Thứ 6, 10/01/2025, 23:33[GMT+7]

Khởi sắc phong trào sáng tạo khoa học trong ngành giáo dục

Thứ 6, 14/07/2023 | 11:03:09
4,269 lượt xem
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, cùng với các giải pháp về đổi mới dạy và học, phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong giáo viên, học sinh được tỉnh và ngành giáo dục quan tâm tổ chức, đã có bước khởi sắc rõ nét, lan tỏa rộng rãi trong toàn ngành.

Sáng tạo khoa học - kỹ thuật đã trở thành phong trào sôi nổi, thu hút đông đảo học sinh Trường THPT Đông Thụy Anh tham gia.

Sáng tạo từ những tiết dạy

Dạy học kết nối là phương pháp dạy học tích cực mà cô giáo Tô Thị Hương Giang, giáo viên Tiếng Anh, Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) áp dụng trong nhiều tiết học để mang lại hiệu quả cao nhất cho các em học sinh. Cô giáo Hương Giang chia sẻ: Xuất phát từ việc dạy học trực tuyến trong đợt dịch Covid-19 nên tôi đã đề xuất phương pháp dạy học kết nối với Ban Giám hiệu nhà trường. Được sự đồng ý, lần đầu tiên tôi đã áp dụng mô hình dạy học kết nối phục vụ việc dạy và học Tiếng Anh cho học sinh lớp 5B1 với chủ đề Traffic (Giao thông) với 4 điểm cầu, trong đó Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền là điểm cầu chính kết nối với 3 điểm cầu là Trường Tiểu học Xuân Đỉnh, Trường Tiểu học Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), một điểm cầu giáo viên nước ngoài là thầy Andrew đến từ Mỹ. Ngoài ra còn có Trường Tiểu học Thanh Văn và Trường Tiểu học Thanh Thùy (huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) vào dự. Tiết học kết nối diễn ra nhẹ nhàng, sôi nổi nhưng không kém phần vui vẻ, khoảng cách không gian địa lý giữa các vùng miền được rút ngắn. Trò có thêm bạn mới, chúng tôi cũng có đồng nghiệp mới.  Sáng kiến trong dạy học của cô giáo Tô Thị Hương Giang đã mang lại hiệu quả thiết thực, được Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền nhân rộng và lan tỏa trong toàn trường.

Dạy học kết nối là một trong những giải pháp hiệu quả thiết thực từ phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học được ngành giáo dục phát động trong nhiều năm qua. Để thúc đẩy phong trào, hàng năm, ngành giáo dục đã tổ chức hội thi, cuộc thi, thi xây dựng thiết bị dạy học số. Qua đó nhiều ý tưởng, đồ dùng dạy học được ra đời, có tính ứng dụng cao, có giá trị thiết thực trong việc đổi mới phương pháp dạy học; là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo. Trong 5 năm qua, toàn ngành có 2.968 sáng kiến được công nhận và áp dụng; 9 thầy cô giáo đạt giải nhất và giải ba tại hội thi sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật cấp tỉnh và nhiều thầy cô giáo đạt giải tại các cuộc thi, hội thi về khoa học, kỹ thuật toàn quốc. 

Cô giáo Vũ Thị Mai, Trường THPT Đông Thụy Anh là một trong những giáo viên có nhiều sáng kiến kinh nghiệm và đề tài khoa học nhận được nhiều giải thưởng của trung ương, của tỉnh về đổi mới, sáng tạo trong dạy và học bộ môn Công nghệ. Cô giáo Mai chia sẻ: Cùng với vinh dự đạt được những giải thưởng cao quý, trong 2 năm 2020, 2021, tôi có 2 công trình về “Giải pháp về chính sách phát triển đội ngũ giáo viên môn Công nghệ ở khối phổ thông” và “Phát triển năng lực học sinh thông qua phương pháp dạy học môn Sinh học tại Trường THPT Đông Thụy Anh” được công bố trên tạp chí, kỷ yếu khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) hào hứng với tiết học Tiếng Anh kết nối với 3 điểm cầu ở Hà Nội.

“Tiếp lửa” đam mê cho học sinh

Tấm gương về cô giáo Vũ Thị Mai đam mê sáng tạo khoa học không chỉ lan tỏa trong đội ngũ cán bộ, giáo viên mà còn “tiếp lửa” cho nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Đông Thụy Anh. Chỉ tính riêng năm học 2021 - 2022, cô giáo Vũ Thị Mai hướng dẫn 8 dự án nghiên cứu, trong đó có 1 dự án đạt giải nhất lĩnh vực hóa - sinh cấp tỉnh cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học; 1 dự án đạt giải nhì cấp tỉnh cuộc thi sáng tạo trẻ thanh, thiếu niên nhi đồng và được chọn dự thi toàn quốc; 1 dự án được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình lựa chọn tham gia cuộc thi học sinh - sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp quốc gia. Có thể thấy, từ thành công của người thầy, “ngọn lửa” đam mê sáng tạo khoa học đã lan tỏa sang đông đảo học sinh trong toàn tỉnh. Phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật và sáng tạo các sản phẩm STEM đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có hàng trăm dự án tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, 10 dự án đạt giải tại cuộc thi cấp quốc gia, trong đó có 2 giải nhì, 4 giải ba và 4 giải khuyến khích. 

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tổ chức các sân chơi sáng tạo trong học sinh thông qua các hội thi như: khoa học kỹ thuật, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn, dạy học theo chủ đề, sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin...

Ghi nhận tại các cuộc thi, hội thi về sáng tạo khoa học kỹ thuật, theo đánh giá của ban tổ chức, các sản phẩm có sự đầu tư công phu, hầu hết các ý tưởng đều hướng tới thực tiễn phục vụ dạy và học, lao động, sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân… Nhiều sản phẩm đã sử dụng các nguyên vật liệu tái chế, qua đó thấy được ý thức bảo vệ môi trường của học sinh qua các dự án. 

Ông Nguyễn Tiến Hoạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà chia sẻ: Các cuộc thi, hội thi đã tạo sân chơi bổ ích, lý thú, không chỉ khuyến khích các em đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật mà còn giúp các nhà trường đổi mới phương pháp giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, góp phần khơi dậy phong trào thanh niên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khoa học kỹ thuật. Quan trọng hơn nữa, phong trào nghiên cứu khoa học của giáo viên và học sinh đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình hiện nay.

Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, từ đó tạo môi trường mở cho giáo viên, học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm khoa học; giúp các em tiếp cận và vận dụng các phương pháp, sản phẩm khoa học vào thực tiễn.

Đặng Anh