Thứ 5, 28/11/2024, 09:47[GMT+7]

Hiệu quả từ xã hội hóa giáo dục

Thứ 7, 13/08/2022 | 15:22:00
2,990 lượt xem
Năm học vừa qua, các đơn vị giáo dục đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi đến trường, phát triển các loại hình trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trong tỉnh.

Trường Tiểu học và THCS Hoa Lư (Đông Hưng) được đầu tư, xây mới 12 phòng học nhờ xã hội hóa.

Là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, năm học 2021 - 2022, huyện Đông Hưng đã huy động được hàng chục tỷ đồng để xây mới phòng học, phòng chức năng và bổ sung mới trang thiết bị dạy học. 

Ông Trần Đức Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Năm học vừa qua, nhiều đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt công tác vận động tài trợ theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT về quy định tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, các đơn vị đã nhận tài trợ, viện trợ trang thiết bị dạy học và tiền mặt của các nhà hảo tâm với số tiền khoảng 39 tỷ đồng. Điển hình như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tài trợ cho Trường Tiểu học và THCS Hồng Việt hơn 11 tỷ đồng để xây dựng dãy phòng học mới; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ Trường Tiểu học Hồng Giang 5 tỷ đồng xây phòng học; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tài trợ Trường THCS Đông Xuân xây 9 phòng học, một nhà bếp và các thiết bị dạy học với tổng trị giá 10,3 tỷ đồng; Trường Tiểu học và THCS Hoa Lư được một đơn vị tài trợ xây 12 phòng học với trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp nhận vận động tài trợ bằng tiền và hiện vật khác là 2,597 tỷ đồng. Cũng trong năm học vừa qua, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ trên 10 tỷ đồng cho quỹ khuyến học các xã, thị trấn và các dòng họ trong huyện. 

Cô giáo Đặng Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hoa Lư chia sẻ: Được giảng dạy và học tập trong ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp với đầy đủ trang thiết bị, thầy và trò nhà trường rất phấn khởi. Các em học sinh ở xa được về ở bán trú tập trung, tạo điều kiện duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Tại thành phố Thái Bình, năm học vừa qua, các đơn vị trường học đã huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, trường lớp, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục của địa phương. 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình chia sẻ: Để thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa, các đơn vị trường học đã tuyên truyền, kêu gọi các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng trường, lớp, bổ sung, mua sắm trang thiết bị dạy học. Việc huy động và tiếp nhận, quản lý, theo dõi và sử dụng các nguồn lực xã hội hóa được thực hiện đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân; không quy định mức tài trợ tối thiểu. Kinh phí huy động tài trợ được các nhà trường tiếp nhận và sử dụng hiệu quả, được hạch toán và báo cáo quyết toán trên hệ thống báo cáo tài chính của đơn vị. Năm học 2021 - 2022, nhiều trường đã huy động được gần 2,5 tỷ đồng để sửa chữa phòng học, tường rào, khu vệ sinh... và huy động được 5,85 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học. Đặc biệt, nhiều tổ chức, cá nhân trao tặng hàng nghìn suất quà cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó. 

Cô giáo Phạm Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Thọ cho biết: Từ năm 2018 đến năm 2021 nhà trường huy động được trên 470 triệu đồng từ xã hội hóa để lắp điều hòa cho các phòng học, xây dựng, tu sửa khu vườn cổ tích...  Đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhà trường chỉ kêu gọi các bậc phụ huynh, các nhà hảo tâm ủng hộ trang thiết bị phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho cô và trò khi đến trường.

Không chỉ huy động xã hội hóa để góp phần xây dựng môi trường học tập cho học sinh ở các trường công lập, ngành giáo dục các huyện, thành phố cũng khuyến khích đa dạng hóa các loại hình trường lớp tư thục, nhà trẻ, lớp mẫu giáo gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư xây dựng trường mầm non tư thục trên địa bàn. 

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện toàn tỉnh có 14 trường mầm non ngoài công lập và hàng chục nhóm, lớp mầm non độc lập được cấp phép. Công tác quản lý, tổ chức bộ máy của các trường ngoài công lập có những bước chuyển biến tích cực, bộ máy tổ chức được kiện toàn kịp thời, đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ năng lực ngày càng cao, đội ngũ giáo viên cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và số lượng theo quy định. Việc xây dựng trường học tư thục đã và đang góp phần giảm tải cho các trường công lập, tạo sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng giáo dục trên địa bàn. Việc đầu tư theo hướng xã hội hóa giáo dục này chính là hiện thực hóa chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục của tỉnh, tạo thêm điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường Mầm non Đông Thọ (thành phố Thái Bình) được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tài trợ khu vườn cổ tích với tổng kinh phí 272 triệu đồng. 

Đặng Anh