Thứ 2, 25/11/2024, 10:43[GMT+7]

Vũ Thư: Phát triển vườn rau cho bé trong trường mầm non

Thứ 5, 09/03/2023 | 08:06:45
3,907 lượt xem
Để có nguồn thực phẩm an toàn cho mỗi bữa ăn của trẻ và phục vụ các hoạt động giáo dục trải nghiệm, thời gian gần đây, các trường mầm non trên địa bàn huyện Vũ Thư tích cực đầu tư xây dựng vườn rau cho bé trong khuôn viên mỗi trường.

Hoạt động trải nghiệm chăm sóc vườn rau tại Trường Mầm non Tân Phong.

Nguồn rau sạch phục vụ bữa ăn của trẻ

Từ 4 sào vườn tạp, mấy năm nay, Trường Mầm non Nguyên Xá cải tạo thành vườn trồng rau phục vụ bữa ăn cho trẻ. Những luống rau xanh được các cô giáo chăm sóc tỉ mỉ, vun xới gọn gàng với nhiều loại rau, củ, quả như: cà chua, sa lát, cải thìa, bắp cải, mồng tơi, bầu, bí, hành, tỏi... 

Cô giáo Trần Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nguyên Xá cho biết: Trước kia, toàn bộ phần rau, củ, quả phục vụ bữa ăn trưa cho 500 trẻ được trường đặt mua từ bên ngoài, vừa mất chi phí vừa lo lắng về mức độ an toàn thực phẩm. Từ khi tự trồng rau, chúng tôi chủ động các loại rau theo mùa và sở thích của trẻ, tiết kiệm chi phí, đặc biệt yên tâm về an toàn thực phẩm. Đến nay, Trường tự cung cấp 100% rau xanh, 70% củ, quả phục vụ bữa ăn hàng ngày của trẻ.  

Tương tự, với khu vườn rộng hơn 1.000m2, Trường Mầm non Tân Phong cũng thực hiện mô hình tự cung, tự cấp rau xanh phục vụ bữa ăn cho trẻ. Cô giáo Quản Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi chia vườn, phân công giáo viên chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc từng luống rau cụ thể; chỉ đạo giáo viên trồng rau theo thực đơn nhà trường, mùa nào rau đấy, mỗi tuần đều có đủ các loại rau khác nhau để phục vụ bữa ăn cho trẻ.

Đến nay, 30/30 trường mầm non của huyện Vũ Thư đã quy hoạch, xây dựng được vườn rau trong khuôn viên với diện tích từ 500 - 1.500m2 mỗi vườn. Hầu hết các trường đã tự cung ứng đủ số lượng rau xanh phục vụ cho bữa ăn tại trường. Thậm chí, một số trường còn sản xuất lượng rau vượt nhu cầu, có thể xuất bán để lấy kinh phí chuyển sang mua các loại củ, quả khác như khoai môn, khoai sọ, cà rốt, nấm hương... nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ. Đặc biệt, ý nghĩa quan trọng nhất mà các vườn rau cho bé mang lại là cung cấp thực phẩm sạch, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe của trẻ.

Một góc vườn rau của Trường Mầm non Nguyên Xá. 

Giúp trẻ trải nghiệm, rèn luyện nhiều kỹ năng

Xắn cao ống quần và tay áo, bé Phạm Bình An, lớp 5B, Trường Mầm non Tân Phong nhanh nhẹn xách chiếc bình tưới bằng nhựa hứng nước ở vòi và tưới cho luống rau cải của lớp mình. Không riêng Bình An, các bạn trong lớp cũng ùa ra, bé tưới nước, bé nhổ cỏ, bé vạch những chiếc lá để tìm sâu bắt. Bé Bình An chia sẻ: Ngày trước con sợ sâu lắm nhưng bây giờ con rất thích ngày nào cũng được xuống vườn chăm sóc rau. Con cũng cần chăm chỉ tưới nước, bắt sâu để bảo vệ cây rau của con.

Mỗi khi được các cô giáo dẫn xuống vườn trường chăm sóc rau, bé Nguyễn Bảo An, lớp 4D, Trường Mầm non Họa My (thị trấn Vũ Thư) tỏ ra rất hào hứng.

 “Bây giờ con biết phân biệt được rau muống, rau cải bắp, su hào, xà lách rồi. Con cũng biết các cô giáo đã rất vất vả nên con cần giúp đỡ các cô chăm sóc rau. Con cũng tập ăn để biết ăn nhiều loại rau hơn” - bé Bảo An chia sẻ.

Cô giáo Đỗ Thị Thúy Hằng, giáo viên Trường Mầm non Nguyên Xá cho biết: Ngoài mục đích lấy thực phẩm, vườn rau tạo không gian trải nghiệm tuyệt vời cho trẻ. Trẻ được khám phá, phát triển rất nhiều kỹ năng như: quan sát, cách chăm sóc, thu hoạch, phân biệt các loại rau, tìm hiểu kiến thức về thế giới tự nhiên... Các con đều rất hào hứng, yêu thích các giờ trải nghiệm tại vườn rau. Chúng tôi thường ghi lại hình ảnh các con chăm sóc vườn rau và gửi cho phụ huynh theo dõi, qua đó phụ huynh rất yên tâm, phấn khởi khi gửi con tại trường.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư cho biết: Mặc dù một số trường có diện tích khuôn viên hạn chế, kinh phí quy hoạch, cải tạo vườn ban đầu khá lớn, quá trình trồng, chăm sóc rau đòi hỏi rất nhiều công lao động nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của phụ huynh và giáo viên nên 100% trường mầm non trên địa bàn huyện đã quy hoạch, xây dựng được vườn rau cho bé. Từ mô hình này, các nhà trường đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tạo cho trẻ không gian trải nghiệm thực tế, giúp trẻ rèn luyện nhiều kỹ năng và giáo dục trẻ thêm yêu lao động, quý trọng thành quả lao động do chính mình làm ra.

Quỳnh Lưu