Thứ 7, 11/01/2025, 12:01[GMT+7]

Đưa nghệ thuật múa rối vào trường học

Thứ 2, 08/05/2023 | 20:41:06
2,048 lượt xem
Để gìn giữ, quảng bá sâu rộng một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, cô và trò Trường THCS Trần Phú, thành phố Thái Bình đã xây dựng và triển khai dự án “Đưa nghệ thuật múa rối vào trong trường THCS góp phần phát triển phẩm chất, năng lực và nâng cao hiệu quả học tập của học sinh”. Đây là dự án giành giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học và giải triển vọng tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022 - 2023.

Sau mỗi buổi biểu diễn, các nhân vật rối được lưu giữ, bảo quản tại thư viện rối của nhà trường.

Khơi nguồn đam mê
Có mặt tại buổi biểu diễn múa rối bóng của Trường THCS Trần Phú, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến những động tác thuần thục, điêu luyện của các em học sinh khi điều khiển những con rối. Sân khấu được các em dàn dựng và trang trí ngay trong lớp học. Những con rối nhỏ nhắn, ngộ nghĩnh gắn với những nhân vật trong bài học như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, ông lão đánh cá, rùa thần... được các em lồng ghép cùng với những lời thoại, âm nhạc, kỹ thuật dàn dựng sáng tạo, công phu đã tạo nên những màn biểu diễn rất sinh động và hấp dẫn. Sau mỗi tiết mục, tiếng vỗ tay tán thưởng của các em học sinh và thầy cô giáo chính là dấu ấn thể hiện thành công của buổi biểu diễn. Em Nguyễn Trịnh Bình Nam, học sinh lớp 6A2 chia sẻ: Em rất thích những tiết học có nghệ thuật múa rối bởi nó rất thú vị, bổ ích, giúp em tiếp thu kiến thức từ những môn học nhanh hơn, nhớ bài học lâu hơn. Em hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa các môn học được ứng dụng nghệ thuật múa rối.

Dự án “Đưa nghệ thuật múa rối vào trong trường THCS góp phần phát triển phẩm chất, năng lực và nâng cao hiệu quả học tập của học sinh” được triển khai tại Trường THCS Trần Phú thông qua hình thức thành lập phường rối gồm 32 học sinh từ khối 6 đến khối 9. Mục đích của dự án nhằm thông qua nghệ thuật múa rối giúp tạo hứng thú cho học sinh trong các môn học, qua đó có những hiểu biết và tình yêu với nghệ thuật múa rối, góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Em Trịnh Đình Phát, lớp 9A và em Trần Minh Anh, lớp 8A là hai học sinh được phân công là trưởng và phó phường rối, đồng thời cũng là tác giả của dự án “Đưa nghệ thuật múa rối vào trong trường THCS góp phần phát triển phẩm chất, năng lực và nâng cao hiệu quả học tập của học sinh”. Để có một buổi diễn múa rối trên lớp học, từ ý tưởng, kịch bản, đến việc sáng tạo ra những con rối đều được chính các em thực hiện sao cho phù hợp với bài học. Trịnh Đình Phát cho biết: Nguyên liệu để làm con rối được chúng em tận dụng từ những vật dụng bỏ đi như giấy màu, bìa, xốp, que kem, chai, lọ... Tranh thủ thời gian rảnh chúng em thực hành làm con rối, luôn nhẩm cốt truyện ở trong đầu và tự hình dung ra khi mình biểu diễn thì mình phải làm những gì. Chúng em cảm thấy rất tâm đắc với dự án này và đã dồn hết công sức để hoàn thành dự án. Chính vì thế, khi nhận được các giải thưởng chúng em rất vui.

Sân khấu múa rối được dàn dựng và trang trí phù hợp với nội dung tác phẩm văn học dân gian.

Gìn giữ và phát triển
Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sự đồng hành của các thầy cô giáo đã rút ngắn thời gian để dự án được hoàn thiện. Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên môn Ngữ văn chia sẻ: Xuất phát từ tình yêu với nghệ thuật múa rối truyền thống nên tháng 6/2022 cô và trò nhà trường bắt đầu triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chúng tôi gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khó khăn khi tạo dựng hoạt cảnh bởi mỗi nhân vật phải luôn luôn có sự mới mẻ nên đòi hỏi cô và trò đều phải có sự sáng tạo. Song với sự quan tâm, giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường và tình yêu nghệ thuật múa rối, những khó khăn đó dần được tháo gỡ, các tiết mục múa rối đều được hoàn thiện và biểu diễn thành công.

Không chỉ có rối bóng, nhiều loại hình khác như rối dây, rối que, rối bè... cũng được cô và trò Trường THCS Trần Phú đưa vào các môn học. Thông qua đó không chỉ giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ, phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh mà còn giúp các em tiếp thu bài học nhanh hơn, yêu thích môn học hơn. Ngoài ra, các em cũng biết đến những câu đồng dao, những làn điệu dân ca thông qua những nhân vật rối. Cô giáo Phạm Thị Phương Ngọc, giáo viên môn Mỹ thuật chia sẻ: Trước khi thực hiện dự án, nhà trường đã tổ chức một số buổi trải nghiệm với nghệ thuật múa rối truyền thống tại huyện Đông Hưng cho các em, từ đó vận dụng linh hoạt, đưa nghệ thuật múa rối vào trường học. Khi phong trào làm con rối được phường rối triển khai và phát động, học sinh tại các lớp đều bắt tay vào cùng làm. Bản thân mỗi em sẽ làm con rối theo sự sáng tạo của mình hoặc dựa trên các đặc điểm của các nhân vật trong mỗi bài học. Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi phải tính toán tỷ lệ sân khấu và tỷ lệ con rối hợp lý, phù hợp với không gian trong lớp học để các em ngồi xa nhất cũng có thể quan sát được, mang đến bài học đạt hiệu quả cao nhất.

Để gìn giữ và phát triển phường rối, Trường THCS Trần Phú đã xây dựng thư viện rối, giúp các thầy cô giáo và các em học sinh sử dụng được thuận tiện, hiệu quả. Các nhân vật rối được chia thành 5 nhóm gồm: nhân vật rối bóng, nhân vật rối trong các tác phẩm hiện đại, nhân vật rối trong các tác phẩm cổ xưa, rối chữ và đạo cụ hoạt cảnh. Ngoài ra, một số lớp cũng có một góc thư viện để trưng bày, lưu giữ các sản phẩm rối.

Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú cho biết: Dự án không chỉ giúp học sinh hiểu được nghệ thuật múa rối truyền thống của Thái Bình mà còn giúp các em thêm yêu mến, tự hào và có ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc. Việc phát triển loại hình nghệ thuật múa rối truyền thống theo hướng hiện đại hóa còn đáp ứng giáo dục STEM trong các môn học, đem múa rối đến gần hơn với đời sống hiện đại. Thời gian tới, để phát triển dự án, nhà trường sẽ đưa nghệ thuật múa rối vào nhiều môn học hơn nữa, tiếp tục sáng tạo trong cách thức làm con rối sao cho sinh động, cuốn hút, phù hợp với năng lực, nhu cầu của học sinh trong học tập. Bên cạnh đó, cô và trò nhà trường cũng sẽ nỗ lực tập luyện để cho ra mắt những hoạt cảnh có tính giáo dục, tính thẩm mỹ cao, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trường học ngày càng phong phú.

Thu Hoài