thành Hoàng…
Ngài Đỗ Phụng Trân sinh ngày 8 tháng 9 năm Mậu Tuất, tại Hồng Châu. Ngài khôi ngô tuấn tú, 1 tuổi đã biết nói, 5 tuổi đã am hiểu luật, 12 tuổi nhập học tại Tĩnh Đường, nghe một, biết mười, văn võ toàn tài, người đời cho là Thánh đồng giáng thế. Khi ngài tròn 18 tuổi thì cha mẹ lần lượt qua đời. Ngài an táng cho song thân, dưỡng đường hương hỏa phụng sự đủ 3 năm, sau đó đi chu du thiên hạ. Một ngày kia, ngài đến trấn Sơn Nam, phủ Kiến Xương, ấp Khê Kiều (nay là xã Minh Khai - Vũ Thư), thấy sơn thủy oanh vu, long hổ hoàn lão, biết là nơi thắng địa, ngài chọn đất mở trường dạy dân học chữ, người đến theo học rất đông. Tên tuổi của hương sư Đỗ Phụng Trân nổi tiếng khắp vùng. Được đúng 3 năm thì giặc Ân đến xâm lược nước ta. Hương sư họ Đỗ xếp bút nghiên, cùng môn đệ chiêu mộ quân lương, giúp vua Hùng đánh giặc. Ngài đuổi giặc đến Châu Sơn thì giặc tan, Đỗ Phụng Trân về Hồng Châu bái yết tổ tiên, rồi bay lên trời. Vua phong ngài là “Trợ đổng thần uy, Uyên Dung quảng bác đại vương”, lại phong là phúc đẳng thần, sức cho các làng tôn làm Thành hoàng, phụng thờ đến ngàn năm…
Kể xong, chú tôi bảo: Ngài là người khai trí cho dân, đem chữ thánh hiền đến vùng đất này đầu tiên, vì vậy dân làng mình là người dân hiếu học. Miền quê mình là miền quê hiếu học. Dưới triều nhà Nguyễn, làng ta có cụ Tổng sư Phạm Văn Phơn, cụ đậu nhị trường, lại có hơn mười môn đệ đậu cử nhân, tú tài, hàng chục thầy đồ đỗ đậu cao, đem kiến thức giúp dân, giúp nước. Khi Pháp chiếm Đông Dương, người La Điền lại tìm đến Khê Kiều, gặp thầy giáo Tống Văn Phổ để được nghe thầy giảng về cuốn “Đường Cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Từ ánh sáng của cờ búa liềm, của “Đường Cách mệnh”, dân La Điền đã tiến bước theo ngọn cờ vinh quang của Đảng, góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngay sau khi đã giành được chính quyền về tay nhân dân, người dân La Điền nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch: “Thi đua diệt giặc đói, diệt giặc dốt, sẵn sàng diệt giặc ngoại xâm”. Các lớp bình dân học vụ được mở ra ở cả hai đình làng. Chỉ sau một năm, làng La Điền và cả xã Tự Tân đã xóa xong nạn mù chữ. Truyền thống hiếu học của người dân La Điền cứ thế được hun đúc, mỗi ngày một thêm tiến triển. Đến khi Pháp chiếm lại Thái Bình, chúng bắn Moóc-chi-ê vào làng, phá trường học, giết học sinh… Dân làng La Điền đã khiêng xác em Thíu lên đồn, yêu cầu chúng không được bắn vào làng, yêu cầu chúng phải mở lại trường học. Chúng chấp thuận nhưng bắt thầy Cao Văn Phúc phải dạy học sinh theo chương trình Đại Chủng Học Vụ của quốc mẫu. Nhưng thầy Phúc đã dạy học sinh của mình về lịch sử, địa dư, luân lý… theo chương trình của ta. Mỗi lớp học khi đó là một lớp tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho lớp trẻ. Trong những năm đánh Mỹ, rất nhiều thanh niên La Điền, có cả những giáo viên đã ôm theo sách vào chiến trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Người La Điền vừa học, vừa sản xuất và đánh giặc. Đó chính là ý chí cao cả của một miền quê quý chữ thánh hiền. Truyền thống hiếu học vẫn được phát huy. Những người là con em La Điền siêng năng học tập, học giỏi và đỗ đạt vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều người được cấp bằng học vị giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, rất nhiều kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà báo, nhà văn…
Ông chú tôi bỗng dưng thở dài chép miệng…
Tôi lo lắng hỏi nhỏ: - Hình như chú có điều gì băn khoăn…?
Chú tôi bảo: - Từ khi chuyển xóm thành thôn, xã mình có chín xóm, thành chín thôn… Thế là mất béng cái tên La Điền. Cái tên đẹp quá, mất thì tiếc quá!
Cháu tôi chen ngang: - Cách mạng mà ông… Các xóm thành thôn nhưng làng La Điền vẫn là làng chung của cả bốn xóm… Dẫu cái tên làng La Điền có mất, nhưng truyền thống hiếu học của dân làng vẫn còn, vẫn được duy trì, phát huy. Vậy là mừng… Mừng lắm chú ơi. Truyền thống hiếu học quê mình sẽ vẫn được các thế hệ tiếp nối vun đắp, không bao giờ mất được mà đang từng ngày nở hoa, kết trái.
Người dân La Điền học trong sách báo, nâng cao dân trí.
Cao Bá Khoát
(Vũ Thư)
Tin cùng chuyên mục
- Thái Bình: 72 học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025 24.12.2024 | 15:54 PM
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Xã luậnNhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo” 20.11.2024 | 05:12 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- UBND thành phố: Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm 09.10.2024 | 18:56 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Tây Thụy Anh 05.09.2024 | 11:13 AM
- Phát động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn 26.04.2024 | 17:35 PM
- Thành phố: 32 giáo viên tham gia hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi 11.03.2024 | 17:00 PM
- Xã luậnPhát huy phẩm chất cao quý của nhà giáo Việt Nam 20.11.2023 | 08:33 AM
- Quỳnh Phụ: Tổng kết phong trào thi đua năm học 2022-2023 15.11.2023 | 15:37 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình