Thứ 5, 16/01/2025, 05:56[GMT+7]

Chuyển đổi số trong giáo dục: Xu thế tất yếu

Thứ 7, 01/01/2022 | 16:47:51
3,220 lượt xem
Cũng như nhiều ngành khác, trước xu thế chuyển đổi số, ngành Giáo dục Thái Bình đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Với cách làm linh hoạt, quyết liệt nhưng thận trọng, ngành Giáo dục Thái Bình kỳ vọng chuyển đổi số thành công sẽ hỗ trợ đổi mới phương thức dạy và học, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

Học sinh huyện Hưng Hà sử dụng các tài liệu trên internet phục vụ cho việc học.

Cú hích thay đổi tư duy giáo dục

Trong hai năm 2020, 2021, chuyển đổi số đã giúp gần 400.000 học sinh toàn tỉnh không ngừng việc học khi phải tạm dừng đến trường do dịch Covid-19. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập truyền thống. Kể cả khi thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục “nay học mai nghỉ” do xuất hiện ca F0 vẫn có những sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn để bảo đảm học sinh được cung cấp kiến thức đầy đủ, kịp thời. 

Ông Trần Đức Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Hưng cho biết: 2 năm vừa qua, ngành Giáo dục đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ, giáo viên và các em học sinh khi chủ động các biện pháp, hình thức, phương pháp dạy và học phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành Giáo dục gặp nhiều khó khăn nhưng cũng không thể phủ nhận những cơ hội xuất hiện trong đại dịch, đó là cú hích cho việc chuyển đổi số. Chưa lúc nào, việc chuyển đổi số được toàn ngành chú trọng và thực hiện sâu rộng như hiện nay. 

Cô giáo Phạm Hồng Lê, Trường Tiểu học và THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà) chia sẻ: Sau những khó khăn ban đầu, đến nay giáo viên và học sinh cơ bản thành thạo các thao tác để có thể học ổn định trong các phòng học ảo. Những trải nghiệm trên môi trường số đã giúp giáo viên chúng tôi và các em học sinh tiếp cận kiến thức một cách trực quan, sinh động và có những tương tác thú vị. Đặc biệt, vào thời điểm gần kết thúc năm học 2020 - 2021, học sinh phải tạm dừng đến trường do ảnh hưởng của dịch bệnh, những bài kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến đã mang lại hiệu quả khi phản ánh được chất lượng học tập của từng học sinh.

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thực tiễn cho thấy, với sự linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ kép vừa hoàn thành chương trình học năm học 2020 - 2021 vừa bảo đảm sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Có thể thấy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động giáo dục nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn. Chuyển đổi số trong giáo dục không khó về công nghệ mà vấn đề ở nhận thức, thay đổi thói quen cùng với cơ chế chính sách, hành lang pháp lý. Chuyển đổi số đòi hỏi quyết tâm của người đứng đầu và sự đồng bộ về nhận thức của những người trong ngành Giáo dục. Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục chỉ thực sự khởi sắc khi thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số. Đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn. Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học mà phạm vi rộng lớn hơn, đó là tất cả hoạt động, quan hệ, thao tác sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành tốt hơn, tạo ra nhiều cơ hội học tập chất lượng hơn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong giáo dục là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được. Song nếu chúng ta tận dụng thời cơ, bắt đầu ngay và làm thường xuyên, đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi phương thức của người dạy và hoạt động của người học, hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành Giáo dục.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh học trực tuyến tại nhà.

Xu thế tất yếu

Trong thời gian vừa qua, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi không chỉ trong các hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá học sinh mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục, quản trị nhà trường và các hoạt động bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục, giúp giảm thời gian và chi phí đi lại trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân, góp phần tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng, trong đó có 50/74 thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Bên cạnh đó, 100% học sinh được mã số hóa thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, theo dõi sức khỏe; 100% cán bộ, giáo viên được số hóa hồ sơ, trình độ chuyên môn… Đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, các hội nghị tổng kết, hướng dẫn nhiệm vụ năm học được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Báo Thái Bình, Đài PTTH Thái Bình, các doanh nghiệp công nghệ thông tin xây dựng và phát triển kho học liệu chung làm nguồn tài nguyên được sử dụng cho toàn tỉnh gồm: 5.040 tài liệu PDF, 1.898 bài giảng E-learning, 224 bài dạy trên truyền hình.

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới trong phương thức dạy học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục; hình thành nền tảng số để xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp nhất cho mọi người dân. Qua đó, góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Thái Bình nói riêng. Để thực hiện thành công đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề ra các giải pháp như: Tăng cường công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục; phát triển nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hy vọng, với các giải pháp trên, công tác chuyển đổi số trong giáo dục sẽ đạt được những mục tiêu mà đề án đã đề ra, góp phần phát triển chính quyền số và giáo dục số, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác.

Đặng Anh