Thứ 3, 06/08/2024, 11:17[GMT+7]

Trường Mầm non xã Trung An Đi lên từ gian khó

Thứ 4, 06/03/2013 | 08:46:32
1,183 lượt xem
Một buổi sáng yên bình trong những ngày đầu năm mới, khi không khí Tết lui dần, bà con nông dân lại tất bật bắt tay vào gieo cấy vụ lúa xuân, giai điệu bài hát “Đi học” vang lên rộn rã từ ngôi trường mầm non mới xây xong, thúc giục người dân đưa trẻ tới trường. Khai xuân đầu năm mới ở ngôi trường mới với nhiều hy vọng mới cho thế hệ tương lai của Trung An.

Giờ học ghép đồ chơi của cô - trò Trường mầm non Trung An

 

Lịch sử nhiều gian khó...

 

Cô giáo Nguyễn Thị Vui – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trung An (Vũ Thư) hồi tưởng lại những năm tháng đồng cam cộng khổ, đi lên cùng ngôi trường: Được thành lập từ năm 1960, những ngày đầu, đội ngũ giáo viên được sáp nhập từ các cơ sở trông trẻ tự phát chỉ gồm 5 người, chịu sự quản lý của Hợp tác xã. Hoạt động dạy và học của trường chủ yếu nhờ cơ sở ở nhà dân, đình, chùa...

 

Những năm sau này, trường hoạt động ổn định hơn, cơ sở vật chất dần được cải thiện, số lượng giáo viên tăng lên... và được chia thành 4 khu theo đơn vị thôn với hơn chục phòng học. Tuy nhiên, số lượng  các cháu liên tục tăng lên, khiến cho tình trạng học nhờ vẫn chưa được cải thiện. Cơ sở chính ở thôn An Lộc có 5 lớp học, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60%, còn lại là nhờ nhà dân và trụ sở UBND cũ đã xuống cấp. Trong những ngày thời tiết không thuận lợi: mưa rét, nắng nóng, dưới mái nhà cấp 4 xập xệ, các cháu nhỏ phải trải chiếu nằm trên nền nhà, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe khiến cho các bậc phụ huynh rất lo lắng. Ngoài ra điều kiện nước sinh hoạt của cô trò cũng không bảo đảm, chủ yếu là nước giếng khoan, nước mưa xin của nhà dân. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, trường đã tổ chức bữa ăn trưa tại trường cho các cháu. Trường chỉ có một bếp ăn, đặt tại khu Lang Trung, nên hàng ngày không quản mưa nắng, các cô đều đạp xe, mang xoong nồi đến chuyển đồ ăn về các khu còn lại. Cô giáo Tỉnh, người mà hiện nay các cháu đều gọi là “bà giáo Tỉnh” chia sẻ: “Gắn bó với trường đã 35 năm nay, trải qua bao thăng trầm, sóng gió cùng bao thế hệ mầm non. Mong mỏi lớn nhất của cô là cô, trò có được mái trường khang trang, sạch sẽ để các cháu nhỏ không phải chịu cảnh rét mướt, nóng nực, để bữa ăn không phải nguội lạnh vì qua quãng đường xa mang về”. Có thể nói, trong ngành giáo dục, giáo viên mầm non là vất vả nhất vừa là người chăm sóc, nuôi dạy, đến việc lo dọn vệ sinh cho các cháu còn hơn chăm con cái mình. Vất vả, khó khăn là thế, nhưng với tình thương yêu trẻ, sự gắn bó thân thiết với những “thiên thần” đáng yêu nên hầu hết các cô trong trường đều quyết tâm gắn bó với nghề, với “lũ trẻ”; đồng cam cộng khổ đi lên cùng ngôi trường.

 

Niềm tin ở tương lai

 

Đi lên từ gian khó, cô trò Trường mầm non Trung An đã từng bước vượt qua khó khăn. Hiện đội ngũ giáo viên của nhà trường ngày càng trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ với tổng số 26 giáo viên; trong đó: 1 quản lý trình độ đại học, 6 giáo viên trình độ cao đẳng, còn lại là trình độ trung cấp và đang theo học cao đẳng mẫu giáo.

 

Năm qua, Trường đã được Nhà nước đầu tư xây mới khang trang với tổng diện tích hơn 5.000 m2 ngay sát trục đường liên xã theo tiêu chí trường chuẩn Quốc gia. Ngày mùng 9 Tết Quý Tỵ vừa qua, trường đã nhận bàn giao và đưa vào sử dụng hạng mục chính là dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học, phòng chức năng.  Khuôn viên cây xanh đang được thiết kế xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, trường còn được đầu tư hệ thống nước sạch, loa máy, máy tính, máy in, đồ dùng dạy học (màu nước, đất nặn, sáp màu,…) và sập ngủ trưa cho các cháu. Đặc biệt là mô hình “bếp ăn một chiều” bảo đảm hai bữa ăn đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh cho 100% các cháu, với chỉ 10.000 đồng/ngày/cháu.

 

Năm học 2012 - 2013, trường có gần 400 cháu học sinh, 70% là nhóm tuổi mẫu giáo, còn lại là nhóm tuổi nhà trẻ. Theo như dự kiến, cuối năm 2013 trường sẽ được bàn giao nốt các hạng mục tường bao, sân chơi ở khu chính và xây thêm khu phụ với 4 phòng học cho hai thôn Bồn Thôn và An Lạc. Chị Hiền - một phụ huynh đưa con tới trường hồ hởi chia sẻ: “Hai vợ chồng mình là công nhân, đi làm từ sáng tới tối mịt, bố mẹ hai bên đều già yếu không trông cháu thường xuyên được nên lo lắm. Từ khi trường mới được đưa vào sử dụng, mình yên tâm hơn hẳn. Hàng ngày đón con về thấy cháu sạch sẽ, hân hoan khoe bài hát, trò chơi mới các cô giáo vừa dạy, mình cũng thấy vui lây.”

 

Tương lai phía trước còn nhiều thử thách: cơ sở vật chất cần tiếp tục hoàn thiện, chất lượng giảng dạy cần được nâng cao. “Tập thể giáo viên nhà trường sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng với sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương để làm thật tốt nhiệm vụ ươm mầm cho thế hệ tương lai”. Cô Vui khẳng định quyết tâm của tập thể giáo viên nhà trường.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Thơi

 

  • Từ khóa