Thứ 4, 24/07/2024, 14:20[GMT+7]

Muôn chuyện thực tập của sinh viên

Thứ 2, 06/05/2013 | 09:22:57
1,358 lượt xem
Thời gian này sinh viên năm cuối ở các trường đại học, cao đẳng hoàn tất kỳ thực tập, chuẩn bị báo cáo, khóa luận tốt nghiệp, đây là thời điểm để tổng kết những điều sinh viên đã và chưa làm được. Nhiều sinh viên coi thực tập là cơ hội kiểm chứng những kiến thức học được trên ghế nhà trường, rút ra những kinh nghiệm; để bổ sung hoàn thiện bản thân qua quá trình làm việc thực tế; nhưng một số thì coi đây là thời gian nghỉ ngơi, thư giãn do ỷ nại vào các mối quan hệ...

Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội thực tập tại Công ty VHC Soft (Hà Nội)

Những trải nghiệm thực tiễn
Nhiều trường đại học, cao đẳng sinh viên phải tự tìm địa điểm thực tập, hoặc nhà trường sẽ liên hệ và giới thiệu đơn vị thực tập cho sinh viên. Sinh viên các trường sư phạm thường được giới thiệu về thực tập ở các trường phổ thông theo đoàn. Hồng Liên (Vũ Thư) từng ao ước được trở lại dạy học ở ngôi trường cấp 3 mà cô từng theo học. Mong ước đó đã phần nào trở thành hiện thực, trong tháng 1 vừa qua, Liên cùng đoàn sinh viên Trường Đại học Sư phạm I (Hà Nội) về thực tập tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Vũ Thư).

Ba tháng thực tập với thầy cô giáo cũ và trường lớp thân quen để lại trong Liên rất nhiều kỷ niệm. Ngay từ những ngày đầu của kỳ thực tập, Liên được thầy cô hướng dẫn, chỉ bảo rất tận tình từ cách soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng, cách cư xử với với học trò, hay chia sẻ những kinh nghiệm buổi đầu đứng lớp... Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng được thầy cô động viên, được học trò ủng hộ, giúp Liên và các giáo sinh thực tập thêm tự tin, yêu nghề hơn. “Hạnh phúc nhất là khi được nghe tiếng: “Em chào cô ạ” của học trò. Tuy con đường phía trước còn nhiều gian nan, nhưng mình rất tự hào và tâm niệm rằng phải phấn đấu thật nhiều để trở thành một cô giáo tốt”- Liên chia sẻ.

So với sinh viên các trường khác, sinh viên Y khoa có kỳ thực tập lâm sàng đặc biệt hơn. Ngay từ đầu năm thứ 3, tùy theo môn học, sinh viên y khoa sẽ đến thực tập tại các bệnh viện, và được các thầy cô, bác sĩ trong viện hướng dẫn về cách thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Đức Thuận - sinh viên năm thứ 4, Đại học Y Thái Bình cho biết: “ Nhóm mình gồm 7 bạn, đang đi lâm sàng môn Ngoại tại khoa Ngoại I ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mỗi buổi sáng trong tuần, bọn mình đến sớm kiểm tra buồng bệnh, hỏi han nắm tình hình bệnh nhân; phụ giúp điều dưỡng phát thuốc cho bệnh nhân. Khi các bác sỹ đi khám bệnh ở buồng bệnh, bọn mình quan sát, lắng nghe, và ghi chép lại những câu hỏi với từng bệnh nhân. Qua đó, bọn mình nắm được triệu chứng, diễn biến bệnh lý và phương pháp điều trị cho từng người, để rút kinh nghiệm điều trị cho từng loại bệnh”. Tuy nhiên vì có rất đông sinh viên cùng đi lâm sàng, nên chỉ có bạn nào năng nổ, nhanh nhẹn và chăm chỉ thì mới nghe giảng, ghi chép được nhiều; còn phần lớn là đứng ngoài nghe ngóng, hoặc là tụ tập tán gẫu ngoài hành lang chờ hết giờ”.

Sinh viên Công nghệ thông tin cũng có những trải nghiệm riêng trong kỳ thực tập của mình. Tiệp, Đức, Việt là 3 anh chàng quê lúa Thái Bình, đang học năm cuối khoa Toán Tin, Trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Tuy thực tập tốt nghiệp không phải là học phần bắt buộc của mình, nhưng trong thời gian làm khóa luận tốt nghiệp, các bạn vẫn quyết định xin vào thực tập ở một công ty lập trình ở Hà Nội để rèn luyện bản thân. Chỉ với những kiến thức cơ bản về lập trình, cả ba gặp rất nhiều khó khăn khi thích nghi với môi trường mới. Được các “tiền bối” trong phòng chỉ bảo, cộng với việc kiên trì ở lại công ty nghiên cứu tài liệu, luyện tập lập trình đến 7 - 8h tối, sau một tháng các bạn đã bắt nhịp được với dự án của công ty. Kết thúc gần 5 tháng thực tập, nhóm bạn trẻ đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong công việc và được công ty hứa sẽ nhận vào làm ngay khi ra trường. Tiệp chia sẻ: “ Bọn mình xác định rằng thực tập là cơ hội để học hỏi, tiếp cận với môi trường, với công nghệ nhanh nhất. Thành quả đạt được của bọn mình quả là vượt qua sự mong đợi”.

Và đôi điều suy nghĩ
Có một thực tế rất phổ biến của nhiều sinh viên hiện nay, thực tập thường chỉ mang tính hình thức. Họ bước vào kỳ thực tập với bao dự định, ý tưởng trong đầu nhưng thực tế, rất nhiều sinh viên đến cơ sở thực tập chỉ để rửa chén, pha trà hay làm công việc vặt. Hầu hết, các cơ sở thực tập đều nghi ngờ khả năng sinh viên, không dám mạo hiểm giao công việc chính. Một phần cũng là lỗi ở tác phong công việc và giờ giấc “rất sinh viên”, thường đến muộn và tinh thần trách nhiệm không cao. Hơn nữa sinh viên thường có suy nghĩ e dè, sợ không đủ kiến thức để làm việc làm “vướng chân” người khác; một số lại tỏ ra ỷ nại, dựa dẫm vào mối quan hệ để xin tài liệu, xác nhận của đơn vị thực tập; những trường hợp này đều không mang lại hiệu quả. Nam - sinh viên năm cuối kế toán, Đại học Thái Bình cho biết: “Chị gái mình là kế toán công ty mình thực tập, nên mình chỉ cần đến nộp giấy giới thiệu, rồi về nhà chờ xin tài liệu viết báo cáo và xin xác nhận”.

Có thể nói thực tập là khâu quan trọng nhất trong chương trình học đại học, nó chính là sợi dây kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn. Thiết nghĩ cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà trường và cơ sở thực tập để tạo điều kiện tối đa cho sinh viên có cơ hội cọ xát, thực hành những kiến thức đã học, qua đó rút ra những kinh nghiệm, khắc phục những lỗ hổng về kiến thức.

Từng ngành nghề có những đặc thù riêng với muôn hình vạn trạng chuyện thực tập của sinh viên. Với mỗi sinh viên, điều quan trọng là giữ được niềm đam mê với công việc, với nghề nghiệp mình đang theo đuổi để vượt qua những thử thách đầu đời.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơi

  • Từ khóa