Chủ nhật, 12/01/2025, 19:08[GMT+7]

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến mức học phí mới 2022 - 2023

Thứ 5, 03/11/2022 | 09:53:01
4,399 lượt xem
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thông tin về việc điều chỉnh học phí năm học 2022 - 2023.

Ảnh minh họa.

Theo đó, cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên giữ ổn định mức thu học phí như năm học 2021 - 2022. Trường hợp địa phương tăng học phí, ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.

Còn đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí trình UBND, đề nghị Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.

Học phí của đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập cũng giữ ổn định mức thu như năm học trước.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tính đến 30/10, cả nước có 8 địa phương quyết định miễn học phí một phần hoặc toàn phần cho học sinh các cấp, gồm: Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Bình.

Cũng liên quan tới học phí, vào đầu tháng 8/2022, Bộ GD&ĐT đề xuất miễn giảm học phí bậc THCS. Tuy nhiên, đến nay phương án này chưa được chấp thuận. Do vậy, hầu hết các địa phương trên cả nước chưa quyết định mức thu và phương án thu học phí năm học 2022-2023 nhằm mục đích chờ quyết định từ cấp có thẩm quyền và hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT.

Theo Nghị định số 81, năm học 2022-2023, mức tăng học phí hằng năm phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế hàng năm. Cụ thể là tăng khoảng 7,5%/năm đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và 12,5%/năm đối với giáo dục đại học công lập.

Theo lộ trình học phí tại Nghị định số 81/2021, dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí giáo dục đại học công lập, đến năm 2030 tính đủ chi phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập.

Riêng đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng mức trần học phí gấp 2 hoặc 2,5 lần đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên nên cơ bản đã bù đắp được chi phí theo yêu cầu của Nghị quyết số 19.

Theo vtv.vn