Thứ 7, 20/04/2024, 18:03[GMT+7]

Tăng cường hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Thứ 4, 24/05/2023 | 08:49:19
2,470 lượt xem
Lựa chọn thời điểm nào để tư vấn, phương pháp tư vấn được thực hiện như thế nào, học sinh nhận được định hướng, gợi mở gì sau buổi tư vấn… là những yếu tố mang tính quyết định để học sinh có được nhận thức đúng đắn về hướng nghiệp trong tương lai. Thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS An Châu (Đông Hưng) tham quan, trải nghiệm tại cơ sở may mặc trên địa bàn xã.

Nằm trong chuỗi các hoạt động trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, vừa qua, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy) đã tổ chức cho các em học sinh khối 9 tham quan khu công nghiệp Liên Hà Thái. Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Buổi tham quan thực tế cho thầy, trò chúng tôi thấy được sự đổi thay nhanh chóng của quê hương từ khi khu công nghiệp đi vào hoạt động và lợi ích kinh tế đối với vùng đất này. Phía Công ty Green I-Park đã bố trí cho các em thăm trụ sở công ty và nghe giới thiệu khái quát về quy mô, tiềm năng, lợi thế, tầm nhìn, triển vọng phát triển của Khu kinh tế; cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trẻ và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dự kiến khi đi vào sản xuất sẽ thu hút từ 40.000 - 50.000 lao động. Buổi tham quan thực tế tại khu công nghiệp Liên Hà Thái đã góp phần định hướng, phân luồng cho các em học sinh, từ đó có động lực để thi đua học tập, có kiến thức, kỹ năng, trình độ để quay lại làm việc tại khu công nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương. Buổi trải nghiệm gắn với thực tiễn địa phương đã cung cấp cho các em nhiều thông tin thiết thực, giúp các em có thêm hành trang để vững bước đi tiếp sau khi rời ghế nhà trường.

Nhiều năm trở lại đây, Trường Tiểu học và THCS An Châu (Đông Hưng) đã có cách làm hiệu quả trong hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Dựa vào kết quả học tập, làm bài khảo sát chất lượng học kỳ I và kỳ II, nhà trường đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn cho các bậc phụ huynh và học sinh có phương án lựa chọn hợp lý khi các em tốt nghiệp. Những em có học lực tốt, có nguyện vọng thì thi vào các trường THPT, còn em nào khó có cơ hội thì nên học tiếp ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện hoặc học nghề. 

Cô giáo Nghiêm Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi giúp phụ huynh và các em hiểu rõ rằng không chỉ học trường THPT thì mới có bằng tốt nghiệp mà học ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vẫn được cấp bằng tốt nghiệp THPT bình thường, thậm chí còn có thêm bằng hoặc chứng chỉ học nghề. Học xong ở đây, nếu các em có nhu cầu vẫn được học lên cao hơn hoặc có thể đi làm luôn. Bên cạnh việc giáo dục lồng ghép và các buổi tư vấn tại trường, chúng tôi cũng tổ chức cho các em học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở may mặc trên địa bàn xã. Năm học này, Trường Tiểu học và THCS An Châu có 73 học sinh lớp 9. Nhờ thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, trường có 54 em có nguyện vọng thi vào lớp 10 THPT, số học sinh còn lại đăng ký học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có trên 26.000 học sinh lớp 9, số học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT là gần 21.000 học sinh, chiếm khoảng 78%. Dự kiến năm học này, tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT cũng không thay đổi nhiều so với năm học trước. 

Ông Phan Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Những năm qua, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố luôn chú trọng chỉ đạo các trường có cấp THCS thực hiện nghiêm hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lớp 9; bố trí đủ thời lượng là 9 tiết/năm học và hướng dẫn giáo viên thực hiện cho sát với thực tiễn địa phương. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục được cấp phép thực hiện mô hình dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề đã tích cực tuyên truyền, thu hút người học ngay sau khi tốt nghiệp THCS. Các hoạt động giáo dục hướng nghiệp giúp các em học sinh THCS định hướng được khối ngành học, nghề nghiệp tương lai ngay từ khi chuẩn bị bước vào lớp 10. Tư vấn nghề nghiệp giúp học sinh định hình được khả năng thực sự của mình dựa trên cơ sở đam mê, sở trường, sức khỏe và năng lực.

Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề phổ thông và hướng nghiệp. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, tăng cường phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội, các trung tâm dạy nghề để tổ chức dạy nghề phổ thông, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, địa phương.

Học sinh Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy) tham quan, trải nghiệm tại Công ty Green I-Park, khu công nghiệp Liên Hà Thái.

Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày