Thứ 4, 15/01/2025, 16:27[GMT+7]

Giám sát việc quy hoạch mạng lưới trường học và sáp nhập trường học tại huyện Thái Thụy và Đông Hưng

Thứ 3, 26/04/2022 | 18:25:50
4,029 lượt xem
Ngày 26/4, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh tổ chức giám sát đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 9/7/2009 của HĐND tỉnh về phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; việc sáp nhập trường học trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 29/5/2018 của UBND tỉnh tại 2 huyện Thái Thụy và Đông Hưng. Đồng chí Phạm Thị Như Phong, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát.

Đồng chí Phạm Thị Như Phong, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát tại huyện Thái Thụy.

Đồng chí Phạm Thị Như Phong, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát tại huyện Đông Hưng.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh, công tác quy hoạch mạng lưới giáo dục được huyện Thái Thụy thực hiện theo đúng quy định. Đặc biệt, huyện đã bố trí quỹ đất cho 43/48 trường khối mầm non, 54/56 trường khối tiểu học và THCS theo quy định. Đối với việc sáp nhập trường học, trước khi sáp nhập, huyện Thái Thụy có tổng số 145 trường ở 3 cấp (mầm non, tiểu học và THCS), sau 2 năm (2018-2019) thực hiện sáp nhập huyện còn 104 trường, giảm 41 trường. Sau sáp nhập, công tác bố trí đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được thực hiện theo đúng quy định; việc bố trí cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học được bàn giao nguyên trạng cho các trường học để bảo đảm hiệu quả việc dạy và học.

Tại buổi giám sát, sau khi nghe lãnh đạo Trường Tiểu học và THCS Thụy Hà; Trường Tiểu học và THCS Thái An, lãnh đạo địa phương  báo cáo những thuận lợi, khó khăn trong việc quy hoạch và sáp nhập trường học; lãnh đạo UBND huyện Thái Thụy, các phòng chuyên môn đã làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm như: bất cập trong việc quy hoạch, sáp nhập trường học; công tác quy hoạch mạng lưới trường học sau khi các xã về đích nông thôn mới; khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất khi còn nhiều điểm trường mầm non...

Lãnh đạo Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát tại Trường Tiểu học và THCS Phú Châu (Đông Hưng).

Chiều cùng ngày, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh tổ chức giám sát tại huyện Đông Hưng.

Tại huyện Đông Hưng, từ tháng 7/2009 đến nay, huyện đã tập trung quy hoạch, xây dựng các điểm trường mầm non cùng trên 1 địa bàn về tập trung tại 1 điểm, giảm 91 điểm trường; thành lập 2 trường mầm non tư thục, 5 trường THCS liên xã, 1 trường THCS chất lượng cao... Trong công tác sáp nhập trường học, thực hiện Kế hoạch số 45 của UBND tỉnh, huyện Đông Hưng đã sáp nhập 23 trường tiểu học và 20 trường THCS quy mô nhỏ ở 23 xã để thành lập 23 trường tiểu học và THCS, giảm 20 trường. Đến nay, toàn huyện có 108 trường ở cả 3 cấp.

Lãnh đạo Trường Tiểu học và THCS Phú Châu (Đông Hưng) báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 27 và việc sáp nhập trường học.

Giám sát thực tế tại Trường THCS Phương Cường Xá; Trường Tiểu học và THCS Phú Châu, sau khi nghe ý kiến của cán bộ, giáo viên 2 trường và lãnh đạo địa phương, lãnh đạo UBND huyện Đông Hưng, các phòng chuyên môn đã làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm: công tác quy hoạch điểm trường đối với các trường THCS liên xã, cơ sở vật chất sau sáp nhập; tâm tư, nguyện vọng của giáo viên; chế độ phụ cấp cho tổng phụ trách tại các trường; việc bố trí giảng dạy của giáo viên chuyên trách sau khi sáp nhập...

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, đồng chí Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Thái Thụy và Đông Hưng thời gian tới sớm có giải pháp cùng các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng giáo dục; Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh tiếp thu ý kiến, tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền để có giải pháp phù hợp.

Nguyễn Cường