Chủ nhật, 28/07/2024, 13:18[GMT+7]

Những học sinh đam mê sáng tạo

Thứ 2, 17/01/2022 | 08:50:31
2,646 lượt xem
Mặc dù đang là học sinh THCS nhưng nhiều em đã có những ý tưởng rất thực tế để chế tạo và cho ra đời những dự án, sản phẩm khoa học phù hợp với thực tiễn và môi trường học tập.

Dự án máy soi tiêu bản và chiếu vật thể đa năng của các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Vũ Quý (Kiến Xương).

Chế tạo thiết bị dạy học chỉ mất 1 triệu đồng

Trong tiết học online cùng cô giáo dạy Vật lý, em Phạm Tuấn Tài, học sinh lớp 9B, Trường Tiểu học và THCS Vũ Quý (Kiến Xương) chợt nảy ra ý tưởng sử dụng webcam để hỗ trợ cho việc trình chiếu vật thể và soi tiêu bản. Tài đã mang ý tưởng này để trao đổi, thảo luận với em Nguyễn Danh Long, học sinh lớp 8B cùng trường. Phạm Tuấn Tài chia sẻ: Em và Long ở gần nhà, lại hay chơi với nhau nên khi em chia sẻ ý tưởng với Long thì Long đồng ý luôn và chúng em đã trình bày ý tưởng với cô giáo chủ nhiệm. Được sự ủng hộ của các thầy cô giáo, nhóm chúng em được cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên môn Vật lý trực tiếp hướng dẫn thực hiện dự án. Nhờ sự chỉ bảo tận tình kết hợp với nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thực tế, chúng em đã tạo ra cho lớp mình một máy chiếu đa năng soi tiêu bản và chiếu các vật thể. Và điều mà em mừng nhất đó là khi đưa vào sử dụng tại lớp học, sản phẩm đã mang lại cho chúng em những giờ học thật thú vị, bổ ích và hiệu quả. Đối với dự án “Máy soi tiêu bản và chiếu vật thể đa năng”, ngoài tính năng như máy chiếu đa vật thể, dự án còn có khả năng như một kính hiển vi kỹ thuật số, chụp lại hình ảnh trong quá trình quan sát hoặc ghi lại video thí nghiệm nhanh chóng, rõ nét.

Theo chia sẻ của Nguyễn Danh Long, khó khăn lớn nhất mà các em gặp phải khi thực hiện dự án đó là quá trình lắp thấu kính vào webcam. Nếu như dùng công thức trong sách giáo khoa đã được học thì rất khó để lắp chính xác. Sau nhiều ngày suy nghĩ, các em đã nảy ra ý tưởng đó là lắp thấu kính vào đầu thỏi son có thể vặn ra, vặn vào chuẩn đến từng milimet. Sau khi khắc phục được khó khăn đó, dự án của Long và Tài đã bước đầu hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng. 

Cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên hướng dẫn nhóm học sinh cho biết: Hai em rất đam mê và tâm huyết với dự án của mình. Đúng như lứa tuổi học sinh, các em luôn đặt tiêu chí “rẻ” lên hàng đầu khi thực hiện dự án. Hầu hết các thiết bị được lắp ráp trong dự án đều tái chế, sử dụng lại, vì vậy sản phẩm sau hoàn thiện của các em chỉ khoảng 1 triệu đồng. Giá thành thấp nhưng chất lượng thì rất tốt. Sản phẩm được sử dụng ở hầu hết các môn học, đặc biệt là môn Sinh học, Vật lý, Hóa học, Mỹ thuật. Với dự án của mình, thời gian tới, Phạm Tuấn Tài và Nguyễn Danh Long mong muốn các nhà trường sẽ sử dụng sản phẩm của mình để hỗ trợ việc dạy và học. Bên cạnh đó, sản phẩm sẽ được sử dụng rộng rãi trong các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Cải thiện hệ sinh thái từ hệ thống cây xanh

Trong quá trình chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường, hai em Vũ Thị Minh Phương và Lưu Nguyễn Minh Thư, Trường Tiểu học và THCS Đông Các (Đông Hưng) nhận thấy có những cây phát triển xanh tốt nhưng cũng có những cây bị vàng lá, phát triển chậm, chết dần gây mất mỹ quan trong trường học. Tìm hiểu ở những môi trường khác, Minh Phương và Minh Thư thấy mặc dù cây xanh có nhiều giá trị nhưng chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây. Xuất phát từ ý tưởng đó, các em đã nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục hiện tượng cây bóng mát bị vàng lá, chậm phát triển trên sân các trường học hiện nay. 

Vũ Thị Minh Phương chia sẻ: Phần lớn diện tích sân trường hiện nay đều được cứng hóa bằng bê tông mà bê tông hấp thụ nhiệt mạnh và tỏa nhiệt chậm nên trong những ngày nắng nóng nhiệt độ tăng cao hơn so với nền đất hay sân cỏ, từ đó gây tác động đến sức khỏe học sinh và các thầy cô giáo trong trường. Với mong muốn giúp cây phát triển tốt, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe cho học sinh và giáo viên mà ít tốn kém, nhóm chúng em đã tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra 3 giải pháp cũng là nhiệm vụ chính đó là: cải tạo đất, tăng mặt thoáng và tăng cường công tác tuyên truyền. Để thực hiện được các giải pháp trên, em và Minh Thư đã đúc kết ra các biện pháp, cách làm sau: sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón hóa học, mở rộng bồn cây, cắt một số rễ phụ, tạo mảng thoáng, tưới phun sương, tưới ozon, nuôi trùn quế...

Cải tạo đất là một trong những giải pháp mà học sinh Trường Tiểu học và THCS Đông Các (Đông Hưng) thực hiện để cây xanh phát triển tốt.

Sau gần 2 năm thực hiện dự án tại Trường Tiểu học và THCS Đông Các, số cây phát triển xanh tốt tăng lên đáng kể, trong đó 100% cây sấu, bằng lăng, hoa sữa, phượng đều phát triển tốt, tán lá rộng, riêng cây bàng đạt 93,7%. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thương, giáo viên hướng dẫn hai em cho biết: Dự án của hai em được triển khai thực hiện trong thời gian dài, tuy nhiên các em rất đam mê tìm tòi, sáng tạo. Với những ưu điểm và tính khả thi của dự án, các em đã hoàn thiện với đầy đủ tính năng để thử nghiệm và thử nghiệm thành công, được áp dụng có hiệu quả vào thực tế trường học. Khi dự án được áp dụng và nhân rộng sẽ giảm chi phí tối đa góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh kết quả dự án đạt được, điều mà nhà trường và các thầy cô giáo ghi nhận đó là sự kết nối của hai em với các em học sinh khác trong trường học để góp phần làm nên thành công của dự án, các em đã biết sử dụng kiến thức liên môn khi xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp. Điều này là minh chứng cho quá trình dạy và học của nhà trường trong những năm qua.

Dự án của các em học sinh hai trường: Tiểu học và THCS Vũ Quý, Tiểu học và THCS Đông Các là 2 trong 10 dự án đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh được tổ chức vừa qua. Thành tích các em đạt được có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong trường học của các em nói riêng và trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nói chung. Thời gian tới, các em sẽ tiếp tục dành thời gian để phát triển dự án của mình để những dự án đó không chỉ dừng lại ở cuộc thi, mà còn được ứng dụng rộng rãi trong môi trường học tập và đời sống thường ngày.



Đặng Anh