Thứ 6, 29/11/2024, 08:52[GMT+7]

Ngành Giáo dục và Đào tạo: Học và làm theo Bác

Thứ 6, 31/12/2021 | 08:49:57
4,253 lượt xem
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cùng với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã đạt được những thành tích quan trọng, xứng đáng với bề dày truyền thống hiếu học của tỉnh.

100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh Trường Tiểu học Vũ Tiến (Vũ Thư) tham gia cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình làm theo lời Bác”.

“Vết dầu loang” xóa nạn mù chữ

Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Một ngày sau, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Người nói: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị nước ta”. Trong 5 lần về thăm Thái Bình, Bác đều dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành Giáo dục. Người nhấn mạnh: “Mục đích của thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm; dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Nhờ biện pháp “vết dầu loang”, từ 2 xã được công nhận xóa nạn mù chữ (năm 1947) là xã Nhâm Lang (nay là xã Tân Tiến, Hưng Hà), xã Phú Lương (Đông Hưng), đến năm 1949, Thái Bình là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước thanh toán xong nạn mù chữ. Nhờ thành tích đó, tỉnh được Đảng, Nhà nước thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sổ vàng và Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III tặng danh hiệu “Tỉnh quang minh”.

Trong suốt những năm tháng sau đó đến khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Thái Bình vừa tập trung xóa nạn mù chữ vừa đẩy mạnh sản xuất đồng thời chống giặc xâm lược. Học mọi lúc, mọi nơi với nhiều hình thức đã thể hiện quyết tâm của nhân dân Thái Bình trong việc xóa mù chữ. Kể cả khi xảy ra những mất mát, điển hình như sự kiện ngày 21/10/1966, giặc Mỹ đánh phá Trường cấp II Thụy Dân (Thái Thụy) khiến 29 học sinh lớp 7 và cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân phải ngã xuống thì sự học vẫn luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu, đúng như lời Bác đã từng căn dặn.

Là người trực tiếp chứng kiến và có đóng góp rất lớn trong việc xóa nạn mù chữ ở Thái Bình từ giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, nhà giáo, Anh hùng Lao động Hoàng Thị Thanh Mai, xã Hồng Lĩnh (Hưng Hà) chia sẻ: Thực hiện Lời kêu gọi chống nạn thất học của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 10/1945), dù đôi bàn tay co quắp bởi hậu quả của bom đạn, tôi vẫn quyết tâm gắn bó và kêu gọi bà con trong xã cho trẻ đi học. Chỉ 3 năm sau khi bước vào nghề, năm 1960 tôi đã lên UBND xã Hồng Lĩnh tuyên truyền, vận động chính quyền mở lớp mẫu giáo cho các cháu từ 3 - 7 tuổi. Sau một thời gian, tháng 2/1962, UBND xã quyết định mở lớp đón các cháu trong xã đến học.

Ngược dòng lịch sử, cô giáo Hoàng Thị Thanh Mai vẫn nhớ như in lời Bác nói trong lần Người về thăm Thái Bình lần thứ tư tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải ngày 26/3/1962: “Bác đánh giá giáo dục phổ thông, các trường đều có tiến bộ nhưng các lớp mẫu giáo chỉ có 850 cháu, như thế là quá ít, cần phải cố gắng mở rộng thêm”. Chính nhờ sự quan tâm của Người, việc vận động trẻ đến lớp của tôi thuận lợi hơn. Mặc dù thời điểm ấy còn nhiều khó khăn song chính quyền địa phương vẫn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho lớp học hoạt động. Để có tiền mua đồ chơi cho các cháu, cô giáo Hoàng Thị Thanh Mai đã nghĩ ra cách trong giờ vui chơi phát cho mỗi cháu một cái ống bơ, cái bát để ra sân phơi rơm của HTX nhặt những hạt thóc còn sót lại. Cô nhớ lại: Có mùa, cô trò chúng tôi thu được 45kg thóc. Số tiền bán thóc tôi dành để mua đồ chơi và váy múa cho các cháu. 

“Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt. Lời căn dặn của Bác luôn thôi thúc tôi không ngừng cố gắng để góp phần xóa nạn mù chữ, đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà không ngừng phát triển, dù là thời chiến hay thời bình” - cô giáo Hoàng Thị Thanh Mai chia sẻ.

Trở thành tỉnh có bề dày truyền thống hiếu học

Làm theo lời dạy của Bác, mỗi người Thái Bình hôm nay luôn nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, phấn đấu vượt mọi khó khăn, thử thách, thi đua lao động, học tập, rèn luyện, cống hiến hết mình, làm rạng danh quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong những năm qua, bám sát định hướng, chiến lược phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Đảng và của tỉnh, ngành Giáo dục đã vận dụng sáng tạo, tìm hướng đi đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành. Vì vậy, chất lượng và hiệu quả giáo dục không ngừng được nâng lên. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Từ năm 1988 đến nay, toàn tỉnh có hàng nghìn học sinh đạt giải quốc gia, nhiều học sinh đạt giải quốc tế như em Trần Hồng Quân (huy chương vàng môn Toán quốc tế), em Tô Huy Quỳnh (huy chương bạc môn Toán quốc tế), em Trần Ngọc Tân (huy chương bạc môn Hóa quốc tế)... Đặc biệt, em Vũ Xuân Trung 2 lần đạt huy chương vàng môn Toán quốc tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của Thái Bình luôn nằm trong tốp đầu cả nước. Chất lượng phổ cập giáo dục từng bước được nâng lên, công tác xã hội hóa giáo dục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Tiết học ngoại khóa “Bác Hồ kính yêu” của Trường Tiểu học Tây Lương (Tiền Hải).

Học tập và làm theo lời Bác dạy, ngành Giáo dục Thái Bình đã giành được nhiều thành tựu đáng tự hào. Đến nay, mỗi xã đều có trường mầm non, tiểu học, THCS; mỗi huyện đều có từ 3 - 4 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu người học. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hệ thống trường cao đẳng, đại học uy tín, góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Hiện toàn tỉnh có trên 23.000 cán bộ, giáo viên. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Số lượng phòng học kiên cố chiếm 92,5%, phòng học bán kiên cố chiếm 6,2%. 100% trường học có thiết bị theo danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời chú trọng mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý và giảng dạy. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Nhớ lời Bác “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, 2 năm qua, ngành Giáo dục Thái Bình đã biến khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 thành cơ hội, hành động để đổi mới toàn diện từ công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường đến đổi mới phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá học sinh. Giờ đây, trường lớp Thái Bình ngày càng khang trang, hiện đại, bức tranh giáo dục Thái Bình thêm sinh động với nhiều sắc màu tươi sáng. Có được ngày hôm nay là nhờ toàn ngành đã đoàn kết, cố gắng thực hiện tốt việc học và làm theo lời Bác.

Đặng Anh