Thứ 2, 13/01/2025, 06:24[GMT+7]

Tích cực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học

Thứ 2, 19/09/2022 | 11:07:05
1,809 lượt xem
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục. Qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu về đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.

Giáo viên các cơ sở giáo dục áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới khi thực hiện chương trình GDPT 2018.

Là một trong những giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy học chương trình lớp 6 sách giáo khoa mới, cô giáo Phạm Thị Hương, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường Tiểu học và THCS Phong Châu (Đông Hưng) đã đề xuất nhiều ý tưởng để đổi mới, sáng tạo trong thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018. Một trong những đổi mới đó là cô đã sử dụng mô hình lớp học đảo ngược trong dạy đọc hiểu môn Ngữ văn 6. Cơ sở khoa học của lớp học đảo ngược là dựa trên 6 bậc gồm: Ghi nhớ, thông hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá. Trong mô hình dạy học này, giáo viên có nhiều cơ hội quan sát, tiếp xúc để hướng dẫn, đánh giá từng học sinh, tạo không gian để học sinh năng động hơn trong việc thu nhận kiến thức, hợp tác với bạn bè và đánh giá được kết quả học tập của bản thân, nâng cao năng lực tự học, tự đánh giá.

Cô giáo Phạm Thị Hương chia sẻ: Nhờ các video bài giảng có sẵn, học sinh nghỉ học vì các lý do bất khả kháng vẫn có thể nhanh chóng bắt kịp tiến độ học tập. Điều này cũng đồng thời tạo điều kiện để giáo viên linh hoạt hơn trong việc điểm danh học sinh. Bên cạnh đó, lớp học đảo ngược cho phép phụ huynh có thể truy cập và xem các video bài giảng của học sinh bất cứ khi nào. Đây là một mô hình học tập hiệu quả, tuy nhiên cũng gặp những khó khăn nhất định. Theo cô giáo Hương, ứng dụng mô hình gặp khó khăn khi một số học sinh không bắt kịp việc sử dụng công nghệ, các em không có thiết bị sẽ không theo kịp các bạn cùng lớp. Việc vận hành lớp học đảo ngược nhìn có vẻ như giảm tải thời gian đứng lớp và truyền tải kiến thức một cách truyền thống nhưng thực tế làm tăng thêm lượng công việc cho giáo viên. Vì vậy, để áp dụng mô hình lớp học đảo ngược hiệu quả và thường xuyên hơn, giáo viên và học sinh cần có thời gian để thích nghi và chuẩn bị thiết bị dạy và học phù hợp.

Hoạt động trên lớp của cô và trò Trường Mầm non Tây Sơn (Tiền Hải).

Không chỉ cá nhân các thầy cô giáo nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy học, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện đổi mới theo yêu cầu chung của toàn ngành. Tại Trường Mầm non Tây Sơn (Tiền Hải), đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường theo hướng nghiên cứu bài học là một hoạt động rất quan trọng mà nhà trường thực hiện trong những năm qua. Theo đó, để buổi sinh hoạt chuyên môn đạt hiệu quả, tổ chuyên môn của trường đã áp dụng các bước gồm: họp phân công nhiệm vụ, thiết kế bài dạy, tiến hành dạy, dự giờ và thảo luận. Cô giáo Bùi Thị Hậu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Có thể nói sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học là một trong những đổi mới mà nhà trường thực hiện trong 2 năm học gần đây. Vì thế, giáo viên cần nắm chắc sự khác nhau giữa sinh hoạt chuyên môn truyền thống và sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, đòi hỏi giáo viên chủ động tham gia vào tất cả các khâu từ chuẩn bị, thiết kế bài học, dạy thực nghiệm, dự giờ, chia sẻ ý kiến với đồng nghiệp. Trong đó, nội dung bài học được giáo viên thiết kế theo sát nội dung và đúng chủ đề; giáo án thiết kế linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học; giáo viên hỏi, trẻ trả lời, giáo viên gợi ý, trẻ thực hiện. Đối với giáo viên dự giờ, tập trung quan sát hoạt động của trẻ, vừa ghi chép vừa ghi hình để rút kinh nghiệm. Đồng thời, nhìn vào thái độ, tâm lý, hoạt động của trẻ, nhu cầu hứng thú nhằm tìm ra những rào cản ảnh hưởng tới quá trình học của trẻ cũng như những nhân tố giúp trẻ hoạt động một cách tích cực hơn. Do vậy, những buổi sinh hoạt chuyên môn của trường thường đạt hiệu quả rất cao.

Nhìn lại một năm thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Toàn ngành giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021 - 2022”, có thể thấy ngành giáo dục Thái Bình đã vượt qua khó khăn, khơi dậy được tiềm năng sáng tạo trong đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Chất lượng giáo dục được giữ vững và duy trì ổn định đã trở thành động lực to lớn để cán bộ, giáo viên và học sinh tiếp tục chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới trong quản lý, giảng dạy và học tập. Đây là nền tảng quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác đổi mới căn bản, toàn diện, chất lượng về giáo dục và đào tạo.

Đặng Anh