Thứ 3, 26/11/2024, 20:28[GMT+7]

Chuyển đổi số trong ngành giáo dục huyện Đông Hưng

Thứ 6, 26/05/2023 | 09:03:06
3,131 lượt xem
Để đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thường xuyên góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, dạy và học, ngành giáo dục huyện Đông Hưng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở tất cả các cấp học.

Những bài giảng có hình ảnh minh họa trở nên sinh động, hấp dẫn, học sinh dễ nhớ, dễ hiểu bài hơn.

Giờ học Ngữ văn của cô giáo Vũ Thị Thu Hiền, Trường THCS Đông La có sự trợ giúp của các thiết bị thông minh, kiến thức được trình bày bằng nhiều hình thức trên màn hình ti vi trở nên sinh động, hấp dẫn, thu hút, vì vậy học sinh không còn thụ động như trước mà chủ động tương tác với cô giáo, nắm bắt bài học tốt hơn. 

Cô giáo Vũ Thị Thu Hiền cho biết: Dạy học trên nền tảng công nghệ 4.0 đã trở thành công cụ hỗ trợ rất quan trọng với giáo viên. Chúng tôi áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhiều năm rồi, nhất là từ khi có dịch Covid-19 đến nay. Có phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin hỗ trợ, giáo viên có thể khai thác rất nhiều kiến thức, tư liệu, hình ảnh minh họa đưa vào bài giảng cho nội dung của tiết học thêm sinh động, học sinh hứng thú hơn với bài giảng. Giáo viên nhàn trong đặt câu hỏi, còn học sinh tự nẩy ra ý tưởng hay liên quan đến bài học. 

Em Mai Thị Tâm Đan, lớp 9B, Trường THCS Đông La chia sẻ: Khi thầy cô dạy học qua ti vi chúng em dễ hiểu bài, dễ nhớ kiến thức hơn. Đặc biệt, cô giáo đưa nhiều hình ảnh minh họa khiến bài học không khô khan, cứng nhắc mà sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn, chúng em chủ động tương tác với cô nhiều hơn, do vậy kết quả học tập tốt hơn.

Để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa công tác quản lý, hoạt động dạy và học, những năm gần đây Trường THCS Đông La đã đầu tư lắp đặt wifi phủ sóng toàn trường; lắp ti vi thông minh ở 8/16 phòng học; trang bị 50 máy tính bàn và máy tính xách tay. 

Cô giáo Đỗ Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đã khai thác hiệu quả các phần mềm: quản lý hồ sơ EDOC thống kê số liệu EMIS, thống kê chất lượng giáo dục EQMS, SMAS, hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc), tăng cường thực hiện phương thức họp, tập huấn trực tuyến... Từ năm học 2021 - 2022 đến nay, Trường đã triển khai phần mềm đăng ký tuyển sinh trực tuyến với học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 THPT; thanh toán học phí không dùng tiền mặt thuận tiện, minh bạch. 100% cán bộ, giáo viên sử dụng thành thạo các phần mềm, giáo án điện tử phục vụ công tác quản lý và dạy học. Nhờ đó chất lượng giáo dục của Trường ngày càng được nâng cao.

Không chỉ ở các trường học mà các trung tâm học tập cộng đồng một số địa phương nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số vì vậy đã đầu tư hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ, giảng viên chủ động học, sử dụng thành thạo các phần mềm để nâng cao chất lượng giảng dạy phục vụ việc “cần gì học nấy” và cũng là nhằm nâng cao năng lực sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cho người dân. 

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Đông Sơn cho biết: Kể từ khi UBND xã trang bị màn hình LED, máy tính xách tay, việc giảng dạy của Trung tâm có nhiều thuận lợi. Các giảng viên đã tích cực sưu tầm, lồng gắn nhiều hình ảnh, video clip liên quan đến bài giảng đã giúp người học dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn. Đặc biệt, thời gian này chúng tôi tập trung hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử và đăng ký khai sinh, khai tử, các dịch vụ công khác trên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia cũng đều thực hiện trên nền tảng số. Đến nay, phần lớn nhân dân đã được cài đặt, sử dụng, đánh giá cao.

Thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Hưng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên về việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ quản lý, giảng dạy. Đến nay, cơ bản các trường học, trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn đã triển khai hiệu quả các phần mềm xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử, tích cực thực hiện hồ sơ điện tử, dạy và học trên các thiết bị thông minh. Các trường học cũng đang triển khai ứng dụng các phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt, thẻ điểm danh thông minh... Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cán bộ, giáo viên, học sinh nỗ lực vượt khó, thi đua dạy tốt, học tốt đã đưa phong trào giáo dục của huyện vươn lên vị trí dẫn đầu các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. 

Bà Cao Thị Kim Quy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Phòng đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục trên địa bàn rà soát từng tiêu chí trong các văn bản của cấp trên về chuyển đổi số để tự đánh giá tiêu chí của đơn vị mình. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên để nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số. Huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin như xây dựng phòng tin học, củng cố duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy tính, lắp thêm ti vi, màn hình LED, nâng cấp mạng đáp ứng nhu cầu quản lý, dạy và học trên môi trường số.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn huyện Đông Hưng hiện còn gặp một số khó khăn về hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ thông tin... Các nhà trường cần tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa giải quyết những khó khăn đó, góp phần tạo chuyển biến rõ rét trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập.

Ban Giám hiệu Trường THCS Đông La quản lý lớp học qua hệ thống camera giám sát.

Thu Hiền