Thứ 2, 13/01/2025, 09:54[GMT+7]

Nỗ lực vượt khó trong năm học đặc biệt

Thứ 2, 29/08/2022 | 08:51:37
956 lượt xem
Năm học 2021 - 2022 là năm học đặc biệt đối với ngành giáo dục cả nước nói chung, ngành giáo dục Thái Bình nói riêng. Dịch Covid-19 đã mang đến không ít khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao, hàng trăm nghìn cán bộ, giáo viên, học sinh đã biến khó khăn thành động lực để đổi mới và phát triển.

Tiết học của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn.

Nỗ lực vượt khó

Khai giảng năm học 2021 - 2022 được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu chính là phòng hội đồng trường tới các lớp học trong toàn trường. Một năm học của hơn 400.000 học sinh trên toàn tỉnh được bắt đầu khá đặc biệt, mang trong đó quyết tâm chung của toàn ngành đó là chiến thắng đại dịch và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. Không khí học tập khẩn trương, học đến đâu chắc đến đó được tất cả các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc ngay từ những ngày đầu của năm học mới. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2021 dịch Covid-19 bùng phát trên toàn tỉnh, nhiều học sinh, cán bộ, giáo viên mắc Covid-19. Nhiều địa phương đã phải đóng cửa trường học, chuyển sang dạy và học trực tuyến cùng các hình thức học tập khác. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để thực hiện mục tiêu tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả vừa thực hiện đúng kế hoạch năm học. Tất cả các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT đều tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh. Riêng đối với cấp học mầm non, các cô giáo đã tự quay lại những video bài học để phối hợp cùng cha mẹ học sinh hướng dẫn trẻ trong những ngày tạm dừng đến trường. Cùng với đó, ngành giáo dục đã phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, người lao động và học sinh từ 5 - 11 tuổi, từ 12 - 17 tuổi.

Dạy học trong điều kiện dịch bệnh giúp toàn ngành biến thách thức thành cơ hội chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Toàn ngành đã triển khai triệt để hệ thống quản lý văn bản qua môi trường điện tử, tiếp tục sử dụng hiệu quả hệ thống dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức hội nghị bằng hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tốt các phần mềm quản lý, sổ điểm, học bạ điện tử. Đặc biệt, năm học 2021 - 2022 cũng đánh dấu sự chuyển mình trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của toàn ngành khi đây là năm học đầu tiên triển khai hiệu quả hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên và lớp 10 công lập. Đối với cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, ngành giáo dục Thái Bình đã đóng góp 226 bài giảng điện tử cấp THPT, 3.143 bài giảng điện tử cấp THCS trên kho học liệu số. Cùng với đó, 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý nhà trường kết nối báo cáo dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.

Những kết quả nổi bật

Nhờ linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều giải pháp nên kết thúc năm học, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quy mô trường, lớp tiếp tục duy trì sự ổn định, đa dạng các loại hình, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút học sinh đến trường học tập. Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe trẻ em tiếp tục được quan tâm và thực hiện tốt, 100% cơ sở giáo dục mầm non thực hiện phần mềm “Quản lý nuôi ăn bán trú”. Nhờ thế, 100% trẻ suy dinh dưỡng được nuôi ăn phục hồi dinh dưỡng; trẻ thể nhẹ cân, thấp còi, béo phì có tỷ lệ thấp và thường xuyên được quan tâm, chăm sóc. Các cơ sở giáo dục phổ thông thường xuyên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Thái Bình có 28 học sinh đạt giải, trong đó có 3 giải nhất, xếp thứ 8 toàn quốc về tỉnh có số lượng giải nhất. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, toàn tỉnh có 1.318 học sinh lớp 9 và lớp 12 đạt giải. Năm học 2021 - 2022 cũng là năm học đáng nhớ khi Thái Bình đứng thứ 10 toàn quốc về điểm trung bình các môn và đứng thứ 10 toàn quốc về số lượng thí sinh đạt điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, em Đặng Lê Nguyên Vũ, học sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi đường lên đỉnh Olympia năm 2022.

Cô và trò Trường Tiểu học Nam Hà (Tiền Hải).

Việc thực hiện chương trình GDPT 2018 cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6; đặc biệt, thực hiện nội dung giáo dục của địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6 theo hướng tích hợp, lồng ghép trong kế hoạch các môn học của nhà trường với hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nhà trường, địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục. Cùng với đó, hoàn thành biên soạn, dạy thực nghiệm tại các cơ sở giáo dục về tài liệu địa phương lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định và tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu địa phương ở những khối lớp này. Về sách giáo khoa, 39 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 đã thực hiện khách quan, công tâm, đúng quy định. Trong đó, sách giáo khoa lớp 3 có 22 cuốn, sách giáo khoa lớp 7 có 23 cuốn, sách giáo khoa lớp 10 có 33 cuốn được Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa đề xuất UBND tỉnh phê duyệt và sử dụng trong năm học mới.

Năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục Thái Bình xác định là năm học tiếp tục đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Những kết quả trên cùng sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, sự phấn đấu của các em học sinh, đồng hành của các bậc phụ huynh và toàn xã hội sẽ là cơ sở để ngành giáo dục Thái Bình sẵn sàng, tự tin bước vào năm học mới hứa hẹn gặt hái nhiều thành quả hơn nữa.


Đặng Anh