Chủ nhật, 24/11/2024, 15:21[GMT+7]

Chọn trường, chọn nghề bắt nhịp nhu cầu thị trường lao động

Thứ 2, 20/06/2022 | 09:01:27
2,041 lượt xem
Mỗi năm có hơn 200.000 sinh viên thất nghiệp; 60% sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường làm trái ngành nghề được đào tạo là con số đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố. Tỉnh ta cũng không nằm ngoài thực trạng chung của cả nước. Định hướng nghề nghiệp trong chọn ngành, chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu của thị trường lao động là vấn đề luôn được các em học sinh và các bậc phụ huynh quan tâm khi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đến gần.

Chương trình tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp của Trường Đại học Thái Bình cho học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Văn Thái.

Thay đổi tư duy nhờ hướng nghiệp

Lựa chọn nghề nghiệp gì, định hướng tương lai như thế nào là sự quan tâm hàng đầu của các em học sinh khi chặng đường THPT sắp kết thúc. Em Bùi Yến Nhi, học sinh lớp 12A2, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Thái Bình chia sẻ: Mặc dù trong thời gian học tại Trung tâm, em được học thêm bằng trung cấp kế toán, chỉ cần bằng tốt nghiệp THPT rồi đi làm nhưng với nghề kế toán, chưa có kinh nghiệm thì rất khó xin được việc làm với thu nhập tốt. Vì vậy, em quyết định sẽ tiếp tục học lên, vừa học vừa làm để tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân và tìm được công việc phù hợp, có thu nhập ổn định. Khác với Yến Nhi, em Nguyễn Thu Trang, Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: Em chọn con đường đi xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp THPT bởi em nhận thấy học lực của mình chỉ ở mức trung bình, hơn nữa điều kiện gia đình không phù hợp với việc học đại học. Vì vậy, em dự định sau khi đi xuất khẩu lao động, tích lũy được số vốn nhất định, sẽ về quê hương để sinh sống và lập nghiệp.

Thời điểm này, hầu hết học sinh lớp 12 đã có những dự định cho bản thân sau khi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, với nhiều em việc chọn trường, chọn nghề vẫn đang còn nhiều băn khoăn. Để công tác hướng nghiệp cho học sinh đạt hiệu quả thì vai trò của ngành giáo dục và các ngành chức năng trong phân tích, dự báo nhu cầu của thị trường lao động là rất cần thiết nhằm định hướng cho các em lựa chọn ngành, nghề phù hợp năng lực và gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Ông Phạm Anh Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Những năm gần đây, phần lớn các trường từ THCS đến THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đa dạng các buổi ngoại khóa về hướng nghiệp nhằm phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp. Mặc dù việc chọn trường, chọn ngành của học sinh hiện nay đã có nhiều thay đổi với xu hướng chọn nghề tăng cao nhưng cũng còn không ít học sinh vẫn còn chạy theo trào lưu để đăng ký vào những trường “hot”, ngành “hot”. Có thể thấy, các ngành mới ra đời theo xu thế của xã hội, song nó vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức bởi không phải học sinh nào cũng phù hợp và có thể theo học. Do vậy, học sinh và phụ huynh cần có cái nhìn toàn diện hơn về định hướng chọn trường, chọn ngành khi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đến gần.

Đón thị trường để chọn đúng trường, đúng ngành

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tú, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Côi chia sẻ: Qua nhiều năm làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, tôi nhận thấy hiện nay có nhiều ngành, nghề được cho là “hot”, có nhiều học sinh đăng ký xét tuyển và ra trường có thể dễ dàng tìm được việc làm, ví dụ như: công nghệ thông tin, digital marketing, logicstic, y tế, kỹ thuật ô tô, thiết kế đồ họa, làm đẹp, du lịch... Đây là những ngành, nghề đáp ứng xu thế của xã hội, song các ngành đó không phải phù hợp với mọi cá nhân. Vì vậy, trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhất là đối với các em lớp 12, bên cạnh việc khuyến khích các em tự đặt ra mục tiêu của bản thân, các thầy cô giáo trong trường cũng tư vấn về những trường, ngành phù hợp với từng em và nhu cầu xã hội khi các em ra trường. Khác với mọi năm, năm nay học sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT nên tỷ lệ học sinh thi để vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng khá cao. Trong thời gian này, cùng với việc tập trung ôn tập cho các em, chúng tôi sẽ tiếp tục có những phân tích, định hướng đối với các em đang băn khoăn về chọn trường, chọn ngành để các em có những quyết định phù hợp, đúng đắn.

Là một trong những đơn vị tham gia trực tiếp trong công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và các trường THPT tổ chức nhiều buổi tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm gắn với thị trường lao động tại địa phương cho học sinh lớp 12. Trong các buổi tư vấn hướng nghiệp, Trung tâm luôn cố gắng phân tích cho các em có nhu cầu học nghề sau khi tốt nghiệp chọn những nghề dễ xin việc và có mức lương ổn định. Không chỉ các đơn vị tham gia tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, hiện nay không ít trường đại học, cao đẳng đã thực hiện cam kết đầu ra có việc làm cho sinh viên ngay khi bắt đầu tuyển sinh. Tiến sĩ Phạm Thị Ánh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình cho biết: Hiện có trên 120 doanh nghiệp đang liên kết với Trường Đại học Thái Bình để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào làm việc, trong đó có hơn 70 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ổn định chiếm đến 95%. Để có được kết quả trên, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo sinh viên để đáp ứng nhu cầu lao động ngay từ khi tuyển sinh đầu vào.

Có thể thấy, điều quan trọng nhất hiện nay chính là công tác tư vấn tuyển sinh chọn ngành, nghề cho học sinh cần được triển khai rộng khắp để các em có cái nhìn bao quát về tình hình và nhu cầu của thị trường lao động cũng như xu thế việc làm để có phương án lựa chọn phù hợp.

Tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình. Ảnh: Nguyễn Cường

Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình

Dự báo trong thời gian tới Khu kinh tế Thái Bình nói chung, khu công nghiệp Liên Hà Thái nói riêng tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh, khi đó nhu cầu về nguồn lao động sẽ tăng qua từng năm, đây là cơ hội rất tốt cho người lao động Thái Bình trong thời gian tới.

Bà Đoàn Thị Thúy Hà, Trưởng bộ phận đào tạo và tuyển dụng khối nhân viên, Công ty TNHH TAV

Hàng năm, do nhu cầu sản xuất nên Công ty TNHH TAV luôn có nhu cầu về nguồn nhân lực. Khi chúng tôi tuyển dụng, có rất nhiều sinh viên Trường Đại học Thái Bình tham gia ứng tuyển và trúng tuyển, hiện đang làm việc tại các phòng, ban của Công ty. Các bạn sinh viên Trường Đại học Thái Bình rất chăm chỉ, chịu khó, được trang bị kỹ năng tốt, làm việc hiệu quả tại các phòng, ban của Công ty.


Đặng Anh