Những người “lái đò” cần mẫn
Truyền năng lượng tích cực cho học trò
Một buổi sáng, có mặt tại Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình (xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình), hình ảnh những phụ huynh ngoài cổng trường chờ đợi con, những đứa trẻ không thể nghe, nói, chậm phát triển dễ khiến liên tưởng tới không gian trầm lắng. Nhưng trái ngược với điều đó, một giờ học của cô giáo Trần Thị Nguyên, Khoa Văn hóa chuyên biệt cùng các em học sinh khiếm thính diễn ra trong sự im lặng nhưng vô cùng hào hứng. Trên khuôn mặt của cả cô và trò, từ ánh mắt tới nụ cười, đều là niềm vui rạng rỡ. Hôm nay, các em được học về nghề nghiệp. Một phần trên bảng đen, phấn trắng là những bức tranh sắc màu về phi công, ca sĩ, giáo viên, đầu bếp, học sinh... Trên bục giảng, cô say sưa diễn tả từng bức tranh bằng ngôn ngữ hình thể. Ở dưới, các em học sinh cũng chăm chú làm theo. Chốc chốc, lại có 1 em học sinh được cô chỉ định đứng lên diễn tả lại từng bức tranh cho cả lớp. Cả không gian yên tĩnh nhưng cuộc trò chuyện, trao đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu vẫn thú vị diễn ra giữa cô và trò. Cũng vẫn với ngôn ngữ đặc biệt ấy, sau tiết học về nghề nghiệp là giờ tập múa ca khúc “Em yêu trường em”. Những đứa trẻ ngay trước giờ học còn rụt rè khi thấy người lạ, giờ đã say sưa thể hiện tình yêu với thầy cô, mái trường và bạn bè qua những cử chỉ mềm mại, nhẹ nhàng. Trên môi không ngớt nụ cười và ánh mắt rạng rỡ niềm vui khiến cho bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được năng lượng tích cực từ lớp học đặc biệt này.
Đã 15 năm trong nghề, cô giáo Trần Thị Nguyên chia sẻ: Tôi rất thương học trò của mình và cố gắng làm tất cả mọi điều có thể để các em hạnh phúc hơn, vui vẻ, tự tin hơn. Sinh ra với những khiếm khuyết, đa phần các em có hoàn cảnh khó khăn như gia đình thuộc hộ nghèo, được nuôi dưỡng bởi ông bà đã già yếu hoặc mẹ đơn thân... Mỗi em một hoàn cảnh, một câu chuyện của riêng mình nên đều mang những tâm tư không biết chia sẻ cùng ai, cộng thêm việc bất đồng ngôn ngữ với chính những người thân trong gia đình khiến một số em cũng có những cách thể hiện cảm xúc khá tiêu cực. Bên cạnh đó, nhiều em học sinh hiện đang theo học tại khoa chuyên biệt của chúng tôi đến từ những tỉnh như Cao Bằng, Phú Thọ, thậm chí cả miền Nam... Nhiều em ở trong tỉnh nhưng nhà cũng cách khá xa trường nên được bố mẹ cho thuê trọ ở gần trường để thuận tiện cho việc theo học. Xa gia đình, xa người thân nên có những em thiếu đi sự chăm sóc. Chính vì vậy, chúng tôi như chiếc cầu nối ngôn ngữ cho người khiếm thính, không chỉ giữ vai trò của người thầy đứng trên bục giảng mà còn là người bạn để hàn huyên, tâm sự, để sẻ chia những nỗi niềm, định hướng cảm xúc và hành động cho học trò của mình. Điều khiến tôi trăn trở là các em vẫn luôn tự ti về những khiếm khuyết của bản thân. Cùng với các thầy cô, tôi cố gắng truyền năng lượng tích cực cho các em, giúp các em thêm tự tin, có hiểu biết và tri thức để trở thành những người có ích cho xã hội.
Thầy giáo Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Văn hóa chuyên biệt, Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình thông tin thêm: Hiện nay, hơn 200 học sinh của Khoa được 16 thầy cô trực tiếp giảng dạy nhưng trong đó mới 4 thầy cô có bằng cấp chuyên môn chính quy về giáo dục đặc biệt. Các thầy cô luôn tự động viên mình cố gắng khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên để vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ. Mong muốn lớn nhất của các thầy cô là thường xuyên được tham gia tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thiết thực đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong nhà trường hiện nay.
