Thứ 7, 11/01/2025, 04:40[GMT+7]

Sáng tạo trong phong trào làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mầm non

Thứ 5, 22/06/2023 | 09:12:07
5,928 lượt xem
Đến tham quan các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, nhiều người sẽ phải ngạc nhiên trước những đồ dùng, đồ chơi ở đây. Nhìn những đồ chơi đủ màu sắc, kiểu dáng và đặc biệt là mô phỏng được gần như chính xác hình dáng thật của đồ vật, ít ai nghĩ rằng tất cả nguyên liệu làm ra những đồ vật đó đều từ nguyên liệu sẵn có của địa phương hay từ nguồn phế liệu của các gia đình. Nhờ sự sáng tạo của các thầy cô giáo, tiết học của trẻ có thêm nhiều niềm vui và sự hứng thú.

Hội thi làm đồ dùng, đồ chơi của các cô giáo Trường Mầm non Đông Kinh (Đông Hưng).

Để tổ chức tốt một giờ học, một hoạt động cho trẻ, giáo viên cần sử dụng rất nhiều đồ dùng, dụng cụ trực quan phải đẹp, hấp dẫn trẻ. Nắm bắt được nhu cầu đó, ngoài những đồ dùng, đồ chơi được cấp phát, những năm qua, Trường Mầm non Minh Khai (Vũ Thư) đã tích cực làm thêm rất nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. 

Cô giáo Phạm Thị Duyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nguyên liệu để làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo thường là những nguyên vật liệu đã qua sử dụng, sẵn có ở địa phương, không độc hại, an toàn, gần gũi với trẻ như: chai nhựa, bìa các-tông, vỏ hộp sữa, lon nước, hộp xốp, lốp xe... Trước khi làm, giáo viên phải vệ sinh sạch sẽ các nguyên liệu sau đó sơn màu, trang trí thêm cho bắt mắt. Thời gian làm đồ dùng, đồ chơi thường trong dịp hè, trước năm học mới. Trong quá trình làm, giáo viên còn khéo léo cho trẻ kết hợp làm cùng những chi tiết đơn giản, qua đó phát triển ở trẻ trí sáng tạo, ham hiểu biết, rèn sự khéo léo; đồng thời phát hiện những trẻ có năng khiếu về nghệ thuật để có hướng bồi dưỡng. Mỗi tiết dạy có đầy đủ đồ dùng, dụng cụ trực quan sinh động luôn làm cho trẻ hứng thú say mê học và nâng cao khả năng nhận thức. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ của nhà trường ngày càng được tăng lên.

Từ những chủ đề cụ thể, mỗi giáo viên đã phát huy tính sáng tạo, tạo ra những đồ dùng, đồ chơi không những bền, đẹp, mà còn có giá trị sử dụng, có tính giáo dục cao. Chia sẻ về phong trào làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, cô giáo Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Kinh (Đông Hưng) cho biết: Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, thường có rất nhiều sản phẩm bị loại bỏ sau khi sử dụng, ví dụ như vỏ chai dầu gội, sữa tắm, lon bia, vỏ hộp sữa, bìa lịch cũ, đĩa CD cũ... đó là nguồn vật liệu rất phong phú và đa dạng, có thể tận dụng làm những việc hữu ích. Nếu chúng ta có ý thức thu gom, chọn lọc từ nguồn phế thải đó và có ý tưởng làm các đồ dùng, đồ chơi thì có thể biến những chiếc hộp, bìa to nhỏ thành ô tô, tàu hỏa, nhà cửa, bàn ghế... Từ những quả thông ta có thể tạo thành những con công cho trẻ học toán, học chữ đưa vào các giờ dạy, các góc chơi của trẻ ở trường mầm non. Làm như vậy chúng ta sẽ tiết kiệm trong việc mua sắm vật liệu, tạo ra nhiều đồ chơi mang tính sáng tạo phong phú cho lớp học của mình. Những đồ chơi này vừa dễ làm, dễ sử dụng trong các giờ học và các hoạt động. Qua đó hình thành ý thức tuyên truyền với mọi người xung quanh, từ trẻ nhỏ đến phụ huynh học sinh về việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu được lượng rác thải, giảm chi phí cho việc xử lý rác thải trong vệ sinh môi trường.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em, tuy nhiên xét về phương diện giáo dục thì không thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và mục đích của chương trình dạy học ở trường mầm non. Khi có món đồ chơi do cô và trẻ hoặc trẻ tự tay làm ra, các cháu sẽ cảm thấy say mê và hứng thú hơn rất nhiều so với các đồ chơi mua sẵn. Đây cũng là một hình thức dạy cho trẻ biết yêu quý sức lao động ngay khi còn nhỏ. Vì vậy, phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ là việc làm hết sức cần thiết và bổ ích giúp trẻ mầm non thông qua “chơi mà học, học mà chơi”, “lấy trẻ làm trung tâm” nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ một cách toàn diện.

Các cô giáo Trường Mầm non MInh Khai (Vũ Thư) tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào tự làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ.

Đặng Anh