Thứ 6, 03/01/2025, 01:13[GMT+7]

Bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở giáo dục

Thứ 7, 03/06/2023 | 10:41:30
2,696 lượt xem
Năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục xác định chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo”. Trong đó, chú trọng các giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, do những tác động, ảnh hưởng tiêu cực nên tình trạng học sinh, kể cả giáo viên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, ngành giáo dục đang thực hiện nhiều giải pháp để quản lý, giáo dục học sinh bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Các thành viên mô hình tổ tự quản an ninh học đường của Trường THPT Mê Linh thường đến sớm để tham gia điều tiết giao thông ở cổng trường.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ án rất nghiêm trọng do học sinh gây ra, xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, mâu thuẫn trên mạng xã hội. Điển hình là vụ 1 học sinh lớp 10 ở Thái Thụy dùng dao đâm chết bạn cùng trường xảy ra tháng 11/2022. Bên cạnh đó, hiện tượng tín dụng đen, học sinh hút thuốc lá điện tử... đã xuất hiện tại một số trường học rất đáng báo động; tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phóng nhanh, không chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến học sinh, sinh viên từ đầu năm 2023 đến nay là 14 vụ, làm chết 9 người, bị thương 9 người. Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do tác động của môi trường mạng xã hội; một số gia đình chưa thực sự quan tâm đến con em, thiếu kỹ năng trong giáo dục con cái; các chương trình ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống chưa thực sự hiệu quả; công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa, quản lý còn hạn chế. Đặc biệt, một số học sinh do sự phát triển tâm sinh lý, lứa tuổi dễ bị kích động, chưa làm chủ được bản thân, kỹ năng kiểm soát cảm xúc... dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, ngành giáo dục tập trung thực hiện nhiều biện pháp, trong đó chú trọng việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, kịp thời can thiệp và hỗ trợ những học sinh có biểu hiện vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm pháp luật; tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường gia đình và xã hội, quản lý chặt chẽ giờ giấc học tập của học sinh.

Tại Trường THPT Mê Linh, tháng 3/2023, nhà trường ra mắt mô hình tổ tự quản an ninh học đường với 26 thành viên. Thầy giáo Bùi Văn Duy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cùng với việc ra mắt mô hình, để bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn, không để xảy ra các vụ việc phức tạp liên quan đến giáo viên, học sinh và nhân dân trong khu vực, nhà trường và UBND các xã: Mê Linh, An Châu, Lô Giang, Phú Lương, Đô Lương, Liên Giang đã ký quy ước phối hợp bảo đảm an ninh trật tự. Chú trọng trao đổi thông tin của học sinh cá biệt cho các địa phương để phối hợp quản lý giáo dục, thực hiện tốt mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Công an các xã thường xuyên trao đổi các thủ đoạn lừa gạt học sinh của đối tượng ngoài xã hội để nhà trường chủ động thông tin đến giáo viên, học sinh, giúp các em nêu cao cảnh giác, phòng tránh các đối tượng lừa đảo. Qua một thời gian ngắn hoạt động và thực hiện đồng bộ các biện pháp đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và học sinh trong việc tự phòng ngừa và chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật khác trong trường học. Qua đó ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, đề ra giải pháp hữu ích nhất nhằm mang đến một môi trường học tập an toàn, lành mạnh, tiến bộ.

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Công tác bảo đảm an ninh trật tự trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học của ngành giáo dục. Chúng tôi yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố phối hợp với ngành công an, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho trẻ và giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non và các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn. Cùng với đó, tổ chức đa dạng hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực học đường và các hành vi vi phạm của học sinh, giáo viên. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc quản lý, giáo dục con em mình. Đặc biệt, đơn vị nào để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em, bạo lực học đường thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước địa phương và cơ quan quản lý cấp trên.

Đặng Anh