Thầy giáo, họa sĩ Hoàng Trung Dũng giới thiệu các tác phẩm hội họa với học sinh Trường THCS Tây Sơn.
Giúp học trò thêm yêu cái đẹp
Là học trò đặc biệt của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Bình, Lại Thanh Quang dù không thể nghe, nói nhưng có năng khiếu hội họa nổi trội. Vừa chăm chú ngắm nhìn những tác phẩm của Quang tham gia cuộc triển lãm tại trường, thầy giáo, họa sĩ Hoàng Trung Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật vừa hào hứng chia sẻ: Vượt qua trở ngại của bản thân, Quang bắt nhịp rất nhanh ngay từ những bài học đầu tiên, khác biệt chỉ là thay vì lời nói, ngôn ngữ hình thể được cả thầy và trò tận dụng tối đa. Sự tỉ mỉ, sáng tạo của em trong từng bài vẽ không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của bố mẹ mà còn là động lực lớn lao đối với thầy khi quyết định đồng hành cùng em trên con đường nghệ thuật này. Sau hơn 1 năm bắt đầu cuộc hành trình với hội họa, Quang đã có rất nhiều tác phẩm đặc sắc, như bức tranh vẽ biển Đồng Châu, bức tranh vẽ góc phố rộn ràng trong đó em vẽ cả thầy Hoàng Trung Dũng, có cả bức tranh vẽ chính khu nhà em đang ở... Một số tác phẩm đã được những người yêu hội họa đặt mua, đó là niềm vui khi đam mê, cố gắng và nỗ lực của Quang đang từng ngày được ghi nhận và lan tỏa.
Trong số 30 bức tranh của học sinh Khoa Mỹ thuật tham gia triển lãm của trường trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Quang góp mặt với gần 20 bức tranh. Niềm tin và sự khích lệ của thầy giáo, họa sĩ Hoàng Trung Dũng đã tiếp thêm cho em nguồn động lực trên hành trình vượt qua những khác biệt của bản thân để mạnh mẽ chinh phục đam mê.
Họa sĩ Hoàng Trung Dũng chia sẻ: Tại khu vực triển lãm của học sinh, sinh viên, các thầy cô quyết định lấy các tác phẩm của Quang là nhân tố chủ đạo bởi các thầy cô cảm thấy rất tự hào về em - một học sinh có khuyết tật nhưng không gục ngã trước số phận vẫn vươn lên bằng nghị lực và tài năng của mình và hy vọng em sẽ tỏa sáng.
Ngoài 30 bức tranh của học sinh, triển lãm Mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật bao gồm hơn 60 tác phẩm hội họa của các thầy cô giáo, đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung. Trong đó, nhiều tác phẩm đã đạt giải thưởng, được triển lãm trong khu vực và toàn quốc. Say mê thuyết trình với đoàn học sinh của các trường học trong tỉnh về tham quan triển lãm, họa sĩ Hoàng Trung Dũng cho biết, đây là cách để các thầy cô truyền lửa đam mê, đồng thời góp phần cùng các nhà trường định hướng, giáo dục thẩm mỹ cho học sinh thông qua những tiết học ngoại khóa.
Cô giáo Bùi Thị Việt Oanh, Trường THCS Tây Sơn (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Cùng các em học sinh thăm triển lãm mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, chúng tôi rất vui mừng khi thấy các em hào hứng lắng nghe họa sĩ Hoàng Trung Dũng chia sẻ về phong cách hội họa, nội dung, chất liệu, nguồn cảm hứng sáng tác cho mỗi tác phẩm được trưng bày. Đối với những bức tranh trừu tượng, các em cũng được họa sĩ dành nhiều thời gian giới thiệu cụ thể và chi tiết hơn về nội dung, ý nghĩa của tác phẩm đó. Đây là một trong những hoạt động giúp học sinh phát triển toàn diện, thêm yêu cái đẹp và hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ.
Thầy giáo Nguyễn Văn Ngọt giảng giải các sự kiện lịch sử cho các em học sinh tại di tích lịch sử văn hóa.
