Thứ 5, 28/11/2024, 19:59[GMT+7]

Nâng cao chất lượng giáo dục: Nhìn từ hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh

Thứ 3, 17/05/2022 | 08:55:02
2,809 lượt xem
366 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh. Đây là kết quả được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận qua hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2021 - 2022. Theo đánh giá, hội thi đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chuyên môn có ý nghĩa quan trọng đối với ngành giáo dục, các đơn vị dự thi và các thầy cô giáo; qua đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại cơ sở.

Giáo viên Trường THPT Quỳnh Côi nâng cao chất lượng qua từng tiết dạy.

Là một trong những giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm nay, thầy giáo Phạm Hồng Thiên, Trường THPT Lê Quý Đôn đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh khi triển khai chương trình GDPT 2018 môn Vật lý. 

Thầy giáo Phạm Hồng Thiên chia sẻ: Đối với môn Vật lý, việc sử dụng thí nghiệm thực hành trong dạy học là phương pháp hiệu quả nhất, nhanh nhất giúp học sinh hiểu và nắm bắt vấn đề. Tuy nhiên, ở các trường phổ thông hiện nay, thiết bị thí nghiệm cho bộ môn đều rất thiếu, đa phần đã xuống cấp, hư hỏng không sử dụng được. Để khắc phục điều này, giáo viên có thể tự làm hoặc sửa chữa lại các thiết bị thí nghiệm sẵn có, hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu, thiết kế các thiết bị thí nghiệm thực hành đơn giản. Với các thiết bị thí nghiệm phức tạp không thể tự làm, giáo viên có thể sử dụng thiết bị thí nghiệm ảo, các phần mềm hỗ trợ dạy học, các hình ảnh trực quan... để minh họa giúp cho bài giảng sinh động. Từ đó thu hút, tạo động lực để học sinh tìm tòi, khám phá bài học. Bên cạnh đó, sử dụng thiết bị thực hành kết hợp linh hoạt với ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học góp phần quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả và phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Kết thúc mỗi bài học hoặc một nội dung kiến thức, giáo viên có thể yêu cầu học sinh vẽ sơ đồ tư duy để phát huy sáng tạo cũng như rèn luyện kỹ năng tổng hợp và sơ đồ hóa kiến thức. Nhờ áp dụng những phương pháp dạy học mới, những tiết dạy của thầy giáo Phạm Hồng Thiên luôn được học sinh chờ đợi và háo hức muốn học.

Thầy giáo Phạm Hồng Thiên là 1 trong 366 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh vừa qua. Các thầy cô giáo tham gia hội thi ở 12 môn học gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Giáo dục công dân, Tiếng Anh và Thể dục. Các thầy cô giáo trải qua 2 phần thi là: thực hành giảng dạy và trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục. 

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hội thi được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các thầy cô giáo đã khắc phục khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện quyết tâm và bản lĩnh, tạo nên thành công cho hội thi. Ở phần thi trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đa số giáo viên có sự nghiên cứu, trình bày biện pháp dựa trên thực trạng dạy và học của nhà trường hiện nay, đồng thời nêu được nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề thực tế. Một số biện pháp có hình ảnh minh họa phù hợp với nội dung, đẹp, hiệu quả và cập nhật khá đầy đủ thông tin về giáo viên, trường học, lớp học. Nội dung các biện pháp được áp dụng trong thực tế giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học.

Đối với phần thi thực hành giảng dạy, đa số giáo viên có sự chuẩn bị chu đáo, công phu từ nội dung bài giảng đến thiết bị, đồ dùng dạy học. Nội dung các giờ giảng đều bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức, đồng thời cập nhật kiến thức mới, bài giảng thể hiện sự sáng tạo, đổi mới phương pháp, tạo hứng thú cho học sinh. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo đã ứng dụng công nghệ thông tin linh hoạt, trình bày bài giảng chặt chẽ, chú trọng phần luyện tập thực hành, bài tập tạo hứng thú cho học sinh. Trong tiết dạy, giáo viên có tác phong, lời nói rõ ràng, chuẩn mực. Về phương pháp giảng dạy, giáo viên đã bám sát phương pháp đặc trưng của bộ môn, nhiều giáo viên thể hiện rõ việc dạy học theo tinh thần đổi mới, kết hợp hài hòa nhiều phương pháp dạy học, xây dựng hệ thống câu hỏi tích cực, chủ động của học sinh, tập trung rèn luyện các kỹ năng thực hành theo cặp, theo nhóm nên giờ học đạt hiệu quả cao.

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Cùng với lòng yêu nghề và nghiệp vụ sư phạm được đánh giá cao, nhiều giáo viên có tinh thần đổi mới giáo dục thể hiện xuất sắc trong các phần thi. Đây không chỉ là ưu điểm nổi bật, góp phần quan trọng tạo nên thành công cho hội thi mà còn cho thấy đội ngũ giáo viên đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, bản lĩnh để thực hiện tốt chương trình GDPT 2018 đối với cấp THPT, trước mắt là năm học 2022 - 2023 thực hiện đối với lớp 10. Trên lộ trình đổi mới giáo dục và đào tạo, các thầy cô giáo là lực lượng tiên phong, nòng cốt để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đặng Anh