Đổi mới để có những tiết học lịch sử hứng thú
“Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, ghi nhớ lời dạy ấy của Bác Hồ, những năm qua, thầy giáo Nguyễn Văn Ngọt, Trường THPT Thái Phúc (Thái Thụy) luôn trăn trở: Làm sao để mỗi giờ học môn Lịch sử phải gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ với các em học sinh? Tại sao trên chính mảnh đất quê hương có những con người với những đóng góp lớn lao cho dân tộc nhưng các em học sinh dù vẫn học lịch sử lại không hiểu nhiều về những người anh hùng đó? Xác định giảng dạy bộ môn Lịch sử chính là trang bị cho các em học sinh những kiến thức xã hội cần thiết để các em bước vào đời vững vàng, chững chạc hơn; đồng thời, tạo nên nguồn cảm hứng, thích thú để các em học sinh thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước mình, thầy giáo Nguyễn Văn Ngọt cùng các thầy cô giảng dạy bộ môn Lịch sử của nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức những giờ ngoại khóa tại di tích lịch sử văn hóa...
Thông thường, phòng máy tính chỉ được sử dụng trong những tiết tin học. Nhưng hôm nay, các em học sinh lớp 12A1, Trường THPT Thái Phúc được học môn Lịch sử tại đây. Các em được sử dụng máy tính để tra cứu thông tin về hai danh nhân của quê hương: Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm, sau phần tự nghiên cứu, thảo luận nhóm là trả lời những câu hỏi ngẫu nhiên của thầy. Qua đó, các em học sinh hiểu được Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm là anh em ruột, xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng với trí thông minh và nỗ lực học hành đã thành đạt trên con đường công danh, có công trong việc xây dựng Luật Hồng Đức - bộ luật tiến bộ nhất và hoàn chỉnh nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam... Sau khi đã nắm vững những thông tin cơ bản, các em được đến thăm từ đường dòng họ Quách - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trên quê hương mình. Những bài học lịch sử về hai danh nhân họ Quách bỗng chốc trở nên gần gũi, những sự kiện đã diễn ra qua nhiều thế kỷ như vẫn vẹn nguyên qua những lời giảng giải của thầy.
Em Bùi Hoàng Diệu Linh, lớp 12A1, Trường THPT Thái Phúc chia sẻ: Qua những tiết học lịch sử, chúng em hiểu hơn những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam, thêm tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương mình. Từ đây, chúng em nhận thức được nhiệm vụ của bản thân mình cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa, phấn đấu để xứng đáng với những gì cha ông ta đã cống hiến để chúng em có cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.
Thầy giáo Nguyễn Văn Ngọt chia sẻ: Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, về hình thức dạy học rất đa dạng, đặc biệt chú trọng tới hình thức dạy học di sản, tích hợp với các hoạt động trải nghiệm... giúp các em học sinh có những trải nghiệm sinh động hơn, thiết thực hơn, hiểu biết cụ thể hơn về lịch sử của địa phương và quốc gia, dân tộc. Đây là điểm thuận lợi cơ bản và trong thời gian tới, Trường THPT Thái Phúc sẽ rất chú trọng hình thức dạy học này để tạo thêm niềm hứng khởi, hăng say tìm tòi, nghiên cứu cho các em học sinh trong mỗi giờ học.
Với những cố gắng, nỗ lực trên hành trình chèo lái “con đò tri thức”, thầy giáo Nguyễn Văn Ngọt vừa được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi thầy cô, mỗi lĩnh vực nhưng điểm chung ở họ: niềm tự hào lớn lao nhất luôn là sự tin yêu của học trò, là cả hành trình được đồng hành cùng thế hệ tương lai của đất nước trên bước đường chinh phục tri thức. Mỗi tấm gương thầy cô giáo mẫu mực như sự minh chứng cho lời khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Thái Bình: 72 học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025 24.12.2024 | 15:54 PM
- Thành phố: 133 giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2024 - 2025 17.12.2024 | 16:12 PM
- Xã luậnNhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo” 20.11.2024 | 05:12 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- UBND thành phố: Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm 09.10.2024 | 18:56 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Tây Thụy Anh 05.09.2024 | 11:13 AM
- Phát động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn 26.04.2024 | 17:35 PM
- Thành phố: 32 giáo viên tham gia hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi 11.03.2024 | 17:00 PM
- Xã luậnPhát huy phẩm chất cao quý của nhà giáo Việt Nam 20.11.2023 | 08:33 AM
- Quỳnh Phụ: Tổng kết phong trào thi đua năm học 2022-2023 15.11.2023 | 15:37 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội trao quà tết tại Thái Bình
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”